Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động

08:12, 30/12/2020

Những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động luôn được các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, qua đó góp phần cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động.

Nhà máy Bảo Linh 5 (Công ty cổ phần Bảo Linh) xã Minh Tân (Vụ Bản) thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Nhà máy Bảo Linh 5 (Công ty cổ phần Bảo Linh) xã Minh Tân (Vụ Bản) thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động và người lao động về tầm quan trọng của việc đảm bảo công tác ATVSLĐ, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động. BHXH tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB và XH cung cấp cho các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp tài liệu tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thủ tục thanh toán chi phí hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. LĐLĐ tỉnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; chỉ đạo công đoàn cơ sở tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác ATVSLĐ. Hàng năm Sở LĐ-TB và XH tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật về ATVSLĐ cho cán bộ, người lao động trên địa bàn tỉnh, thu hút hàng nghìn người viết bài dự thi, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Từ năm 2019 đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã phát hành trên 20 nghìn tờ rơi, tờ gấp, tranh, áp phích tuyên truyền về công tác ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp; cấp phát sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ cho các doanh nghiệp và người lao động. Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH tổ chức tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho đại diện người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác bảo hộ lao động và người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Trong hơn 1 năm qua, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho trên 300 lượt doanh nghiệp; tổ chức và hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho 982 người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bên cạnh đó, các hoạt động nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc được các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng. Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp tổ chức truyền thông và tập huấn về ATVSLĐ, cấp cứu ban đầu và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động. Cùng với công tác tuyên truyền, Sở LĐ-TB và XH tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp; qua đó đưa ra những kiến nghị, sửa đổi bổ sung những cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của chương trình. Qua kiểm tra cho thấy việc thực hiện công tác ATVSLĐ ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Những tín hiệu tích cực

Thời gian qua, việc thực hiện công tác ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Các đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ yếu như: kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ theo quy định. Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều lập kế hoạch, biện pháp ATLĐ, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc theo quy định. Người sử dụng lao động, người làm công tác ATLĐ được cử tham dự khóa huấn luyện ATLĐ, vệ sinh lao động, an toàn phòng chống cháy nổ và được cấp chứng chỉ liên quan. Công ty TNHH Power Việt Nam (CCN Hải Phương, Hải Hậu) có gần 5.000 lao động. Những lao động làm các công đoạn có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã ban hành các quy định liên quan, như: Phòng, chống cháy nổ cho người lao động, phân nhóm lao động và thực hiện huấn luyện định kỳ cho lao động. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức huấn luyện định kỳ cho công nhân; cán bộ giám sát an toàn công ty thường xuyên kiểm tra, giám sát định kỳ theo trách nhiệm được giao. Về công tác môi trường, công ty đã đưa ra quy định về sử dụng, quản lý nước; sử dụng, quản lý các nguồn năng lượng, nhiên liệu, xây dựng 1 khu xử lý nước thải công suất lớn để bảo đảm nước thải trước khi thải ra môi trường đạt chuẩn theo quy định. Do làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa nên nhiều năm nay công ty không có vụ tai nạn lao động đáng tiếc nào xảy ra, sức khỏe công nhân, nhân viên được bảo đảm. Còn ở Công ty Cổ phần Xây dựng và Giầy da Hồng Việt, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường), hàng năm, công ty đầu tư hàng chục triệu đồng mua sắm, bổ sung trang thiết bị an toàn, bảo hộ lao động, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho người lao động. Công ty đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất và các thiết bị hiện đại nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và độ an toàn cao; đầu tư hệ thống thiết bị thông gió, giảm thiểu bụi, tiếng ồn trong quá trình sản xuất, trang bị hệ thống ánh sáng đúng tiêu chuẩn đảm bảo các yêu cầu về ATVSLĐ, hạn chế ảnh hưởng của những yếu tố độc hại đối với người lao động. Với nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác ATVSLĐ, nhiều năm qua công ty chưa xảy ra tai nạn lao động, chưa có người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

Thời gian tới, các cơ quan hữu quan, các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng tư vấn; quan tâm các địa bàn có đông người lao động làm việc; các ngành nghề có nguy cơ rủi ro cao về ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp; quan tâm công tác kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc… tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh về mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Biên tập, cung cấp cho các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp tài liệu hướng dẫn nội dung tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.

Bài và ảnh: Viết Dư


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com