Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Ý Yên

07:12, 18/12/2020

Huyện Ý Yên có 30 xã và 1 thị trấn với khoảng 135 nghìn người trong độ tuổi lao động. Xác định vai trò quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động.

Nghề khảm trai ở xã Yên Ninh tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Nghề khảm trai ở xã Yên Ninh tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Để thu hút nông dân tham gia học nghề, các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quyền lợi của người lao động tham gia học nghề theo Đề án 1956. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trong độ tuổi; tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn học nghề phù hợp khả năng, điều kiện của bản thân. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và chỉ tiêu của UBND tỉnh giao về đào tạo nghề, huyện mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn và nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn. UBND huyện giao Phòng LĐ-TB và XH, Phòng NN và PTNT ký hợp đồng với những cơ sở đào tạo nghề có uy tín, chất lượng đã được UBND tỉnh phê duyệt như: Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, Trường Trung cấp nghề số 8, Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Thanh niên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh… Năm 2020, huyện Ý Yên đã mở 7 lớp nghề phi nông nghiệp đào tạo cho 226 lao động; 4 lớp nghề Nông nghiệp, với 140 lao động theo Đề án 1956. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Sở LĐ-TB và XH, Sở NN và PTNT mở 14 lớp dạy nghề, trong đó có 7 lớp nghề phi nông nghiệp và 5 lớp nghề nông nghiệp với 465 học viên tham gia. Tính đến tháng 11-2020, toàn huyện có 831 lao động được học nghề, trong đó 34 đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, 19 người thuộc hộ nghèo, 186 người thuộc hộ cận nghèo, 6 người khuyết tật, 1 người thuộc dân tộc thiểu số, 585 lao động nông thôn. Trong quá trình tổ chức dạy nghề, Phòng LĐ-TB và XH huyện và Phòng NN và PTNT huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát. Kết quả cho thấy các cơ sở đào tạo bố trí đầy đủ giảng viên, điều kiện, trang thiết bị phục vụ học lý thuyết, thực hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, hồ sơ, chương trình, giáo trình, sổ tay giáo viên đều đầy đủ. Các cơ sở dạy nghề phi nông nghiệp còn phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sắp xếp việc làm, bao tiêu sản phẩm cho người học nghề. Đối với học nghề nông nghiệp, các cơ sở dạy nghề phối hợp với UBND xã theo dõi, tạo điều kiện cho học viên sau học nghề vận dụng được kiến thức đã học được vào thực tế điều kiện gia đình để phát triển sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo khảo sát của Phòng LĐ-TB và XH huyện, tỷ lệ học viên có việc làm sau khóa học đạt 80-85%.

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và UBND các xã, thị trấn của huyện mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn hội viên và người dân địa phương. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề, tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, phát huy thế mạnh có nhiều làng nghề truyền thống như: Đúc đồng mỹ nghệ thị Trấn Lâm, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xã Yên Ninh, tre nứa chắp, sơn mài xã Yên Tiến... các xã, thị trấn đã khuyến khích các cơ sở sản xuất uy tín ở các làng nghề tổ chức các lớp truyền nghề, tạo việc làm cho người dân ở địa phương. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn thu hút sự tham gia của nhiều công ty, cơ sở sản xuất hàng may mặc, điển hình như các doanh nghiệp sản xuất may mặc ở các xã: Yên Trị, Yên Đồng, Yên Bình, Yên Thọ..., tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần nâng cao đời sống người dân. Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Hàng năm, có hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong huyện được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành cùng với những giải pháp hiệu quả, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện hiện đạt 48,6%.

Mục tiêu của huyện Ý Yên là tập trung đào tạo lực lượng lao động nông thôn có trình độ, vững tay nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông thôn; tiếp tục mở các lớp dạy nghề cho khoảng từ 700 đến 800 lao động nông thôn thôn mỗi năm. Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức các xã và lao động nông thôn về vai trò của học nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tiếp tục làm tốt công tác giới thiệu, tạo việc làm cho lao động nông thôn; tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp và người học để giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động./.

Bài và ảnh: Viết Dư


 



Tổng hợp tin đăng kiếm việc mới nhất đơn hàng kỹ sư xây dựng đi nhật

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com