Đã 62 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết trồng cây” đầu tiên nhưng những lời căn dặn của Người vẫn còn mãi. Thấm nhuần tư tưởng của Người, hàng năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều tổ chức phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” góp phần thúc đẩy phong trào trồng cây gây rừng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp.
Công nhân Công ty cổ phần Môi trường Nam Định trồng cây xanh tại Công viên Giàn Leo góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch. |
Tỉnh ta hiện có hơn 3.000ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng ngập mặn ven biển. Diện tích rừng của tỉnh tuy không nhiều nhưng có vai trò quan trọng phòng hộ bảo vệ đê điều, chống tác động của biến đổi khí hậu, là nơi quần tụ của nhiều loài chim nước quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và phát triển du lịch sinh thái… Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, từ nhiều năm nay, trồng cây đầu xuân đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp văn hóa của tỉnh. Nhiều lớp cây xanh được trồng đã trở thành những cây cổ thụ sum suê trên các đường phố, mọi nẻo đường của các làng quê, nhiều “tuyến đường hoa”, nhiều héc-ta rừng đã phủ xanh những bãi biển giữ cát tạo bãi, mang lại một màu xanh yên bình cho nhiều khu vực ven biển, làng quê, tạo nên một hệ sinh thái phát triển đa dạng ổn định và bầu không khí trong lành, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho quê hương. Theo thống kê của Sở NN và PTNT trong năm 2020, toàn tỉnh đã trồng mới được 43ha rừng phòng hộ; trồng 800 nghìn cây phân tán; chăm sóc hơn 310ha rừng phòng hộ và khoán bảo vệ gần 1.747ha rừng phòng hộ. Cùng với đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các huyện, thành phố, chính quyền các xã có rừng và lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ các khu rừng phòng hộ ven biển, giữ gìn sự tồn tại đa dạng của các thảm cây xanh góp phần giảm thiểu những mối đe dọa từ thiên tai, bão lũ; đồng thời tạo thêm sinh kế cho người dân tại địa phương. Tổ chức tuyên truyền các quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bằng các hình thức như: Tổ chức 1 lớp tập huấn và phổ biến, giáo dục cho hơn 100 người gồm các lực lượng bảo vệ rừng cơ sở các xã, Vườn quốc gia Xuân Thủy và lực lượng kiểm lâm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền địa phương, lực lượng có liên quan và người dân huyện Giao Thuỷ; phát 3.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng; sửa chữa và xây dựng 7 biển cảnh báo, tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các huyện có rừng. Các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, xâm hại đất rừng, qua đó phát hiện và xử lý 10 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, các Hạt Kiểm lâm, các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở NN và PTNT) tích cực hướng dẫn các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động khai thác, kinh doanh, chế biến, cất giữ lâm sản trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định tại Thông tư số 27/TT-BNNPTNT ngày 16-11-2018 của Bộ NN và PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Để phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020 và thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, ngay từ đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh có Chỉ thị số 5/CT-UBND ngày 20-1-2021 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2021. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các đơn vị, chủ rừng tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng. Xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng năm 2021 và tổ chức thực hiện với chỉ tiêu trồng cây xanh gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020; chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt… Năm nay toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 28ha rừng phòng hộ; trồng bổ sung, phục hồi 115ha rừng phòng hộ; chú trọng chăm sóc hơn 353ha rừng phòng hộ; quản lý, bảo vệ gần 3.074ha rừng; trồng 16 nghìn cây phân tán và khoán bảo vệ 1.791ha rừng phòng hộ. Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định cho biết: Hưởng ứng phong trào trồng cây xanh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố đã tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện trồng cây xanh các loại tại những vị trí đất trống phù hợp để tạo bóng mát, bảo vệ môi trường sống. Nhiều xã, phường trồng từ 1.000 đến 2.000 cây xanh; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố trồng từ 100 đến 200 cây xanh các loại. UBND thành phố phối hợp với Sở NN và PTNT chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho việc trồng cây, lựa chọn, bố trí loại cây trồng phù hợp với từng vị trí, điều kiện cụ thể, chất lượng cây trồng bảo đảm; tổ chức chăm sóc, bảo vệ, quản lý tốt cây trồng.
Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phong trào trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; nhận thức về vai trò của rừng, việc trồng cây của toàn xã hội được nâng lên. Chính quyền các cấp cùng các sở, ban, ngành cần tích cực triển khai các biện pháp để bảo vệ và nhân rộng diện tích trồng cây xanh, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, góp phần xây dựng môi trường sống xanh - sạch./.
Bài và ảnh: Văn Đại