Trường học là nơi tập trung đông người nên rất dễ trở thành môi trường thuận lợi để các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan. Đặc biệt, vào mùa xuân thời tiết thay đổi bất thường, lúc nồm ẩm, lúc khô hanh, là điều kiện cho các loại vi khuẩn, dịch bệnh phát triển. Học sinh lứa tuổi mầm non, tiểu học, THCS rất dễ mắc bệnh vì sức đề kháng chưa cao. Bên cạnh đó, mặc dù tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh hiện đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên diễn biến dịch ở một số địa phương trên cả nước vẫn phức tạp, khó lường, nguy cơ bùng phát luôn tiềm ẩn. Với quan điểm chỉ đạo không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, Sở GD và ĐT thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch COVID-19 để kịp thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thành lập Ban thường trực phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch, các phương án, kịch bản phòng, chống dịch theo các cấp độ; đặc biệt, đề ra các phương án đảm bảo phòng dịch và triển khai kế hoạch giảng dạy phù hợp nếu tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT cũng yêu cầu các trường học hạn chế tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế không cần thiết nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp tại Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định). |
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD và ĐT hầu hết các nhà trường đã cập nhật và triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, ngành và địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh qua từng giai đoạn, đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19; chú trọng việc đảm bảo vệ sinh môi trường, lớp học, thiết bị dạy học, phun thuốc tiêu độc, khử trùng. 100% nhà trường thành lập tổ thường trực phòng chống dịch COVID-19 tại đơn vị và xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó với dịch COVID-19; tuyên truyền, hướng dẫn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo và hướng dẫn của ngành Y tế. Đặc biệt, các nhà trường duy trì thực hiện việc bố trí cán bộ đo thân nhiệt; cung cấp dung dịch sát khuẩn cho học sinh, giáo viên trước khi vào lớp; hướng dẫn, nhắc nhở việc đeo khẩu trang, vệ sinh lớp học, vệ sinh cá nhân của học sinh. Kết thúc mỗi buổi học, các nhà trường bố trí cán bộ quét dọn lớp, lau chùi bàn ghế, khử khuẩn. Nhân viên y tế của trường thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định phòng dịch ở các lớp học. Các nhà trường cũng phối hợp với cha mẹ học sinh (qua sổ liên lạc điện tử) tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan y tế, hạn chế tiếp xúc, hạn chế đi du xuân, lễ hội đầu năm...; không được chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch và tuyệt đối không chia sẻ những thông tin chưa chính xác về tình hình dịch COVID-19; tổng vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ; thực hiện nghiêm thông điệp 5K trong phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp với chính quyền, y tế tại địa phương và cha mẹ học sinh trong việc tổ chức khai báo y tế cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định. Nhờ đó ý thức phòng dịch của cả giáo viên và học sinh trong các nhà trường được nâng lên. Tại Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định), cô giáo Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ khi bùng phát dịch COVID-19 tại một số địa phương trên cả nước, nhà trường đã chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống, dịch để đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường. Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhà trường đầu tư trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học như chuẩn bị máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, xà phòng, khẩu trang và duy trì thực hiện tổng vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp hàng ngày theo quy định. Nhà trường cũng tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch tới giáo viên, phụ huynh và học sinh thông qua nhiều hình thức như thông qua sổ liên lạc điện tử trên phần mềm SMAS hoặc trên facebook, zalo, trang web của trường; treo tranh, ảnh tuyên truyền việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại cửa các lớp học. Trường phối hợp với Trạm Y tế phường Thống Nhất theo dõi chặt chẽ sức khỏe của học sinh, giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý để phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện mắc bệnh (sốt, ho, khó thở, mệt...) và thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời. Mỗi buổi học, nhà trường phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên đo thân nhiệt và sát khuẩn tại cổng trường; yêu cầu khai báo y tế đối với khách ra vào cơ quan. Nhân viên y tế nhà trường và tổng phụ trách đội thường xuyên kiểm tra vệ sinh môi trường lớp học, kiểm tra các điều kiện khử khuẩn trường, lớp (phun, lau nền nhà, tay nắm cửa, tay vịn lan can, bàn ghế, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng; chuẩn bị thùng rác có nắp đậy, đặt ở vị trí thuận tiện, thực hiện thu gom, xử lý rác thải hàng ngày; chuẩn bị xà phòng, dung dịch khử khuẩn, các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học...). Nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh, giáo viên thực hiện đo thân nhiệt tại nhà, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi đến trường, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, theo đúng khuyến cáo “5K”. Kết thúc mỗi buổi học, cán bộ y tế nhà trường khử trùng các lớp học bằng Cloramin B. Không chỉ các trường ở thành phố Nam Định mà tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh đều nhận thức rõ sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường là nhiệm vụ trọng tâm giúp cho việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Nhiệm vụ này cũng được phụ huynh phối hợp thực hiện với tinh thần vừa học vừa chủ động phòng chống dịch cao./.
Bài và ảnh: Minh Thuận