Phong trào trồng hoa lan ở Giao Thủy

08:01, 04/01/2021

Những năm gần đây, phong trào trồng hoa lan ở huyện Giao Thủy phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân ở nhiều ngành nghề, độ tuổi khác nhau tham gia. Hoa lan được trồng mọi nơi, trên ban công, sân thượng, góc vườn, trước sân nhà, làm cảnh quan vùng quê biển thêm rực rỡ hương sắc.

Anh Nguyễn Văn Tài, xã Giao Hà (Giao Thủy) chăm sóc vườn lan kiếm Vỵ Hoàng.
Anh Nguyễn Văn Tài, xã Giao Hà (Giao Thủy) chăm sóc vườn lan kiếm Vỵ Hoàng.

Đầu năm 2019, Hội hoa lan Giao Thủy được thành lập với 30 thành viên. Đây là “mái  nhà chung” để những người yêu hoa lan trong huyện giao lưu, trao đổi kiến thức, chia sẻ những kinh nghiệm trong cách trồng và chăm sóc hoa lan, vừa nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn, vừa phát triển kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Văn Nhân, Chủ nhiệm Hội hoa lan Giao Thủy cho biết: Từ khi đi vào hoạt động, Hội hoa lan huyện đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng những giống lan quý, chủ yếu là phong lan, giúp đỡ kỹ thuật cho các hội viên phát triển nhà vườn. Hàng tháng, Hội tổ chức gặp mặt để các hội viên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc và nhân giống các loại hoa lan. Tùy từng diện tích, sân vườn, mà mỗi hội viên chọn cách chơi riêng, trung bình mỗi người có từ vài chục đến cả trăm giò lan. Một số hội viên trong Hội hoa lan Giao Thủy là những người có tiếng trong cộng đồng chơi lan của tỉnh. Tiêu biểu như nhà vườn Thiên Bảo Phú của anh Trần Văn Thịnh ở xã Giao Xuân có diện tích 500m2 được đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới tự động rất hiện đại. Vườn lan của anh có hàng trăm giống hoa phong lan các loại như: kiều, ngọc điểm, đuôi chồn, phi điệp, trầm, quế…, anh cũng thường xuyên cập nhật các loại lan mới. Ngoài ra anh vẫn lưu giữ được một số giống phong lan rừng gen nguyên bản từ thiên nhiên, mỗi loài có một nét riêng rất độc đáo và cho giá trị kinh tế cao. Anh Thịnh chia sẻ: Phong lan là loài hoa có sức sống bền bỉ, nhưng để lan thích nghi với vườn nhà và có thể ra hoa, người chơi phải mất từ 2-3 năm hoặc nhiều thời gian hơn nữa để thuần dưỡng hoa. Trong quá trình đó, hoa phong lan cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ của người trồng, đặc biệt là ở những địa phương vùng giáp biển. Phong lan cần được tưới một lượng nước vừa đủ mỗi ngày để tạo độ ẩm nhất định. Việc bón phân, thuốc phải đủ số lượng và đúng thời gian, cắt, tỉa đúng thời điểm để cây cho hoa vào các dịp lễ, tết. Để có được giò lan đẹp, ngoài việc lựa chọn giống thật tốt, lưu ý đến chọn giá thể, loại gỗ giữ được chất khoáng và độ ẩm cần thiết cho lan để cho phong lan bám sinh trưởng, phát triển tốt hơn như: gỗ nhãn, hồng xiêm... Theo phong cách gần gũi thiên nhiên, sử dụng các loại gốc rễ, gỗ lũa, nhất là những loại gốc rễ quý như trai, gủ, giáng hương… để làm giá thể cấy lan thay cách trồng truyền thống trong giỏ. Những giá thể này đáp ứng được nhiều yếu tố giúp phong lan phát triển, quang hợp tốt, sức chịu đựng bền lâu. Môi trường xung quanh thoáng gió, mát mẻ, ánh sáng đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó, việc phòng, chống bệnh cho lan cần được đặt lên hàng đầu, nhất là bệnh thối thân, đốm lá. Lan cũng dễ bị một số loài ốc sên, ruồi vàng, sâu phá hoại và mắc các loại nấm. Ngoài ra, kỹ thuật chăm sóc quan trọng nhất là kích thích cho lan ra hoa đúng thời điểm để phục vụ theo yêu cầu của khách hàng. Thú chơi này cầu kì và đòi hỏi người “làm bạn” với phong lan không chỉ cần có sự đầu tư thời gian, công sức mà còn phải có sự kiên nhẫn, tinh tế…

