Sức sống mới ở một vùng quê cách mạng

08:04, 29/04/2021

Về xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) vào dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2021), chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ nét trên vùng quê cách mạng này. Đường làng, ngõ xóm trải bê tông khang trang, sạch đẹp; những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Đời sống của người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc. Để đạt được điều đó, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo các tầng lớp nhân dân hăng say lao động sản xuất, tạo bước phát triển mới về kinh tế - xã hội của địa phương. 

Lật mở từng trang lịch sử những năm chống Mỹ cứu nước ở Nghĩa Hải mới thấy sự kiên cường, anh dũng trong đấu tranh cách mạng của thế hệ người dân nơi đây. Từ tháng 4-1965, xã Nghĩa Hải bắt đầu bị máy bay Mỹ đánh phá. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy xã đã họp để bàn biện pháp triển khai một số nhiệm vụ cấp bách; chuyển hướng các tổ chức sản xuất trong điều kiện có chiến tranh để vừa ổn định được đời sống của nhân dân, vừa đảm bảo yêu cầu chi viện cho cuộc kháng chiến. 

Đóng gói sản phẩm mắm tôm tại làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).
Đóng gói sản phẩm mắm tôm tại làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).

Là địa bàn sát biển, lại nằm trên cửa sông Đáy xã Nghĩa Hải có nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ địa bàn, bảo vệ an ninh tuyến biển rất quan trọng. Những ngày đối đầu với chiến tranh phá hoại, dân quân xã Nghĩa Hải đã đánh nhiều trận, góp phần bắn cháy máy bay Mỹ, bảo vệ vững chắc địa bàn. Ngoài chiến đấu dân quân du kích xã Nghĩa Hải còn là lực lượng xung kích để khắc phục hậu quả chiến tranh. Sau mỗi lần địch đánh phá, khói bom chưa tan, dân quân của xã đã có mặt để chữa cháy, cứu sập, cứu người bị nạn, hiểm nguy, cam go ác liệt nhiều lúc không kém gì ngoài mặt trận. Ngoài chiến đấu tại chỗ, chi viện cho chiến trường, nhiều lần dân quân, thanh niên Nghĩa Hải đã tham gia cứu tàu thuyền vận tải trên sông, trên biển, cứu hàng hóa của Nhà nước… Đặc biệt, xã còn tổ chức một đoàn thuyền vận tải để chở hàng hóa, vũ khí vào tận Quảng Bình để chuyển vào chiến trường miền Nam. 

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, quân và dân xã Nghĩa Hải tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tận dụng những tiềm năng lợi thế và tinh thần lao động cần cù, bền bỉ để tạo nên bước chuyển biến trên mọi lĩnh vực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn và sự đồng thuận của lòng dân, Nghĩa Hải đang ngày càng vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nước sạch sinh hoạt… đã được xây dựng góp phần tạo cảnh quan nông thôn khang trang, hiện đại. Việc phát triển và xây dựng phong trào văn hóa cơ sở luôn được coi trọng, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội nhằm bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống cho người dân và xây dựng gia đình văn hóa, xóm văn hóa. Nổi bật trong bức tranh kinh tế ở Nghĩa Hải là sự phát triển về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến nước mắm, mắm tôm... Đảng ủy xã đã đề ra các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống đường, điện, trạm bơm tưới tiêu, tổ chức nạo vét kênh mương… phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện, khuyến khích người dân khai thác thủy hải sản xa bờ; chế biến nước mắm, mắm tôm; nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao nhằm tăng thu nhập cho các hộ dân, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Hiện tại, toàn xã có khoảng 50 nghìn con gia cầm, sản lượng nuôi thủy sản trung bình hàng năm đạt khoảng 14 nghìn tấn, khai thác thủy hải sản đạt 15 nghìn tấn, chế biến nước mắm, mắm tôm đạt 4.000 tấn. Nhiều đảng viên, hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội đi đầu trong công tác xây dựng, phát triển kinh tế. Tiêu biểu như cựu chiến binh Mai Văn Hải, xóm 1, HTX Nam Hải đã tận dụng diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ổi, nuôi cá, nuôi gà, vịt…, thu nhập mỗi năm 300-400 triệu đồng. Ông Lại Văn Quang, xóm 7, Ngọc Lâm mỗi năm sản xuất 10 nghìn lít nước mắm, 300 tấn mắm tôm, tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động… 

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Nghĩa Hải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, phát huy nội lực, năng động, sáng tạo, tranh thủ hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đưa quê hương ngày càng phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com