Với phương châm hướng về cơ sở, lấy lợi ích kinh tế, quyền lợi thiết thực của hội viên làm phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp, vận động hội viên, những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Xuân Trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Sản xuất bánh đa truyền thống ở làng nghề xã Xuân Tiến. |
Các cấp HND trong huyện đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan toả trong nhiều lĩnh vực, tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên hội viên hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Phong trào đã thu hút đông đảo các hộ nông dân tham gia; bình quân hàng năm có 19.500 hộ nông dân đăng ký và có 14.800 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân tiêu biểu; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã mạnh dạn đầu tư, thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã. Kết quả, những năm qua đã có hàng nghìn cán bộ, hội viên trở thành gương điển hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, kinh doanh, dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, điển hình như bà Đoàn Thị Nho, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nhật Tân, sản xuất máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng may mặc xuất khẩu; bà Mai Thị Nhung, Phó giám đốc Công ty Đình Mộc chuyên sản xuất máy cơ khí và sản xuất nông nghiệp với quy mô 110ha; ông Trần Hùng Quang, xã Xuân Trung, sản xuất túi siêu thị xuất khẩu; ông Nguyễn Tiến Dũng, xã Xuân Ninh mở xưởng may mặc và cấy trên 80ha lúa lai; bà Trần Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Tam Hợp chuyên sản xuất các loại máy băm các sản phẩm phụ của nông nghiệp. Các ông: Vũ Quốc Tuấn, xã Xuân Ngọc; Phạm Văn Thặng, xã Xuân Bắc sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ; ông Đoàn Xuân Khải, xã Xuân Thành kinh doanh vật liệu xây dựng nội thất; các ông Đinh Thanh Tuyền, Trần Văn Ca, Mai Văn Khang, xã Xuân Tiến sản xuất máy cơ khí nông nghiệp... Các doanh nghiệp, các hộ sản xuất còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 20-250 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4-8 triệu đồng/người/tháng. Trong chăn nuôi, tiêu biểu như ông Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh; ông Lê Văn Bản, xã Xuân Hòa; ông Nguyễn Viết Bằng, xã Xuân Phú; ông Nguyễn Văn Trung, xã Xuân Ninh nuôi trồng thủy sản; ông Nguyễn Văn Thanh, thị trấn Xuân Trường nuôi cá lồng; ông Nguyễn Văn Thang, xã Xuân Đài với trang trại chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập bình quân từ 500 triệu đến 2,2 tỷ đồng/năm.
Phong trào cũng khuyến khích, động viên hội viên, nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức như giúp về vốn, giống, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất... Hàng năm, các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ hàng trăm lượt hộ nông dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. HND huyện xây dựng Quỹ “Nâng cấp nhà ở cho hội viên nghèo”, Quỹ “Mái ấm nông dân”. Trong 5 năm qua, các cấp HND trong huyện đã tổ chức vận động ủng hộ xây dựng được 3 nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 100 triệu đồng cho các hộ hội viên nghèo, tặng 20 chiếc xe đạp cho con em nông dân nghèo vượt khó, giúp 7 hộ hội viên nghèo nâng cao mức sống bằng hiện vật như ti vi, bếp ga, nồi cơm điện trị giá trên 40 triệu đồng. Hàng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, các cấp Hội còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, trong 5 năm qua đã tặng 943 suất quà tổng trị giá 312,4 triệu đồng. Hội còn phân công các hội viên làm kinh tế giỏi giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo trong chi hội; hàng năm, các cấp Hội trong toàn huyện đã giúp được từ 300-400 hộ vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, HND các cấp trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Trong 5 năm qua đã thành lập mới 7 mô hình tổ hợp tác với 68 thành viên tham gia; 4 tổ hội nghề nghiệp với 42 thành viên tham gia đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung, đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Hội còn tăng cường phối hợp với các phòng, ban liên quan để khai thác, vận động tạo nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Đã có 105 hộ hội viên nông dân được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tổ chức Hội với số tiền trên 2,4 tỷ đồng.
Thời gian tới, các cấp HND huyện Xuân Trường tiếp tục huy động các nguồn vốn hỗ trợ hội viên. Đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm. Phối hợp với các phòng, ban hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Vận động hội viên tương trợ, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển kinh tế bền vững./.
Bài và ảnh: Lam Hồng