Ghi nhận qua Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2020-2021

08:04, 29/04/2021

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tỉnh Nam Định năm học 2020-2021 vừa kết thúc, để lại nhiều dư âm tốt đẹp. Hội thi là động lực để các nhà giáo luôn nỗ lực trong công tác giảng dạy, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Một tiết dạy thực hành môn Mỹ thuật tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Tiểu học tỉnh Nam Định năm học 2020-2021.
Một tiết dạy thực hành môn Mỹ thuật tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Tiểu học tỉnh Nam Định năm học 2020-2021.

Để chuẩn bị cho Hội thi cấp tỉnh, ngay từ đầu năm học, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo phòng GD và ĐT các huyện, thành phố tổ chức Hội thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện một cách bài bản, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Sau hội thi cấp huyện, 10/10 đơn vị huyện, thành phố đã chọn cử 46 giáo viên tham dự Hội thi cấp tỉnh ở các bộ môn: Toán, Tiếng Việt, Mỹ thuật, Thể dục, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, cụ thể: 10 giáo viên môn Toán; 10 giáo viên môn Tiếng Việt; 8 giáo viên môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý; 8 giáo viên môn Mỹ thuật, 10 giáo viên môn Thể dục. Hội thi lần này thực hiện theo quy chế mới của Bộ GD và ĐT nên có nhiều điểm mới, như: Nội dung thi có phần thi trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân giáo viên tại đơn vị đang công tác; với phần thi thực hành tiết dạy, giáo viên bắt thăm lớp dạy và chỉ được tiếp xúc, làm quen với học sinh không quá 20 phút trước khi bắt đầu tiết dạy; tiết dạy tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học; và toàn bộ các hoạt động của Hội thi được giám sát bởi các thành viên Ban giám sát. Đây cũng là năm học đầu tiên thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Vì vậy, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học toàn tỉnh lần này, ngoài việc đánh giá phong trào dạy và học, công tác bồi dưỡng giáo viên của các địa phương, còn là dịp nhìn lại một chặng đường, một giai đoạn chỉ đạo, thực hiện đổi mới và phát triển giáo dục tiểu học của tỉnh với những thành công cần phát huy, những hạn chế cần khắc phục để tiếp tục thực hiện tốt hơn ở giai đoạn tiếp theo. Với sự chỉ đạo sát sao của Ban tổ chức, sự đánh giá công tâm, khách quan của Ban giám khảo, sự giám sát toàn diện của Ban giám sát; sự chuẩn bị chu đáo, chỉ đạo sát sao của các phòng GD và ĐT; sự hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi nhất của Ban giám hiệu cùng các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh 2 trường Tiểu học Chu Văn An và Tiểu học Hùng Vương (thành phố Nam Định) - 2 địa điểm diễn ra Hội thi; và đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của 46 thầy giáo, cô giáo dự thi, hội thi đã thành công tốt đẹp. Ở phần thực hành tiết dạy, các thầy, cô giáo đều có sự chuẩn bị công phu. Bài giảng đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học, thiết kế các hoạt động dạy và học hợp lý. Từ hoạt động khởi động, khám phá, thực hành, ứng dụng... đều hấp dẫn, lý thú cuốn hút, nhiều màu sắc, nhiều phong cách; phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá được đổi mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Học sinh đã thực sự trở thành “trung tâm” của hoạt động dạy - học. Các thầy cô cũng kết hợp linh hoạt các kỹ thuật và phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả; gắn bài học với đời sống thực một cách khéo léo; thúc đẩy sự tìm tòi khám phá môn học ở học sinh. Tiêu biểu như tiết Mỹ thuật của thầy giáo Đặng Quang Hùng, Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) được tổ chức như một sân khấu thu nhỏ xóa nhòa ranh giới giữa lý thuyết và thực hành; cô giáo Vũ Thị Phương Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Hải Phương (Hải Hậu) với việc dạy bài toán thông qua một câu chuyện cổ tích rất cuốn hút, để lại nhiều ấn tượng; tiết tập đọc “Dòng sông mặc áo” của cô giáo Nguyễn Thị Nhung đến từ Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (thành phố Nam Định), bằng giọng đọc, thiết kế các hoạt động nhịp nhàng giữa cô và trò, học sinh được phát huy trí tưởng tượng, phát hiện rất nhanh những vẻ đẹp của dòng sông, qua đó học sinh được hướng đến những cảm xúc tích cực về tình yêu quê hương, đất nước một cách giản dị, tự nhiên; cô giáo Vũ Thị Quyên, Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) với việc trình chiếu trực tiếp sản phẩm thảo luận nhóm của học sinh, video hoạt động nhóm bằng ứng dụng Airdrop trên điện thoại Iphone trong tiết học “luyện từ và câu”... Cả 46/46 tiết dạy đều đạt loại giỏi, trong đó có 13 tiết dạy đạt 19 điểm trở lên. Bên cạnh những ưu điểm kể trên, vẫn còn một vài tiết dạy chưa thực sự xuất sắc như: Việc đổi mới phương pháp chưa thật linh hoạt, sáng tạo, tự nhiên; việc khai thác nội dung để rèn năng lực tư duy cho học sinh ở một vài tiết dạy chưa thực sự triệt để và sâu sắc. Một vài giáo viên còn quá bám sát kế hoạch dạy học, chưa linh hoạt ứng xử cho phù hợp với đối tượng học sinh và thực tế diễn biến trên lớp... Đối với phần trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, các biện pháp đều xuất phát từ thực tiễn giảng dạy, giáo dục học sinh và đã được áp dụng thành công tại nơi đang công tác. Cùng với sự chuẩn bị cẩn thận, chu đáo về nội dung, các giáo viên còn thực sự thuyết phục người nghe bởi sự tự tin, tự chủ và nhiệt tình khi thuyết trình. Nhiều bài thuyết trình hoàn hảo thông qua sự kết hợp hài hòa giữa ngôn từ và giọng nói có sự bổ trợ của ngôn ngữ hình thể và các phương tiện hỗ trợ. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bài thuyết trình chưa hoàn toàn thuyết phục được người nghe do giáo viên chưa thoát khỏi ảnh hưởng phát âm của địa phương; tư thế thiếu tự nhiên, việc tăng giảm âm lượng trong giọng nói chưa hợp lý...

Kết quả: Cả 46/46 biện pháp được xếp loại đạt và cả 46/46 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi. Giáo viên đạt kết quả cao nhất các môn gồm: Nguyễn Thị Thêu, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) và Đỗ Thị Hà, Trường Tiểu học Yên Thọ (Ý Yên) đạt tổng điểm 38,5 điểm môn Toán; Nguyễn Thị Nhung, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (thành phố Nam Định) đạt tổng điểm 38,42 điểm môn Tiếng Việt; Mai Thị Bích Hồng, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định) đạt tổng điểm 37,33 điểm môn Tiếng Việt; Đặng Quang Hùng, Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) đạt tổng điểm 37,58 điểm môn Mỹ thuật; Đỗ Thị Quyên, Trường Tiểu học Liêm Hải (Trực Ninh), đạt tổng điểm 37,5 điểm môn Thể dục. Sở GD và ĐT đã trao thưởng 17 giải Nhất, 15 giải Nhì, 14 giải Ba; khen thưởng 10/10 đơn vị huyện, thành phố với 3 giải Nhất, 4 giải Nhì và 3 giải Ba. Kết quả Hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị và cá nhân; là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên; đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục. Nhận xét về Hội thi, NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD và ĐT cho biết: “Qua từng tiết giảng dạy trong Hội thi cho thấy các thầy cô đã rất tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 29-NQ/TW (về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo) là chuyển từ việc chủ yếu cung cấp kiến thức sang việc phát triển phẩm chất năng lực học sinh, quan tâm đến việc rèn tính tự học và sáng tạo của học sinh; tổ chức cho học sinh chủ động lĩnh hội tri thức, tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm hiệu quả, thổi cho học sinh ngọn lửa đam mê, thích học, thích giao lưu, chia sẻ, thích khám phá, thích phản biện, từ đó tạo cho học sinh động lực, khát vọng trên con đường khám phá tri thức, mà trên con đường đó, thầy cô chính là người đồng hành cùng các em, dạy các em cách học, cách nghĩ, cách làm, cách sống, cách hòa nhập...”./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com