Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2020 trên cơ sở sắp xếp, hợp nhất các trường: Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định, Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Định, Trung cấp Cơ Điện Nam Định, Trung cấp nghề Thủ công Mỹ nghệ Truyền thống Nam Định, Trung cấp Công nghệ và Truyền thông Nam Định, Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định và Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nam Định. Khi hợp nhất, trường tiếp nhận toàn bộ viên chức, hợp đồng lao động của 7 cơ sở với tổng số 356 người; kiện toàn 19 phòng, khoa, trung tâm, trong đó: 8 phòng, 8 khoa chuyên môn và 3 trung tâm thuộc trường. Để đảm bảo cơ sở vật chất cho việc dạy và học, năm 2020, trường tập trung đầu tư sửa chữa các hạng mục tại trụ sở chính và mua sắm thiết bị đào tạo nghề từ nguồn vốn Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động; Dự án trường cấp III nông nghiệp do Nhật Bản tài trợ và nguồn vốn hợp pháp khác. Trong công tác đào tạo, trường đã tiếp nhận toàn bộ học sinh, sinh viên 7 cơ sở đào tạo cũ và duy trì việc tổ chức đào tạo đảm bảo chương trình, kế hoạch đào tạo năm học 2019-2020.
Một tiết học tại Khoa Điện điện tử, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. |
Trường đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB và XH) cấp giấy phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó trình độ Cao đẳng 13 nghề, trình độ Trung cấp 31 nghề và trình độ Sơ cấp 33 nghề. Để thực hiện tốt công tác tuyển sinh, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tổ chức khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động trong tỉnh và khu vực Nam đồng bằng sông Hồng; tổ chức tuyển sinh tại địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư; phối hợp với các trường THPT, doanh nghiệp tổ chức hội nghị, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền về học nghề, chế độ, chính sách về học nghề, năng lực đào tạo của nhà trường để thu hút người học nghề. Trong đào tạo, nhà trường chú trọng “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lấy thực hành kỹ năng nghề là chính, phù hợp với từng cấp độ đào tạo. Thực hiện đa dạng hóa các phương thức đào tạo, đào tạo theo địa chỉ. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, đưa học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp để các em có điều kiện thực hành, rèn luyện tay nghề. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định Đinh Văn Hoản cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do trường mới sáp nhập và do dịch bệnh COVID-19 nhưng với sự chỉ đạo quyết tâm của Ban giám hiệu Nhà trường, các Phòng, Khoa, Trung tâm cùng những giải pháp chiêu sinh hợp lý, đến nay trường đã tuyển được trên 1.500 học sinh, sinh viên trình độ Cao đẳng, Trung cấp và trên 1.000 học viên trình độ Sơ cấp. Trường đã liên kết đào tạo với 50 doanh nghiệp trên cả nước, tiêu biểu như: Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng, Công ty Cổ phần kim khí Thăng Long (Hà Nội), Công ty ống thép Hoà Phát (Hưng Yên), Công ty Cổ phần kỹ thuật Thăng Tiến (Hà Nội), Công ty Cổ phần Kỹ thuật Sigma (Hà Nội)… Tháng 7-2020, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định ký hợp đồng liên kết đào tạo với Công ty Cổ phần kim khí Thăng Long (Hà Nội). Theo đó, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định thực hiện tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề: Nghề hàn, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp với thời gian đào tạo 25 tháng, trong đó học sinh, sinh viên trải qua 10 tháng đào tạo tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, 15 tháng thực hành tại Công ty Cổ phần kim khí Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có nguyện vọng làm việc tại công ty sẽ được ưu tiên tiếp nhận. Vừa qua, trường xúc tiến liên kết đào tạo với Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng. Hai bên thống nhất phối hợp đào tạo, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các ngành: Điện công nghiệp, dân dụng; điện tử; công nghệ thông tin; hàn. Thời gian nhà trường và công ty phối hợp trong 2-3 năm đào tạo cho từ 800-1.000 học sinh, sinh viên. Sinh viên sau khi tốt nghiệp tại trường được ưu tiên tuyển dụng làm việc tại công ty. Nhờ làm tốt công tác tuyển sinh, chương trình giáo dục nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người học và doanh nghiệp, năm học 2019-2020, tỷ lệ tốt nghiệp trình độ Cao đẳng, Trung cấp và trình độ Sơ cấp của trường đạt 100%; tỷ lệ tốt nghiệp văn hóa giáo dục thường xuyên cấp THPT đạt 98,27%; tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm đạt từ 90 đến 95%; một số ngành, nghề đạt tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100% như ngành Cơ khí, Điện, May…
Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định ra đời góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề; đào tạo một số nhóm ngành, nghề có xu hướng sử dụng nhiều nhân lực và mở thêm một số mã ngành, nghề mới có nhu cầu của thị trường lao động, trên cơ sở dự báo nhu cầu vị trí việc làm sau đào tạo. Trường đề ra rõ mục tiêu ngay từ khi thành lập gồm tập trung phát triển các ngành nghề theo từng cấp: Cấp độ quốc tế (1 ngành nghề), Cấp độ Khu vực ASEAN (2 ngành nghề là Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp); Cấp độ quốc gia (17 ngành nghề). Bên cạnh đó, một trong những điều kiện thuận lợi để Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tiếp tục phát triển đó là giai đoạn 2020-2025, tỉnh đưa Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định vào danh sách Trường Cao đẳng chất lượng cao theo Quyết định 1363/QĐ-TTg ngày 11-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong 40 trường chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.
Để hiện thực hoá những mục tiêu đề ra, thời gian tới Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định và nâng cao trình độ chuyên môn để đào tạo các sinh viên có tay nghề, kỹ thuật cao. Tập trung đào tạo các ngành nghề nhà trường có thế mạnh, đồng thời nghiên cứu mở rộng thêm các ngành nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng và các ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo cơ hội để sinh viên được thực hành và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp./.
Bài và ảnh: Viết Dư