Chung tay vì phụ nữ khiếm thị

07:01, 14/01/2021

Hội Người mù tỉnh hiện có hơn 3.000 hội viên, trong đó, có 1.748 hội viên nữ. Những năm qua, Hội Người mù tỉnh thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam… đẩy mạnh việc chăm sóc, giúp đỡ phụ nữ khiếm thị, giúp họ hòa nhập với cộng đồng.

Chị Vũ Thị Loan, hội viên Hội Người mù huyện Trực Ninh chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế khá.
Chị Vũ Thị Loan, hội viên Hội Người mù huyện Trực Ninh chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Nhiều hoạt động thiết thực quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng đã được Hội Người mù tỉnh triển khai như: Tạo điều kiện về vốn, dạy nghề, tạo việc làm giúp hội viên khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhiều cơ sở sản xuất của phụ nữ khiếm thị như sản xuất thủ công, làm tăm tre, chăn nuôi, trồng trọt hay cơ sở xoa bóp bấm huyệt... được thành lập, tạo việc làm ổn định. Trong đó, nghề xoa bóp bấm huyệt đã trở thành nghề chủ lực với mức thu nhập từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng. Nhiều chị là những phụ nữ làm kinh tế giỏi, không chỉ chăm lo cho cuộc sống của bản thân mà còn mở các cơ sở dịch vụ tạo việc làm cho những người đồng tật. Chị Nguyễn Thị Nhung, hội viên Hội Người mù huyện Trực Ninh sinh ra trong gia đình có 3 chị em gái đều bị khiếm thị do ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Mặc dù vậy chị luôn cố gắng lao động sản xuất, trở thành một trong những tấm gương điển hình về phụ nữ khiếm thị làm kinh tế giỏi. Được Hội Người mù tỉnh tạo điều kiện cho đi học lớp chữ nổi và nghề tẩm quất, bấm huyệt ở Hà Nội, chị Nhung không ngừng nỗ lực học tập, cố gắng. Từ đi làm thuê cho các cơ sở xoa bóp, tẩm quất, hiện chị Nhung đã là chủ của một cơ sở rộng rãi, tạo công ăn việc làm ổn định cho những người có chung cảnh ngộ với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Chị còn là chỗ dựa tinh thần, quán xuyến mọi việc trong gia đình, chăm lo cho bố mẹ. Chị Nhung chia sẻ: “Là phụ nữ, lại bị khiếm thị là một thiệt thòi lớn. Tuy nhiên, tôi không mặc cảm mà luôn cố gắng vươn lên để có được một cuộc sống bình thường. Tôi luôn nhận được sự quan tâm của Hội Người mù Trực Ninh cùng các ban, ngành, đoàn thể trong huyện và người thân trong việc tạo điều kiện, giúp đỡ, động viên để vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống”. Cùng với việc tạo điều kiện để phát triển kinh tế, các cấp Hội Người mù tỉnh còn tích cực phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ các xã vận động sự giúp đỡ, đóng góp của các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm để vận động xây dựng, sửa chữa nhà tình thương cho hội viên; khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; thăm hỏi, động viên khi hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn; trợ cấp hàng tháng, tặng quà, học bổng, sổ tiết kiệm cho người khiếm thị và con em người khiếm thị nhân các dịp lễ, tết… Đến nay, đã có hàng chục mái ấm tình thương dành cho phụ nữ khiếm thị khó khăn về nhà ở được Hội Người mù phối hợp với chính quyền, Hội Phụ nữ và các đoàn thể địa phương xây dựng, sửa chữa. Nhiều Hội Người mù cơ sở còn tổ chức các chương trình sinh hoạt, giao lưu văn nghệ với nội dung phong phú, tích cực, sôi nổi, giúp chị em khiếm thị phấn khởi, có cơ hội trao đổi kinh nghiệm vươn lên trong cuộc sống… Nhiều phụ nữ khiếm thị sau khi được đào tạo nghề xoa bóp, tẩm quất và tích cực tham gia các phòng trào của hội đã tìm được mái ấm hạnh phúc riêng cho mình. Chị Phạm Thị Ngà, Phó chủ tịch Hội Người mù Giao Thủy trước kia cũng được hội tạo điều kiện cho đi học nghề tẩm quất, mát xa. Thời gian đầu, chị làm tại cơ sở tẩm quất, mát xa của Hội Người mù huyện và đã gặp anh Trần Văn Tuấn có chung cảnh ngộ. Sau quá trình tìm hiểu, anh chị đã kết duyên vợ chồng, “đồng tâm hiệp lực” cùng nhau làm việc và đã tích lũy được một khoản kinh phí tự mở cơ sở  riêng. Hiện nay vợ chồng chị Ngà đã có 2 con đều ngoan ngoãn, học tập tốt. 

Ông Trần Xuân Dương, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm sóc, giúp đỡ phụ nữ khiếm thị; như: Truyền thông giáo dục cộng đồng nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối với phụ nữ khuyết tật nói chung, phụ nữ khiếm thị nói riêng; tuyên truyền các thông tin liên quan về giới, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng có nhiều chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các chị có cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết cũng như được học nghề, vay vốn, tạo việc làm phù hợp. Những hoạt động thiết thực đó đã giúp phụ nữ khiếm thị có thêm niềm tin, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com