Vũ Minh Lượng
Chánh Thanh tra tỉnh
Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL về việc thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt - tổ chức tiền thân của Thanh tra Chính phủ. Từ đó, ngày 23 tháng 11 trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.
Cán bộ Thanh tra tỉnh trao đổi nghiệp vụ công tác. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Trong quá trình 75 năm xây dựng và phát triển cùng với ngành Thanh tra cả nước, Thanh tra Nam Định đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước. Bám sát yêu cầu nhiệm vụ, Thanh tra tỉnh đã tập trung xây dựng, đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng; có kiến thức chuyên môn, thanh tra “công tâm, thạo việc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh; có khả năng vận dụng đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chất lượng, trình độ và hiệu quả công việc ngày càng đáp ứng được yêu cầu với số lượng và chất lượng ngày càng cao. Tổng số công chức, lao động toàn ngành đến nay có 224 người đều được đào tạo cơ bản với 100% cán bộ có trình độ đại học trở lên. Nhiều công chức có 2 bằng đại học, có trình độ thạc sĩ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Để nâng cao năng lực, trình độ, đội ngũ cán bộ Thanh tra tỉnh thường xuyên được cử đi tham gia các khóa tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Việc nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ công chức trong thời đại mới đã góp phần xây dựng đội ngũ công chức ngành Thanh tra vững mạnh, chuyên nghiệp. Đặc biệt trong 2 năm (2019-2020), Thanh tra tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện Dự án nghiên cứu khoa học “Ứng dụng Công nghệ GIS xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Thanh tra tỉnh Nam Định”. Việc đưa vào khai thác, sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu này đã giúp ngành Thanh tra quản lý toàn bộ hoạt động thanh tra, kiểm tra từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để chồng chéo kế hoạch; tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra; theo dõi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác, ngành Thanh tra tỉnh đã tập trung đổi mới việc lập, phê duyệt kế hoạch thanh tra, chuyển mạnh từ chủ yếu tiến hành thanh tra từng dự án đầu tư xây dựng cơ bản và thanh tra doanh nghiệp chấp hành pháp luật về thuế sang thanh tra theo chuyên đề, thanh tra việc chấp hành pháp luật của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm như: Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài chính ngân sách; đất đai, môi trường, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng... Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 1.630 cuộc thanh tra theo kế hoạch và hàng chục cuộc thanh tra đột xuất. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý về kinh tế với số tiền trên 70 tỷ 038 triệu đồng và 595.204,63m2 đất. Trong đó, xử lý thu hồi cho ngân sách địa phương 44 tỷ 695,22 triệu đồng; thu hồi về quỹ BHYT 2 tỷ 002,32 triệu đồng; giảm trừ khi phê duyệt quyết toán công trình 6 tỷ 172,35 triệu đồng; giảm trừ quyết toán kinh phí khám chữa bệnh 724,98 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 16 tỷ 443,74 triệu đồng; thu hồi 595.204,63m2 đất; tịch thu nhiều phương tiện, tang vật vi phạm hành chính. Chuyển hàng chục hồ sơ vi phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cho cơ quan điều tra xử lý hình sự. Bên cạnh đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) được tăng cường. Thanh tra tỉnh, Thanh tra các sở, ngành, các huyện, thành phố đã tham mưu, giúp thủ trưởng cùng cấp đổi mới mạnh mẽ công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết KNTC; chủ động nắm chắc các vụ việc KNTC ngay từ khi mới phát sinh để tham mưu giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Toàn ngành đã tham mưu tiếp hơn 21.639 lượt công dân đến các cơ quan Nhà nước KNTC, kiến nghị, phản ánh; giải quyết 359 vụ KNTC, kiến nghị, phản ánh; giải quyết hàng chục vụ KNTC đông người, phức tạp. Chất lượng, hiệu quả giải quyết KNTC ngày càng được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng năm 2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận 2.977 đơn tương ứng với 1.071 vụ việc, tăng 582 đơn (24,3%) so với năm 2019; trong đó có 2.603 đơn khiếu nại, phản ánh, chiếm 87,49%; 128 đơn khiếu nại, chiếm 4,24% và 246 đơn tố cáo, chiếm 8,26%. Qua xem xét, nhiều đơn không đủ điều kiện xử lý (đơn trùng nội dung đã được xử lý nhiều lần; đơn phô tô gửi nhiều cơ quan, tổ chức, gửi nhiều lần; đơn không có chữ ký trực tiếp; đơn mạo danh, nặc danh; đơn không ghi rõ họ tên, địa chỉ người viết…). Thực hiện chương trình, kế hoạch công tác thanh tra năm 2020, Thanh tra tỉnh và Thanh tra một số sở, ngành, huyện đã triển khai 13 cuộc thanh, kiểm tra trách nhiệm tại 35 đơn vị về tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC; qua đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.
Phát huy truyền thống, 75 năm ngành Thanh tra Việt Nam, thời gian tới, Thanh tra tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ công chức của ngành, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức cho cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ; thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ công chức đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ. Xác định rõ trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết KNTC, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.