Vượt qua mặc cảm với đôi chân không lành lặn do biến chứng của cơn sốt bại liệt khi mới 1 tuổi, anh Phạm Tuấn Linh, ở thị trấn Lâm (Ý Yên) không ngừng nỗ lực vươn lên để thực hiện ước mơ bằng chính nghị lực của mình.
Dù chân bị bại liệt nhưng Phạm Tuấn Linh luôn nỗ lực vươn lên làm giàu bằng nghề sửa chữa và kinh doanh điện tử. |
Sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 chị em ở thôn An Lạc, xã Yên Khánh (Ý Yên), khi sinh ra, Linh cũng khỏe mạnh như bao bạn khác. Nhưng đến khi chập chững bước đi, Linh bị ốm sốt và di chứng để lại là một bên chân bị bại liệt. Dù hoàn cảnh gia đình lúc đó gặp nhiều khó khăn, mọi chi phí sinh hoạt chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nhưng bố mẹ Linh vẫn chạy vạy tìm cách chữa bệnh cho con. Hết mấy đợt chữa trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh không có tiến triển, bố mẹ lại đưa Linh vào Thanh Hóa, lên Hà Nội, từ bệnh viện công đến bệnh viện tư, nhưng cuối cùng đành chấp nhận con không thể đi lại bình thường. Đến tuổi đi học, Linh cũng được bố mẹ đưa đến trường như các bạn, nhưng sự mặc cảm ở đôi chân đã theo em suốt những năm tháng học trò. Nhà không có xe đạp, lúc nhỏ em được mẹ cõng đến trường, lớn hơn một chút em đi nhờ xe cùng bạn trong xóm và khi vào học THPT, Linh được chị gái chở đi. Hầu hết thời gian ở trường, Linh chỉ ở trong lớp hoặc di chuyển ra ngồi một mình ở gốc cây. Nhìn các bạn nô đùa, không ít lần Linh tủi thân và mong muốn được một lần chạy nhảy chơi đùa như các bạn. Nhớ về quãng thời gian đó, Linh ngậm ngùi chia sẻ: “Bởi không thể di chuyển bình thường như các bạn khác, nên suốt những năm đi học em đã tự co mình lại vì mặc cảm. Em đã không vượt qua được bản thân để có thể học lên cao hơn, đó là điều đáng tiếc nhất”. Cố gắng suốt 12 năm đèn sách, đến lúc làm hồ sơ dự thi đại học, Linh đã phải phân vân rất nhiều. Ấp ủ nhiều ước mơ và hoài bão nhưng với thực tế về sức khỏe của mình cùng sự tự ti về ngoại hình, em quyết định dừng lại để đi học nghề. Mẹ luôn động viên con nên học nghề cắt tóc để mưu sinh vì đây là công việc phù hợp với hoàn cảnh gia đình vì chi phí học nghề thấp. Nhưng, dù gia đình thuyết phục thế nào Linh vẫn quyết định đi học nghề sửa chữa điện tử. “Ước mơ và dự định thì nhiều, nhưng em lựa chọn học nghề điện từ vì em thấy phù hợp với mình”. Linh đăng ký vào học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Nam Định, 3 năm học với bao vất vả rồi cũng qua. Năm 2004, ngay sau khi ra trường, Linh xin được việc làm tại một cửa hàng sửa chữa điện tử ở thị trấn Lâm. Do cần cù, chịu khó, ham học hỏi, những thiết bị hỏng, khó chữa Linh đều mày mò tìm ra “bệnh” và sửa chữa với giá cả phù hợp nên cửa hàng ngày càng đông khách. Vừa sửa chữa Linh vừa học hỏi thêm kinh nghiệm tại một số cửa hàng, năm 2009, Linh mạnh dạn thuê nhà và mở cửa hàng sửa chữa điện tử và kinh doanh loa đài của riêng mình. Từ số vốn ít ỏi dành dụm trong những năm đi làm, Linh mua một ít loa đài và thiết bị điện tử về bán kết hợp với sửa chữa; cứ có thêm chút tiền lãi Linh lại vào tận Thanh Hóa mua thêm thiết bị về bán và đến tận nhà khách để lắp đặt loa đài hay sửa chữa tivi, máy tính với giá cả rẻ hơn so với mặt bằng chung nên lượng khách đến với cửa hàng khá đông. Cũng trong thời gian đi lại lấy hàng ở Thanh Hóa, Linh đã gặp và làm quen với Vũ Thị Thương, kế toán tại cửa hàng. Đồng cảm với những vất vả của Linh, Thương đã đem lòng yêu mến anh. Sau thời gian tìm hiểu, Thương quyết định bỏ công việc kế toán để về Nam Định cùng Linh xây dựng gia đình hạnh phúc. Có Thương động viên chia sẻ và chăm lo vun vén gia đình, Linh được tiếp thêm động lực để làm việc. Đến nay, vợ chồng Linh đã mua được đất, xây ngôi nhà nhỏ ở mặt đường tại phố Cháy (thị trấn Lâm) để tiện cho việc kinh doanh, sửa chữa. Bên cạnh sửa chữa và kinh doanh những mặt hàng quen thuộc, từ lâu Linh đã có tiếng trong vùng và các huyện lân cận trong việc cung cấp, hỗ trợ lắp đặt loa đài, âm ly cho các cơ sở kinh doanh âm thanh tại các sự kiện, phòng hát. Hiện tại, cửa hàng của Linh thường xuyên có 2 nhân viên kỹ thuật hỗ trợ anh trong công việc với mức lương 250-300 nghìn đồng/ngày. Linh cho biết, cuộc sống hiện nay của anh vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng anh rất hạnh phúc. Bởi bên anh giờ đã có người bạn đời hết lòng thương yêu,các con khỏe mạnh ngoan ngoãn. Anh luôn cố gắng làm việc tốt để giữ uy tín, đem lại sự hài lòng cho khách hàng gần xa.
Nghị lực vượt khó vươn lên của anh Phạm Tuấn Linh là tấm gương để nhiều người khuyết tật học tập, sống không buông xuôi mà sống bằng nghị lực, vượt lên chính mình để đem lại hạnh phúc cho mình và những người xung quanh./.
Bài và ảnh: Hồng Minh