Đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, cán bộ làm công tác giảm nghèo toàn tỉnh có gần 4.500 người, trong đó có 226 công chức LĐ-TB và XH phường, xã, thị trấn, 452 cán bộ Tư pháp, cán bộ Hội Phụ nữ cấp xã; gần 3.700 trưởng thôn, xóm, tổ dân phố…Những năm qua, Sở LĐ-TB và XH đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo.
Cán bộ LĐ-TB và XH xã Trực Chính (Trực Ninh) tuyên truyền công tác giảm nghèo cho người dân. |
Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH tham mưu Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, các ngành chức năng, các huyện thành phố xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tham gia công tác giảm nghèo tại cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức trên 60 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác giảm nghèo với hơn 20.400 lượt cán bộ cấp huyện, xã, trưởng thôn, xóm, tổ dân phố tham gia. Nội dung tập huấn về các chính sách giảm nghèo hiện hành, quy trình và cách thức thực hiện; kỹ năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo và cách tiếp cận các chính sách giảm nghèo của Nhà nước qua hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, giáo dục, y tế, nhà ở, bảo trợ xã hội; rà soát, điều tra định kỳ, phân loại hộ gia đình theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; thu thập, cập nhật thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo... Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 25-4-2017 của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo, với sự tham gia của 226 cán bộ Tư pháp và 226 cộng tác viên tuyên truyền pháp luật cấp xã. Trung tâm trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp) phối hợp với ngành LĐ-TB và XH tập huấn 100% tuyên truyền viên, báo cáo viên về nghiệp vụ công tác trợ giúp pháp lý và nội dung truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý của người nghèo. Từ năm 2016 đến nay đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên đã tư vấn, trợ giúp pháp lý cho khoảng 1.300 người thuộc hộ nghèo. Qua các buổi bồi dưỡng, tập huấn đã giúp đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở từng bước nâng cao trình độ, năng lực công tác cũng như ý thức trách nhiệm triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, đồng thời giúp cho việc tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm chính xác, đầy đủ, đúng quy định, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp giảm nghèo và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội.Với những hoạt động tích cực, hiệu quả, đội ngũ làm công tác giảm nghèo toàn tỉnh đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện tốt các tiêu chí về giảm nghèo và mục tiêu giảm nghèo bền vững. Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn trên địa bàn tỉnh nâng lên trên 80%; ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm, mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (trừ đối tượng bảo trợ xã hội) giảm còn dưới 1%. Nhiều địa phương như các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng... đã đạt được kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo từ việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo. Huyện Giao Thủy có 22 cán bộ LĐ-TB và XH xã, thị trấn, 332 trưởng thôn, xóm, tổ dân phố. Những năm qua công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo được ngành và địa phương chú trọng. Qua đó từng bước nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cũng như nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn khoảng 2%. Ở huyện Nghĩa Hưng, để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, Phòng LĐ-TB và XH huyện thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Do đặc thù địa lý của huyện chạy dài tới 50km từ điểm đầu đến điểm cuối huyện công việc nhiều, trong khi số lượng cán bộ có hạn, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã chia địa bàn thành 3 cụm xã, thị trấn, có quy chế hoạt động chặt chẽ, nhằm truyền tải nhanh công việc, thông tin đến cơ sở; đồng thời thực hiện giao ban hàng quý để đánh giá kết quả hoạt động và giải đáp thắc mắc, tồn tại trong công việc chuyên môn. Ngoài ra hàng tuần, Phòng LĐ-TB và XH huyện phân công cán bộ về các xã, thị trấn giúp địa phương triển khai công việc. Với các giải pháp đồng bộ, huyện Nghĩa Hưng đã từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ LĐ-TB và XH ở cơ sở, góp phần giúp công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả ấn tượng.Từ năm 2016 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho 175 lao động ở hộ nghèo; hình thành Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động ở địa phương; hỗ trợ kinh phí học nghề, tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi để người lao động vùng nông thôn có điều kiện tham gia xuất khẩu lao động, nhất là các đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ, qua đó hàng năm giải quyết việc làm mới cho trên 4.000 lao động. Đến nay, tổng số hộ nghèo toàn huyện Nghĩa Hưng ước còn 1,25%, số hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội giảm còn 0,45%. Ở huyện Xuân Trường, thuận lợi của huyện là đội ngũ cán bộ phụ trách công tác LĐ-TB và XH các xã, thị trấn hầu hết đều đã qua đào tạo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nhiệt tình công tác. Qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác giảm nghèo, đội ngũ cán bộ LĐ-TB và XH các xã, thị trấn thường xuyên rà soát các đối tượng yếu thế, nắm bắt tình hình đời sống của các đối tượng, trên cơ sở đó tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai kịp thời các chính sách của Nhà nước đối với đối tượng bảo trợ. Một số cán bộ LĐ-TB và XH xã, thị trấn bên cạnh làm tốt công tác chuyên môn đã trực tiếp mở lớp đào tạo nghề, góp sức vào công tác giảm nghèo của địa phương, tiêu biểu như chị Vũ Thị Hảo, cán bộ LĐ-TB và XH xã Xuân Tân. Hiện nay, chị Hảo đang đào tạo nghề đan bèo bồng cho hàng trăm phụ nữ ở địa phương. Theo chị Hảo, với tay nghề trung bình, một người đan đều đặn mỗi ngày có thu nhập từ 100-150 nghìn đồng.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB và XH tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ ở các xã, phường, thị trấn, trưởng thôn, xóm, tổ dân phố nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững./.
Bài và ảnh: Viết Dư