Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc sử dụng mạng xã hội nhằm mục đích giải trí, giao lưu, kết nối, chia sẻ và trao đổi thông tin giữa các cá nhân với nhau ngày càng phổ biến. Bên cạnh những hiệu ứng tích cực, mạng xã hội không phải không mang đến những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến phẩm chất, đạo đức, lối sống của con người, nhất là đối với giới trẻ.
Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố Nam Định tổ chức các lớp học năng khiếu, giúp học sinh hạn chế thời gian rỗi tiếp xúc với mạng xã hội. |
Thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để truyền bá những luận điệu sai trái, đưa ra thông tin xấu, độc, phát ngôn gây thù hận, kích động bạo lực… gây nhiễu loạn thông tin chính thống, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh xã hội; thậm chí cả tuyên truyền văn hóa đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục, sử dụng ngôn từ tục tĩu để thóa mạ, bôi nhọ, chửi bới người không có cùng quan điểm, gây bè phái mâu thuẫn… Mạng xã hội hiện nay giống như “mê hồn trận” làm cho người thiếu kiến thức, kinh nghiệm khó phân biệt đâu là thông tin thật, giả, tốt, xấu. Từ đó, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội hô hào tụ tập đông người phản đối chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động tâm lý hoài nghi với chính quyền, kích động dư luận, biến bức xúc thành bạo động...
Để giúp thanh, thiếu niên nêu cao tinh thần cảnh giác trước những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, những năm qua, Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, định hướng thanh, thiếu niên nhận diện được nguồn tin không chính thống từ các trang mạng xã hội để nâng cao cảnh giác, kịp thời phê phán những biểu hiện lệch chuẩn trên mạng xã hội. Tỉnh Đoàn thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị triển khai, ký kết giao ước thi đua thực hiện kế hoạch liên tịch - phối hợp phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Tỉnh Đoàn chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh để tạo sự thống nhất và sức mạnh trong công tác đấu tranh, lên án các luận điệu sai trái, tuyên truyền, chia sẻ những thông tin về người tốt - việc tốt, những tấm gương cao đẹp trong cuộc sống, qua đó làm lan tỏa các giá trị tích cực trong xã hội. Các cấp bộ Đoàn sử dụng mạng xã hội để thông tin các vấn đề thời sự cho đoàn viên, thanh niên từ những nguồn tin chính thống theo phương châm “Dùng tin tốt để đẩy lùi tin xấu” qua các chuyên mục như: “Phổ biến pháp luật cho giới trẻ”, “4 bài học lý luận chính trị”, “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”... Ở các địa phương, các cán bộ Đoàn xã, văn hóa xã, Công an xã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử, internet nhằm hạn chế tác động từ những thông tin xấu, độc, không lành mạnh đến giới trẻ. Để quản lý nội dung thông tin trên mạng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện đồng bộ các giải pháp; đề xuất ý kiến sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý internet và việc cung cấp thông tin trên mạng xã hội, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin phải có trách nhiệm với thông tin cho phép đăng tải, phối hợp gỡ bỏ thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên để có nhận thức đúng đắn khi sử dụng mạng xã hội đang là một vấn đề cấp thiết. Đặc biệt là ở trong môi trường học đường, nếu thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh có sức thu hút các em thì đa phần các em học sinh sẽ dành thời gian rảnh rỗi tham gia vào các trang mạng xã hội, trò chơi điện tử không lành mạnh và dễ sa đà. Đặc biệt, nhiều em sử dụng mạng xã hội từ rất sớm, thiếu sự giám sát của người lớn dễ bị “lạc hướng”. Nhiều gia đình chưa biết kỹ năng hoặc xem nhẹ việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng khiến trẻ bị lợi dụng, xâm hại qua những trò chơi trực tuyến, những cuộc thi ảo có kết nối, chia sẻ; khiến một hành động nhỏ có thể nhanh chóng trở thành trào lưu, xu hướng mà trẻ khi tham gia chưa ý thức, phân định được các mặt lợi, hại của những trào lưu đó… Những năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo trong tỉnh luôn nỗ lực tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh để vừa quản lý học sinh, vừa bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, hoàn thiện nhân cách, xây dựng lối sống tốt đẹp cho giới trẻ, đồng thời hạn chế thấp nhất sự tác động tiêu cực của mạng xã hội đa chiều. Trong các nhà trường, cùng với việc đổi mới nội dung giáo dục, định hướng giá trị nhân cách và lối sống, nâng cao “sức đề kháng” trước tác động tiêu cực của mạng xã hội cho học sinh, giúp các em thấm sâu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giáo dục, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, đạo đức, phẩm chất tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh. Các thầy cô cũng trực tiếp tham gia các trang mạng xã hội để hiểu và nắm bắt tâm lý cũng như nhu cầu sử dụng mạng xã hội của giới trẻ để có những biện pháp giáo dục, quản lý, điều chỉnh phù hợp, hiệu quả.
Mặc dù các ngành chức năng các cấp đã tích cực vào cuộc nhưng việc loại bỏ tác động mặt xấu của mạng xã hội là không thể mà đây là công việc lâu dài, thường xuyên nhằm hạn chế tiêu cực của những biểu hiện lệch chuẩn trên mạng xã hội có thể phát sinh. Phòng, chống tác động tiêu cực của mạng xã hội đến giới trẻ là một yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò của các đoàn thể, nhà trường, gia đình trong hạn chế những tác động tiêu cực của những biểu hiện lệch chuẩn trên mạng xã hội. Đây được coi là giải pháp quan trọng tạo sự “miễn dịch”, “sức đề kháng” cho thanh, thiếu niên nhận biết và tránh xa cái xấu trong quá trình tiếp cận, sử dụng thông tin. Thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp phòng, chống tác động tiêu cực của mạng xã hội đến thanh thiếu niên. Bổ sung, cập nhật những nội dung cần thiết đáp ứng yêu cầu phòng, chống tác động tiêu cực của mạng xã hội, kích thích tính tích cực, sáng tạo, tự chủ, tự phòng chống trong môi trường học đường; thực hành sử dụng mạng xã hội đúng mục đích, phục vụ hữu ích việc học tập, sinh hoạt. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; nhận diện kịp thời các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu, độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó, trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Luật An toàn thông tin mạng./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng