Thời gian qua Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trực Ninh đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xét xử các vụ án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cán bộ TAND huyện Trực Ninh tham gia phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án “Cố ý gây thương tích”. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Ngay từ đầu năm 2020, TAND huyện đã bám sát sự chỉ đạo của TAND tỉnh, của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện để xây dựng kế hoạch, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ án, không để tồn đọng, kéo dài. Để nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án, TAND huyện chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng; tinh thần làm việc công minh, đúng mực, tôn trọng, lắng nghe ý kiến từ nhân dân; đảm bảo đầy đủ các quyền lợi của đương sự theo quy định của pháp luật... Các thẩm phán, thư ký tích cực học tập, nghiên cứu, cập nhật các loại văn bản mới ban hành; thường xuyên chia sẻ, trao đổi nghiệp vụ, tìm những giải pháp hiệu quả trong quá trình thụ lý, thu thập tài liệu, giải quyết vụ án. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của ngành được TAND huyện quan tâm, giúp hoạt động xét xử, giải quyết các công việc được nhanh chóng và thuận lợi. Trong năm, TAND huyện đã thụ lý 353 vụ, việc các loại, trong đó đã giải quyết 348 vụ, việc, đạt tỷ lệ giải quyết chung 98,5%; không có án quá hạn luật định; án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan. Các bản án sau khi xét xử đều đã công bố công khai trên cổng thông tin điện tử, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, án hình sự, TAND huyện đã thụ lý và giải quyết 76 vụ, 114 bị cáo. Về án dân sự, đơn vị đã giải quyết 51/53 vụ, việc, đạt tỷ lệ 96,2%. Quá trình xét xử, TAND huyện đã công nhận sự thỏa thuận 11 vụ; đưa ra xét xử 22 vụ; đình chỉ 18 vụ. Bên cạnh đó, do làm tốt công tác hòa giải thành công, nên toàn huyện đã có 3 vụ nguyên đơn rút đơn khởi kiện, TAND huyện đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trong năm, số vụ án hôn nhân và gia đình so với năm trước tăng đáng kể. TAND huyện đã giải quyết 204/207 vụ; đạt tỷ lệ 98,5%. Kết quả, Tòa đã giải quyết và công nhận sự thỏa thuận của đương sự 135 vụ; đưa ra xét xử 54 vụ và đình chỉ 15 vụ. Có 7 vụ nguyên đơn rút đơn khởi kiện, TAND huyện đã đình chỉ giải quyết vụ án do đã hòa giải thành giữa các bên.
Cùng với việc xét xử nghiêm minh các loại án, TAND huyện làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên toà, đặc biệt là thông qua công tác xét xử lưu động công khai. Năm 2020, TAND huyện đã tổ chức 4 phiên tòa rút kinh nghiệm; đã ra quyết định thi hành án đối với 117 bị án (trong đó, phạt tù 49 bị án; phạt tù nhưng cho hưởng án treo 39 bị án; cải tạo không giam giữ 15 bị án; ủy thác thi hành án 14 bị án). Qua đó đã giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật sâu rộng trong nhân dân, góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thực hiện việc đổi mới thủ tục xét hỏi và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo tính dân chủ, khách quan, độc lập trong hoạt động xét xử, công tác xét xử cũng được công khai, minh bạch, đảm bảo quyền tranh luận của đương sự, bị cáo trong việc xét xử.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các loại án, thời gian tới, TAND huyện Trực Ninh tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng kịp thời đưa ra xét xử các vụ án, kiên quyết xử phạt nghiêm các loại tội phạm về tệ nạn xã hội; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại án, không để án quá hạn luật định, không xét xử oan người không có tội hoặc bỏ lọt người phạm tội. Giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ án bị sửa, huỷ do lỗi chủ quan, bảo đảm các quyết định của Toà án phải đúng pháp luật, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, có tính thuyết phục và tính khả thi cao. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp, tập trung vào việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Tăng cường đưa ra xét xử lưu động những vụ án trọng điểm, gây ảnh hưởng lớn trong đời sống nhân dân nhằm nâng cao việc tuyên truyền pháp luật đồng thời cũng đảm bảo việc phòng ngừa tội phạm nói chung. Nâng cao trình độ chuyên môn, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức./.
Hoàng Tuấn