Hệ thống lưới điện đầu nguồn 110kV trên địa bàn tỉnh hiện bao gồm 217km đường dây, 11 trạm biến áp với 21 máy biến thế, tổng công suất lắp đặt là 873MVA và 3 tuyến cáp quang liên tỉnh có tổng chiều dài 110km do Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Nam Định trực thuộc Công ty Điện lực Nam Định quản lý, khai thác, vận hành. Nằm ở khu vực ven biển, tỉnh ta thường xuyên phải chịu ảnh hưởng bởi biến động bất thường của thời tiết, thiên tai, bên cạnh đó, một số máy biến thế vận hành đã lâu, xuống cấp thuộc các Trạm 110kV: Giao Thủy, Hải Hậu, Phi Trường, Mỹ Xá; hệ thống bảo vệ đầu tư qua nhiều đợt cải tạo, sửa chữa nên khó đồng bộ; thiết bị đóng cắt, tủ vận hành lâu năm bị rão, tiếp xúc kém nên sự cố thường xuyên xảy ra.
Kiểm tra, vận hành Trạm biến áp 110kV Hải Hậu đáp ứng nhu cầu sử dụng điện an toàn trên địa bàn. |
Trước thực trạng trên, Công ty Điện lực Nam Định đã tìm kiếm các nguồn vốn ưu tiên đầu tư vào hệ thống điện đầu nguồn; đồng thời đổi mới công nghệ, kỹ thuật, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành hệ thống điện, đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục phục vụ đời sống, kinh tế - xã hội. Nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Nam Định đã thực hiện phân công, giao khoán đến từng khu vực, thiết bị cụ thể cho lực lượng kỹ thuật; yêu cầu các trạm 110kV duy trì việc kiểm tra nhiệt độ mối nối tiếp xúc mỗi tuần 1 lần cho toàn bộ 357 điểm trong 11 trạm biến áp; đo tiếng ồn phóng điện tại các tủ trung thế ít nhất mỗi tháng 1 lần cho toàn bộ 217 tủ trung áp; duy trì chu trình kiểm tra chất lượng hệ thống ắc quy mỗi năm một lần. Đối với đường dây 110kV, thực hiện việc giao khoán trên từng đoạn đường dây, từng tuyến cáp quang; yêu cầu bộ phận đường dây duy trì việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ kiểm tra như flycam, camera nhiệt, máy đo độ võng; thực hiện kiểm tra nhiệt độ toàn bộ 360 điểm tiếp xúc mối nối ít nhất mỗi tháng 1 lần. Công tác kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp 110kV được lập kế hoạch theo lịch trình hàng tuần, hàng tháng và mở phiên làm việc trên phần mềm chuyên dụng; qua đó lãnh đạo đơn vị dễ dàng kiểm tra, kiểm soát từng bước công việc, đảm bảo an toàn, tần suất, hiệu quả, chất lượng hoạt động. Đối với công tác thí nghiệm định kỳ tiếp địa đường dây, đơn vị chủ động triển khai vào thời điểm thích hợp. Trước mỗi mùa mưa bão hàng năm, đơn vị đều hoàn thành khối lượng thí nghiệm, đo điện trở tiếp địa tại các đường dây 110kV, kịp thời phát hiện các ẩn họa để vận hành an toàn lưới điện. Để nâng cao hiệu suất quản lý, sắp xếp môi trường làm việc khoa học, thời gian gần đây Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Nam Định tăng cường áp dụng tiêu chuẩn 5S. Trong đó, đối với các trạm 110kV tập trung sưu tầm, tìm kiếm, sàng lọc hồ sơ, tài liệu kỹ thuật; thu hồi nhập kho vật tư, thiết bị tồn đọng không sử dụng; sắp xếp phòng làm việc, phòng phân phối, cáp lực, kho tàng gọn gàng ngăn nắp; dán nhãn hướng dẫn vận hành cho từng thiết bị; bó gọn, treo biển đánh dấu tên cáp điều khiển, cáp lực; khôi phục hệ thống sấy, chiếu sáng… Cảnh quan môi trường các trạm được dọn dẹp, san gạt; cây cối được cắt tỉa, tạo cảnh quan phong quang, sạch sẽ. Đối với đường dây 110kV, thực hiện nẹp, bó gọn dây chống sét dọc thân cột bằng đai inox; treo biển tên lộ, tên cột, đánh dấu thứ tự pha, tích hợp số điện thoại nóng để người dân hỗ trợ cung cấp thông tin; treo các biển báo an toàn trên toàn tuyến; hệ thống tiếp địa được sơn phủ, sơn mạ kẽm chống han rỉ. Đến nay, Đội đã hoàn thành chương trình 5S đối với 100% các trạm biến áp 110kV và các đường dây 110kV. Để nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã triển khai khắc phục xong 154 tồn tại bằng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn và đầu tư xây dựng cơ bản. Thực hiện thay thế 88 đầu cáp vận hành lâu, chất lượng kém; lắp đặt dây tiếp địa đầu cáp xuất tuyến xuống thấp để tiện đo hoạt động đo độ ồn phóng điện cáp trung áp; xử lý 28 điểm tiếp xúc có dấu hiệu phát nhiệt và nhiều ngăn tủ có chỉ số độ ồn phóng điện cao trong các trạm biến áp. Hầu hết các tồn tại khiếm khuyết đều được chủ động lập kế hoạch xử lý kết hợp với các công việc khác, không phải cắt điện đột xuất. Tổng chi phí công tác đầu tư, sửa chữa từ năm 2020 đến nay đã thực hiện đạt gần 3 tỷ đồng. Một trong những giải pháp kỹ thuật thường xuyên được áp dụng tại đơn vị là công tác xử lý hành lang an toàn lưới điện cao áp. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã xử lý được được 1 vụ vi phạm hành lang, 1 vụ vi phạm khoảng cách giữa dây dẫn và mặt đất trên địa bàn các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng. Ngoài ra, Đội tăng cường phối hợp với các địa phương tuyên truyền, kiểm tra, thu thập xử lý thông tin, ngăn ngừa không để phát sinh vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Đối với công tác vệ sinh cách điện đang mang điện bằng nước áp lực cao, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã thực hiện 59 phiên rửa sứ trạm biến áp, 27 phiên rửa sứ đường dây 110kV, 143 phiên rửa sứ cho các Điện lực huyện, thành phố trong tỉnh, đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu nguy cơ sự cố lưới điện. Việc rửa sứ hotline (không cắt điện) áp dụng từ cuối năm 2020 đến nay đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là với thiết bị nằm ở khu vực gần biển, khu vực ô nhiễm bụi công nghiệp, góp phần xử lý hiện tượng phóng điện trên bề mặt cách điện, không phải cắt điện khi vệ sinh, giảm thiểu tối đa tổn thất gây ra do rò rỉ điện năng kéo dài.
Bên cạnh giải pháp kỹ thuật, Công ty Điện lực Nam Định đã tích cực đầu tư, nâng cấp hệ thống điện đầu nguồn 110kV. Trong đó, từ năm 2020 đến nay đã thực hiện đóng điện, đưa vào vận hành 4 ngăn lộ tụ bù 22kV thuộc các trạm 110kV Trình Xuyên, Nam Ninh; tiến hành nâng công suất tại các trạm 110kV Giao Thủy, Mỹ Xá, Trình Xuyên, Nam Ninh. Phối hợp với các đơn vị thi công hoàn thành các hạng mục sửa chữa lớn tại các Trạm 110kV Mỹ Xá, Lạc Quần, Nam Ninh, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trình Xuyên, Ý Yên, Phi Trường, Hải Hậu. Phối hợp với các ban quản lý dự án hoàn thành việc di chuyển đường dây trước cửa Đền Trần - Chùa Tháp; cải tạo 4 Trạm biến áp: Trình Xuyên, Phi Trường, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc đáp ứng tiêu chí điều khiển từ xa; đóng điện xuất tuyến 173, 174 từ Trạm biến áp 220kV Trực Ninh đi các huyện ven biển. Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống điện đầu nguồn 110kV nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển lưới điện thông minh, bảo đảm năm 2021 tất cả các trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh đều được điều khiển từ xa, bỏ hoàn toàn nhân lực trực tiếp vận hành, tạo bước tiến mới trong xu thế phát triển./.
Bài và ảnh: Xuân Thu