Hội Người mù huyện Trực Ninh hiện có 158 hội viên; trong đó có 80 hội viên đang trong độ tuổi lao động. Những năm qua, Hội Người mù huyện đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ công tác Hội, nhất là việc chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho hội viên.
Cơ sở tẩm quất, bấm huyệt của chị Nguyễn Thị Nhâm, thị trấn Cổ Lễ luôn thu hút đông khách hàng. |
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, Hội Người mù huyện đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn để phát triển kinh tế. Các hội viên được tạo điều kiện vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đảm bảo nộp gốc và lãi đúng kỳ hạn. Nhiều hội viên được tạo điều kiện đi học các lớp học chữ nổi cho người khiếm thị, lớp tin học cơ bản và lớp tẩm quất, bấm huyệt để hành nghề, có thu nhập ổn định. Trên địa bàn hiện có 6 cơ sở tẩm quất, bấm huyệt trị liệu do các hội viên Hội Người mù huyện thành lập, tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên khác với mức lương trung bình từ 3,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Hội viên Nguyễn Thị Nhâm ở Thị trấn Cổ Lễ được Hội Người mù huyện tạo điều kiện học nghề bấm huyệt, mát-xa đã tự mở được cơ sở bấm huyệt, mát-xa. Cơ sở của chị hiện tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 hội viên với mức thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nhâm chia sẻ: “Nghề xoa bóp, bấm huyệt phù hợp với khả năng lao động của người khiếm thị, tạo việc làm và thu nhập ổn định”. Thời gian tới, chị Nhâm dự định sẽ mở thêm dịch vụ xông hơi, chườm ngải cứu, chườm đá nóng để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách hàng. Nghề làm tăm tre và chổi đót của Hội Người mù huyện thu hút hơn 20 hội viên làm theo thời vụ, mỗi năm có 2 đợt, đợt 1 từ tháng 2 đến hết tháng 3 dương lịch, đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch. Với tinh thần năng động, đoàn kết, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, cán bộ hội viên và người lao động cơ sở sản xuất của Hội luôn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, đem lại thu nhập trung bình 1 triệu đồng/ người/ tháng. Bên cạnh đó nhiều hội viên Hội Người mù huyện tham gia cùng gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Chị Vũ Thị Loan ở xã Liêm Hải là một trong những điển hình của hội về chăn nuôi hiệu quả. Dù mắt không được sáng như người bình thường, nhưng với sự hỗ trợ từ gia đình, chị Loan đã thành thạo với công việc cho chăm sóc đàn vật nuôi hàng ngày. Hiện chị đang nuôi 200 con gà thịt, 30 con vịt đẻ trứng. Mỗi năm, trừ chi phí, chị Loan thu được khoảng 50 triệu đồng. Ngoài thời gian chăn nuôi, những lúc rảnh rỗi, chị làm thêm tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của chị Nguyễn Thị Nhâm với mức lương từ 4-4,5 triệu đồng/tháng. Cùng với việc tạo công ăn việc làm ổn định cho hội viên, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và tấm lòng hảo tâm của người dân, Hội cũng có những phần quà dành cho hội viên đón tết vui xuân. Ngoài ra, Hội Người mù huyện thường xuyên rà soát danh sách hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để vận động quyên góp, sửa chữa xây dựng nhà ở. Năm 2020, Hội đã vận động giúp đỡ bà Nguyễn Thị Ngạch, hơn 80 tuổi, sống một mình ở xã Liêm Hải 40 triệu đồng xây dựng ngôi nhà mới. Bên cạnh đó, Hội Người mù huyện vận động, tuyên truyền hội viên tích cực tham gia các phong trào của Trung ương Hội Người mù Việt Nam phát động như các cuộc hội thảo, tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ..., giúp hội viên xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng.
Mặc dù chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng nhiều người khiếm thị ở Trực Ninh với ý chí và nghị lực vươn lên cùng với sự trợ giúp, động viên kịp thời của các cấp hội và cộng đồng. đã có cuộc sống ổn định. Thời gian tới, Hội Người mù huyện Trực Ninh tiếp tục đề xuất với các cơ quan chức năng, phối hợp đẩy mạnh công tác dạy chữ, dạy nghề, kêu gọi, vận động thêm nguồn lực từ cộng đồng xã hội để tặng quà, sửa chữa nhà, hỗ trợ hội viên khó khăn. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để cộng đồng, xã hội hiểu hơn về nguyện vọng, khả năng lao động, làm việc của người mù, từ đó có sự quan tâm, chia sẻ, giúp người khiếm thị hòa nhập cộng đồng./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa