Phát triển vận động cho trẻ ở các trường mầm non

07:12, 17/12/2020

"Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” là một chuyên đề giáo dục có tính chuyên sâu, đáp ứng mục tiêu tạo cơ hội cho trẻ mầm non được phát triển thể chất lành mạnh, cân đối, toàn diện về cả thể chất và trí tuệ. Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã tích cực triển khai chuyên đề đến các nhà trường và bước đầu tạo hiệu quả thiết thực.

Học sinh Trường Mầm non Hải Lý (Hải Hậu) trong một hoạt động phát triển vận động.
Học sinh Trường Mầm non Hải Lý (Hải Hậu) trong một hoạt động phát triển vận động.

Có mặt tại Trường Mầm non thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) trong giờ học giáo dục thể chất, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự hào hứng của trẻ khi tham gia các hoạt động phát triển vận động. Mặc dù trong quá trình vận động, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi nhưng các em đều thể hiện sự thích thú, tham gia sôi nổi, nhiệt tình các hoạt động: đi trên cầu thăng bằng, đưa bóng vào rổ, đu quay, thang leo… Việc tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động, trò chơi vận động của nhà trường không chỉ góp phần rèn luyện thể lực, tăng khả năng vận động mà còn hình thành cho trẻ tính mạnh dạn, nhanh nhẹn, khéo léo, dẻo dai và khả năng tự lập. Để triển khai chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ, bên cạnh việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Trường Mầm non thị trấn Ngô Đồng thường xuyên đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cho phát triển thể chất của trẻ theo quy định bảo đảm an toàn và phù hợp với từng lứa tuổi. Giáo viên chủ động sáng tạo, tự làm đồ dùng, đồ chơi bằng những nguyên vật liệu tái chế như lốp xe, chai, lọ, các loại hạt... Môi trường giáo dục phát triển vận động trong và ngoài lớp học được nhà trường bố trí khoa học, đa dạng. Một số bộ đồ chơi ngoài trời liên hoàn phát triển vận động như: bộ tập leo núi, ném bóng vào đích, bộ vận động đa năng, thang leo, bật sâu, bật xa, đi theo đường zíc zắc... thu hút sự hứng khởi tham gia của các em. Thông qua các trò chơi, trẻ được hướng dẫn tập các động tác phát triển nhóm cơ và hô hấp như: thở, tay, cơ, bả vai, chân và các vận động cơ bản như: bò, trườn, đi, chạy, ném, bắt...; giúp trẻ biết phối hợp thị giác, thính giác với vận động. Đối với nhóm trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, các cháu còn tập các cử động bàn tay, ngón tay phát triển hoàn thiện, khéo léo phối hợp vận động cùng trẻ khác hào hứng tham gia vào hoạt động phát triển thể lực; biết sử dụng một số đồ dùng trong vui chơi, học tập, sinh hoạt... Do chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dạy nên số trẻ phát triển bình thường về cân nặng và chiều cao, trong đó ở mẫu giáo trung bình hàng năm đạt khoảng 95%; trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ chiếm 1%; ở nhà trẻ, số trẻ phát triển bình thường về cân nặng, chiều cao trung bình hàng năm đạt 98%, số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn khoảng 2%, không có trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Ở một tiết học phát triển vận động của lớp 5 tuổi của Trường Mầm non Nam Hải (Nam Trực), dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em thực hiện các vận động theo từng chủ đề khá tự tin, đồng thời biết khéo léo phối hợp cùng vận động. Nhằm giúp các em tăng hiểu biết về lợi ích của việc luyện tập vận động đối với sự phát triển cơ thể và bảo vệ sức khoẻ, nhà trường đa dạng hoá hình thức tổ chức hoạt động phát triển vận động như: tăng thời lượng vận động cho trẻ, đổi mới hệ thống bài tập vận động, thực hiện các hội thi lồng ghép trong từng năm học… Cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường đã lựa chọn nội dung phát triển vận động cho trẻ, đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo nâng cấp sân chơi, trồng cây “xanh hóa” sân trường và tăng cường bổ sung mua sắm thêm đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị, sắp xếp, bố trí các khu vực chơi, khu vực hoạt động hợp lý, tạo nhiều không gian xanh cho trẻ hoạt động. Từ năm học 2016-2017, ban giám hiệu nhà trường đã tham mưu với lãnh đạo địa phương đầu tư làm mái che đồ dùng đồ chơi cho trẻ. Năm học 2017-2018 xây dựng khu tập trung để dồn 2 khu lẻ, mở rộng khuôn viên và xây dựng hai dãy nhà 2 tầng gồm 10 phòng học và các phòng chức năng đạt chuẩn; làm sân vườn tổng số tiền đầu tư xây dựng gần 8 tỷ đồng. Năm học 2018-2019, nhà trường tiếp tục xây hòn non bộ, khu chơi với cát và nước, trồng cỏ nhật tại khu vườn cho trẻ chơi, bổ sung vườn cổ tích, trồng thêm cây xanh… Năm học 2019-2020 nhà trường kết hợp với Hội phụ huynh xây dựng khu vui chơi trải nghiệm cho trẻ, cải tạo khu vườn cổ tích với tổng số tiền trên 97 triệu đồng đảm bảo nhu cầu cho trẻ vận động, vui chơi, học tập… Nhà trường còn khuyến khích giáo viên tìm tòi, sáng tạo nhiều đồ chơi mới bằng nguyên liệu tự nhiên, vừa đa dạng hóa đồ chơi, vừa kích thích trẻ vận động. Trẻ được chú ý phát triển các tố chất vận động nhanh, mạnh, khéo, bền thông qua các trò chơi vận động. Bên cạnh việc tạo khu vực hoạt động ngoài sân chơi, việc giáo dục vận động cho trẻ cũng được chú ý trong những giờ thể dục hay những giờ học hoạt động chung để trẻ củng cố những vận động cơ bản. Việc tạo ra môi trường học tập với không gian xanh và an toàn không chỉ kích thích sự hứng thú, niềm đam mê với các môn thể thao mà còn giúp trẻ có tâm thế vận động nhanh, bền, dẻo dai và khéo léo, nâng cao kỹ năng và rèn luyện tính kỷ luật, tự tin khi tham gia các hoạt động tập thể. Thành công trong thực hiện chuyên đề vận động cho trẻ ở Trường Mầm non Nam Hải là hầu hết các em đều khỏe mạnh, phát triển bình thường, hưởng ứng khi tiếp xúc làm quen với các hoạt động mới, thích trải nghiệm, khám phá, tích cực tham gia luyện tập bằng phương pháp “chơi mà học” cùng cô, cùng bạn. Hàng năm sức khỏe của trẻ được tăng lên, cải thiện tầm vóc, hạn chế trẻ nhút nhát, yếu thể lực, thừa cân, béo phì.

Thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”, ngành GD và ĐT tỉnh đã triển khai, áp dụng cho trẻ từ 24-36 tháng và trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. Đối với trẻ 24-36 tháng tập các động tác phát triển nhóm cơ và hô hấp như các động tác thở, động tác tay, cơ, bả vai, chân…; các vận động cơ bản: bò, trườn, đi, chạy, ném, bắt... Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, ngoài tập vận động như trẻ 24-36 tháng còn tập các cử động bàn tay, ngón tay phát triển hoàn thiện, khéo léo. Cùng với các bài tập vận động việc vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể, vệ sinh thiết bị… cũng được các nhà trường chú trọng trong nội dung chuyên đề đặt ra nhằm rèn luyện thể lực, tăng cường khả năng vận động, rèn tính trung thực, tính tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể, tự tin và khả năng tự quản, tự lập. Quá trình thực hiện chuyên đề, đến nay toàn tỉnh đã có 107 nhà thể chất đa năng có mái che ngoài trời được làm mới; 148 phòng âm nhạc kết hợp phòng giáo dục thể chất; bổ sung thiết bị, đồ dùng dụng cụ, cải tạo sân chơi, bãi tập, tận dụng sân vườn tạo thảm cỏ… 511/539 sân chơi các trường mầm non có tối thiểu 5 loại đồ chơi ngoài trời trở lên, 502/539 sân chơi có dàn cây, mái che, giàn phun hơi nước trong những ngày nắng nóng. Kinh phí đầu tư thực hiện chuyên đề đạt 118,823 tỷ đồng.

Chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” được ngành GD và ĐT tích cực triển khai là cơ sở để các trường mầm non trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho trẻ ngay từ nhỏ, qua đó thực hiện tốt việc đổi mới giáo dục mầm non./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com