Trên địa bàn tỉnh hiện đang duy trì hoạt động của 37 mô hình, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ); trong đó có 2 mô hình do Tỉnh ủy phát động; 3 mô hình do UBND tỉnh phát động; 14 mô hình do Công an tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể phối hợp xây dựng; 18 mô hình do cấp huyện chỉ đạo, cấp xã xây dựng. Các mô hình đều được xây dựng theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng lĩnh vực, đơn vị, địa phương, hợp lòng dân, vừa sức dân, vì lợi ích, yêu cầu của nhân dân, hiện đang phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu góp phần ổn định an ninh trật tự (ANTT), hỗ trợ kinh tế - xã hội phát triển.
Công an thành phố Nam Định triển khai phương án tấn công tội phạm xâm nhập địa bàn. |
Để các mô hình, phong trào thực hiện hiệu quả, ngấm sâu vào cuộc sống thì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia có vai trò quan trọng. Vì vậy, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn chú trọng, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, tập trung tại những tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, phức tạp về ANTT. Năm 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo; Công an tỉnh ban hành 6 công văn gửi các xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, các cơ sở tôn giáo đề nghị tăng cường công tác đảm bảo ANTT các dịp lễ lớn, đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025). Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã ban hành 11 biểu mẫu ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội, trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy... đến hơn 85% số hộ gia đình và học sinh, sinh viên trong tỉnh, 100% cơ sở kinh doanh có điều kiện, cơ sở tôn giáo, thờ tự có nguy cơ mất an toàn về ANTT, trên 93% cơ quan, doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra cháy, nổ, trên 80% chủ phương tiện chở khách. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền; trong đó chú trọng áp dụng công nghệ thông tin tuyên truyền trên không gian mạng, tổ chức đăng tải hơn 9.500 bài trên các fanpage; mở 157 chuyên mục, phóng sự, tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng... Nội dung tuyên truyền tập trung phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, những thủ đoạn phá hoại tư tưởng trên không gian mạng; các quy định của pháp luật về ANTT; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và biện pháp phòng ngừa, đấu tranh; những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm; những mô hình, cách làm sáng tạo trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ... Các huyện, thành phố đều tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ; gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và biểu dương, khen thưởng; đã có 104 tập thể, cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ giai đoạn 2015-2020.
Năm 2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hình thức, biện pháp công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa bàn, lĩnh vực, đối tượng cụ thể, gắn với giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như: Chống âm mưu "diễn biến hòa bình" trên không gian mạng; tội phạm sử dụng công nghệ cao; địa bàn có đông đồng bào các tôn giáo; địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; khu, cụm công nghiệp; cơ sở giáo dục... Công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được tăng cường. Năm 2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã chủ động phối hợp với lực lượng Công an thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên ngành về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tổ chức 207 buổi tuyên truyền cho trên 5.800 cán bộ, đoàn viên, hội viên; tổ chức ký cam kết thực hiện “Ba không với ma túy” cho 100% đoàn viên, thanh niên. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp duy trì thực hiện mô hình "Khu dân cư tự quản, không tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội", triển khai tại 3.320 điểm. Hội Nông dân tỉnh phối hợp duy trì thực hiện mô hình "Nông nghiệp, nông thôn, nông dân an toàn" triển khai tại 204 điểm. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp duy trì thực hiện mô hình "Quản lý, giáo dục con, em trong gia đình không phạm tội, tệ nạn xã hội"; "Mẹ giỏi, con ngoan về ANTT" triển khai tại 246 điểm. Tỉnh Đoàn phối hợp duy trì thực hiện mô hình "Đội thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin"; "Đội tình nguyện ứng cứu tai nạn giao thông" triển khai tại 422 điểm. Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp duy trì, củng cố 1.132 “Tổ cựu chiến binh vì dân” với 6.204 hội viên tham gia ở 7/10 huyện, thành phố. Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được gắn kết chặt chẽ với thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào "Xây dựng khu dân cư 5 không"; “Khu dân cư văn hoá”; “Gia đình văn hoá”... Đến nay, toàn tỉnh có 2.863/3.462 "Khu dân cư văn hóa"; 507.361 hộ được công nhận "Gia đình văn hóa"; 3.432 khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước; 1.568 "Khu dân cư 5 không"... Kết quả năm 2020 UBND tỉnh đã quyết định công nhận 3.321 khu dân cư (chiếm tỷ lệ 94,75%); 223 xã, phường, thị trấn (chiếm tỷ lệ 97,37%); 595 cơ quan (chiếm tỷ lệ 97,25%); 5.027 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 92,25%); 772 nhà trường (chiếm tỷ lệ 98,9%) đạt "An toàn về ANTT".
Năm 2020, tội phạm hình sự được kiềm chế, giảm 6,24%, không để xảy ra tội phạm hoạt động kiểu "xã hội đen", đối tượng "ngáo đá" gây án nghiêm trọng. Các vụ án, chuyên án lớn về hình sự, kinh tế, ma túy đều được đấu tranh, triệt phá thành công. Tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, không để xảy ra cháy, nổ lớn.
Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển mạnh mẽ đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh./.
Bài và ảnh: Xuân Thu