Nhận thức được việc phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần giảm thiểu lượng rác, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã thành lập các mô hình “Phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải từ hộ gia đình”, bước đầu thu được kết quả tích cực.
Hội viên phụ nữ huyện Hải Hậu giới thiệu về mô hình hố chôn lấp rác thải. |
Sau khi khảo sát thực trạng vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số xã của huyện Ý Yên, tháng 5-2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã lựa chọn xóm Đông Anh, xã Yên Khang để thành lập mô hình điểm “Phụ nữ chủ động thực hiện phân loại, xử lý rác thải từ gia đình”. 30 hộ tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ; quy trình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại gia đình. Thực hiện quy trình, hàng ngày các hộ gia đình tiến hành thu gom, phân loại rác thải; trong đó, rác hữu cơ được cho vào thùng xử lý hoặc hố rác đào sẵn, sau đó tưới chế phẩm vi sinh và đậy nắp. Sau khoảng 30-40 ngày, rác thải sẽ phân hủy thành phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, 100% gia đình tại thôn Đông Anh đã thực hiện xử lý phân loại rác thải tại nguồn, tận dụng các loại rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; từ đó, giảm lượng rác thải ra ngoài môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương. Sau khi triển khai nhân rộng tại 12/12 chi hội Phụ nữ trong xã, Hội Phụ nữ huyện Ý Yên đã triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện. Theo đó, Hội Phụ nữ mỗi xã, thị trấn chọn 1 chi hội làm điểm; tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên gương mẫu thực hiện, tạo thói quen, thay đổi hành vi trong việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình. Đến nay, cả 31 xã, thị trấn đã thành lập mô hình, thu hút hơn 800 gia đình tham gia.
Ở xóm Phụ Long, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), chúng tôi thật sự bất ngờ bởi từ cổng đến sân vườn, nhà đều vô cùng sạch sẽ. Từ đầu ngõ, gia đình chị Nguyễn Thị Hương đặt một thùng hai ngăn để đựng các loại rác khác nhau. Phía bên phải, chị Hương quy định với mọi người trong nhà sẽ đựng các loại rác thải sinh hoạt như rau cỏ, lá cây, bụi bẩn; bên trái đựng các loại túi bóng, vỏ chai nhựa, các loại rác thải rắn… Chị Hương cho biết đây là thói quen tích cực mới hình thành của gia đình từ khi chị tham gia vào mô hình “Chi hội phụ nữ phân loại, xử lý rác thải bảo vệ môi trường” do Hội Phụ nữ xã Mỹ Tân thành lập. Các hội viên xóm Phụ Long sau khi tham gia mô hình được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình; được tặng thùng rác hai ngăn. Trong quá trình phân loại rác, các thành viên cũng tiến hành phân loại các vật dụng tái chế được để gom lại bán phế liệu. Đồng chí Đặng Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Tân cho biết: “Đây là mô hình giúp hội viên phụ nữ tại chi hội nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư; biết cách phân loại rác thải, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ thành phân bón, phục vụ cho quá trình trồng trọt của gia đình, góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường, giảm bớt gánh nặng cho các bãi tập kết rác, bảo vệ môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng NTM nâng cao của địa phương”. Còn tại xóm 7, xã Hải Hà (Hải Hậu), Hội Phụ nữ xã chọn 50 gia đình có vườn đất phù hợp tham gia mô hình làm hố phân hủy rác hữu cơ. Hội Phụ nữ xã vận động các hộ dân trong xóm chủ động phân loại rác thải tại nguồn để có hướng xử lý phù hợp; đào hố xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình. Thực hiện mô hình, mỗi gia đình đều có 2 thùng chứa rác hữu cơ, vô cơ, 1 hố để rác hữu cơ chôn ngoài vườn có nắp đậy và cho chế phẩm sinh học vào để xử lý rác hữu cơ. Trong đó, huyện hỗ trợ chi phí mua nắp đậy cho các gia đình làm điểm của xóm. Đặc biệt chế phẩm vi sinh được lên men phân hủy rác hữu cơ còn có tác dụng khử mùi hôi và an toàn cho sức khỏe. Trong thời gian triển khai thực hiện mô hình, kỹ thuật viên Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thương mại và Công nghệ Môi trường 86 (đơn vị cung cấp nắp đậy và chế phẩm vi sinh) và cán bộ Hội Phụ nữ xã trực tiếp theo dõi, hướng dẫn hội viên phụ nữ cách xử lý rác đúng quy trình để đạt hiệu quả cao. Mô hình giúp nâng cao ý thức của mỗi người dân đối với công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng địa phương đạt các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu… Từ mô hình điểm đầu tiên ở Yên Khang, đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã nhân rộng mô hình phụ nữ phân loại, xử lý rác thải từ hộ gia đình tại 10 huyện, thành phố, được đông đảo gia đình hội viên và người dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, khai thác tốt các nguồn lực để xây dựng mô hình. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu triển khai tại 24/34 xã, thị trấn với gần 4.000 gia đình tham gia; hỗ trợ thùng chứa rác và nắp đậy hố ủ, chế phẩm sinh học cho các thành viên với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng triển khai tại 25/25 xã, thị trấn; Hội Phụ nữ huyện Vụ Bản phối hợp với Hội Nông dân huyện thành lập mô hình tại 16/18 xã, thị trấn. Hội Phụ nữ huyện Xuân Trường tổ chức ra mắt mô hình “Chi hội sống xanh” tại xóm 5, xã Xuân Thượng; Hội Phụ nữ huyện Mỹ Lộc thành lập mô hình “Phụ nữ liên kết phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường” tại các xã Mỹ Thành, Mỹ Thịnh, Mỹ Tân; Hội Phụ nữ xã Giao Hải phối hợp với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) khánh thành khu thí điểm phục hồi tài nguyên từ rác thải. Qua đó tạo phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa tới cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu...
Để mô hình triển khai sâu rộng, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong công tác bảo vệ môi trường. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở TN và MT đánh giá hiệu quả, đồng thời hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để các cấp Hội thực hiện mô hình./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên