Để tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tìm việc làm, phát triển kinh tế, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vụ Bản đã đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề cho người lao động, qua đó giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xã Tân Khánh phát triển nghề mộc, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. |
Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tranh thủ chương trình Đề án 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn để giúp nhiều người lao động được học nghề, đào tạo nâng cao tay nghề... Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Trước khi triển khai mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng hành nghề và cơ hội việc làm theo ngành nghề của người dân. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo ngành, nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã tổ chức dạy nghề mới cho 14.100 lao động; giải quyết việc làm mới cho 14 nghìn lao động (đạt 115% chỉ tiêu). Nhiều địa phương trên địa bàn huyện thực hiện tốt đào tạo nghề cho lao động nông thôn như các xã: Minh Thuận, Minh Tân…
Xã Minh Thuận có khoảng 9.000 khẩu, trong đó có trên 5.000 người trong độ tuổi lao động, phần lớn là lao động phổ thông và sản xuất nông nghiệp. Căn cứ đặc điểm địa lý, định hướng phát triển ngành nghề của xã, UBND xã tổ chức đào tạo các nghề: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, may công nghiệp cho người lao động. Thực hiện Đề án 1956, năm 2017 và 2018, tại xã đã tổ chức 4 lớp đào tạo nghề trồng cây lương thực, thực phẩm, sản xuất lúa cánh đồng lớn cho 140 người. 6 tháng đầu năm 2020, tại xã tổ chức 1 lớp kỹ thuật chăn nuôi gia cầm và 1 lớp học may công nghiệp với tổng số hơn 70 học viên tham gia. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt 65%; bình quân thu nhập đầu người đạt 45,9 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,53%. Tại xã Minh Tân, từ năm 2019 đến nay, xã phối hợp với đơn vị quản lý khu du lịch sinh thái Núi Ngăm tổ chức lớp học sơ cấp nấu ăn cho 30 học viên; phối hợp Hội Phụ nữ huyện tổ chức lớp học kỹ thuật trồng rau màu cho 35 học viên tham gia. Bên cạnh đó, xã phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nông nghiệp mở các lớp chuyển giao kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng thu hút hàng trăm học viên tham gia.
Bên cạnh thực hiện tốt Đề án 1956, mỗi năm, các đoàn thể trong huyện như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và UBND các xã, thị trấn phối hợp với các trường dạy nghề trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Năm 2020, Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh duy trì 3 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại các xã Hiển Khánh, Cộng Hòa, Liên Minh; Hội Nông dân các xã, thị trấn phối hợp với các ngành tổ chức dạy nghề cho 90 hội viên… Các cấp Hội Phụ nữ trong huyện phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức các hội nghị chuyên đề hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ và chăm sóc bảo vệ cho mạ, lúa và hoa màu, hướng dẫn sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, màu vụ xuân, thu hút 7.835 người dự nghe; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức khai giảng 1 lớp may, 1 lớp đan lát thủ công cho 56 hội viên phụ nữ thuộc các xã Minh Thuận, Liên Minh.
Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 250 doanh nghiệp và 15 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, cùng hàng nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 25 nghìn lao động. Cùng với những lớp học do các địa phương, các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn huyện phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức, nhiều công ty và cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đã chủ động tổ chức lớp dạy nghề, tạo điều kiện cho lao động địa phương nâng cao tay nghề và có thu nhập ổn định. Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Bảo Linh (xã Minh Tân) tạo việc làm cho trên 1.000 lao động. Để đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu sản xuất, Công ty thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân. Công ty TNHH một thành viên May Trường Phát nằm trên địa bàn thôn Trại Kho, xã Minh Thuận tạo việc làm cho trên 100 lao động với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, Công ty tổ chức đào tạo miễn phí từ 10-15 công nhân mới vào làm; mở lớp dạy nâng cao tay nghề cho hàng chục công nhân, đáp ứng nhu cầu sản xuất các mẫu hàng mới. Nhờ chủ động trong công tác đào tạo công nhân nên năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của Công ty luôn đảm bảo và duy trì ổn định.
Thời gian tới, huyện Vụ Bản tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác đào tạo nghề, học nghề; chỉ đạo làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp sẵn sàng nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn; tiếp tục làm tốt công tác liên kết đào tạo với các đơn vị để tạo việc làm cho lao động sau đào tạo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.
Bài và ảnh: Viết Dư