Phong trào trồng phong lan ở Giao Thủy hiện thu hút nhiều người trẻ tham gia với nhiều cách làm sáng tạo “dám nghĩ, dám làm”... Anh Nguyễn Văn Tài, xã Giao Hà, có vườn lan độc đáo, chỉ chuyên trồng loài lan kiếm Vỵ Hoàng. Anh Tài cho biết: tôi yêu thích loài hoa này từ thời học sinh. Hơn 10 năm trước, tôi bắt đầu theo đuổi đam mê, mua lan về trồng khắp trong vườn, bắt đầu từ các giống phổ biến như: đai châu, tam bảo sắc, quế... Từ năm 2019, khi nắm bắt phong trào chơi lan kiếm lá cứng nở rộ trên cả nước, tôi chuyển sang tập trung phát triển cây lan Vỵ Hoàng, hiện là giống lan “hot” trên thị trường. Lan Vị Hoàng có nguồn gốc ở Nam Định, được nhiều người chơi lan tìm kiếm trong khoảng 3 năm trở lại đây. Theo nhiều người trồng lan, trong dân gian, người dân hay gọi là lan kiếm vàng chanh, một số cụ cao niên gọi cây lan kiếm Hoàng bào. Bởi hoa có màu vàng sáng thanh cao trên toàn khuôn hoa vượt trội so với các mảng màu sẫm, cộng với mùi thơm dịu nhẹ, khác biệt so với những loài lan lá cứng khác. Lan kiếm Vỵ Hoàng không quá hiếm, giá trị không quá cao (dưới 5 triệu đồng/cây), nhưng được giới hâm mộ đánh giá đẹp toàn diện, cây dễ trồng, dễ ra hoa. Hai thùy đầu lá xanh sạch. Bẹ lá nhiều gân, bản lá vừa phải (thường 5cm đổ lại) không dầy nhưng khá cứng, vươn cao. Cần hoa xanh, thẳng, phấn hoa đều. Mặt hoa với ba cánh đài sạch sẽ, thùy giữa của “lưỡi” hoa vươn ra có viền trắng và các chấm hoa văn đa dạng sắc thái, hai thùy bên làm bệ đỡ cho trụ nhụy vàng óng. Cũng tại xã Giao Hà còn nhiều mô hình vườn lan kiếm Vỵ Hoàng có quy mô lớn. Nhà vườn của anh Phùng Văn Lưu với 2 tầng khung sắt, mái che kiên cố kết hợp hệ thống tưới nước tự động để bảo đảm đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng, trang trí, sắp xếp khuôn viên gia đình quy củ, đẹp mắt. Đây vừa là nơi thỏa đam mê, vừa trở thành điểm gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm với những người trồng và yêu hoa lan. Trung bình mỗi năm vườn lan của anh Lưu cho doanh thu từ 300-500 triệu đồng. Được biết, để phục vụ nhu cầu hoa, cây cảnh dịp Tết Nguyên đán sắp tới, anh Lưu cung cấp một số giống hoa, cây cảnh, nhất là những giống hoa lan đột biến có giá trị cao.

Phong trào chơi lan tại huyện Giao Thủy phát triển mạnh, tạo nên một cộng đồng để mọi người giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm số người chơi lan đã tăng lên từ 3-5 lần so với cách đây vài năm. Quy mô của các vườn lan cũng được nâng lên. Các loại phong lan, lan quý hiếm đắt tiền ngày càng được ưa chuộng. Chính vì vậy, nhiều người chơi lan lâu năm ở đây cũng có thêm khoản thu nhập khá với “thú vui tao nhã” này./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com