Thời gian qua, do nhiều yếu tố tác động, kinh tế sinh vật cảnh (SVC) trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Để nuôi dưỡng niềm đam mê, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân cũng như đảm bảo thu nhập cho người làm kinh tế SVC, Hội SVC các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường quảng bá trưng bày, triển lãm nhân các sự kiện chính trị, xã hội.
Trong dịp đại hội Đảng bộ các cấp vừa qua, Hội SVC các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Tại sảnh Nhà Văn hóa 3-2 (thành phố Nam Định), chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Hội SVC tỉnh tổ chức trưng bày 20 cây cảnh nghệ thuật. Phó Chủ tịch Thường trực Hội SVC tỉnh Phạm Huy Nghị cho biết: Đây là những tác phẩm được chọn lọc từ 8 Hội SVC huyện, thành phố, Hội SVC làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) gồm nhiều chủng loại đẹp, quý, không chỉ mang giá trị nghệ thuật cao mà còn có giá trị kinh tế. Các tác phẩm cây cảnh đều rất đặc sắc như: cây sanh thế “song thụ” của ông Nguyễn Công Khanh; đôi sanh dáng “lão” cỡ trung của nghệ nhân SVC Việt Nam Vũ Văn Hoa (làng hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá, Nam Trực), 2 cây tùng của nghệ nhân SVC Việt Nam Đoàn Xuân Phượng ở xã Xuân Thuỷ (Xuân Trường)... Theo kết quả tổng hợp của Hội, trong dịp chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp vừa qua, toàn tỉnh có trên 50 huyện, xã, thị trấn tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm cây cảnh. Việc tổ chức trưng bày cây cảnh thu hút đông đảo người quan tâm là động lực để các hội viên SVC và thúc đẩy phong trào SVC trong tỉnh ngày càng phát triển.
Triển lãm Sinh vật cảnh chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX tại tiền sảnh Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh. |
Hội SVC thành phố Nam Định hiện có 297 hội viên sinh hoạt ở 13 chi hội phường, xã. Trong những năm qua, nhiều hội viên Hội SVC thành phố đã tìm tòi và khai thác, lai tạo nhiều giống hoa, cây cảnh mới; đồng thời cũng bảo tồn những SVC cổ, có giá trị… Nổi tiếng trong giới SVC ở thành phố phải nhắc đến ông Trần Ích Phượng ở phường Trần Tế Xương. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương năm 1991, ông nhận ra rằng cây địa lan được nhiều người ưa thích nên sẽ có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trồng địa lan, nhất là những giống quý, không dễ bởi đòi hỏi người trồng am hiểu kỹ thuật. Ông đã học hỏi kinh nghiệm trồng địa lan từ nhiều người, tìm hiểu từ trong sách vở. Khởi nghiệp từ năm 1994 với chỉ có 2 bàn tay trắng, đến nay, ông Phượng có 2 vườn địa lan với khoảng 300 chậu của gần 10 loại lan quý như thanh ngọc, hoàng vũ, hoàng thanh, hoàng cẩm tố… Việc chăm sóc các loại địa lan đòi hỏi nghệ nhân phải có trình độ cao, am hiểu kỹ thuật, đặc tính từng giống loại hoa. Nhiều tác phẩm hoa, cây cảnh của ông đã đạt giải cao tại các kỳ triển lãm do Hội SVC tỉnh và thành phố tổ chức. Từ vườn lan mỗi năm ông có nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Với anh Trần Đăng Khoa ở đường Vĩnh Mạc (phường Lộc Vượng), SVC đã trở thành nghề chính, giúp anh và gia đình có cuộc sống khấm khá. Là hội viên trẻ tuổi nhất được phong tặng Nghệ nhân SVC Việt Nam, anh đã có 15 năm trong nghề trồng và kinh doanh hoa, cây cảnh. Anh đã có mặt ở hầu khắp các vùng quê trong tỉnh và đã đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để săn lùng các loại cây độc, lạ, đem về chăm chút, cắt tỉa, tạo hình và bán cho những ai yêu thích. Anh Khoa đặc biệt thành công và được nhiều người yêu cây cảnh biết đến bởi trình độ cao về tạo cây cảnh nghệ thuật bonsai. Hiện gia đình anh sở hữu 3 nhà vườn tại phường Lộc Vượng, Lộc Hòa với tổng diện tích khoảng 1.700m2 với trên 500 cây cảnh nghệ thuật các loại. Trong đó, nhiều tác phẩm có giá trị cao như: cây sanh dáng “mai phong thủ thế cách” (giải vàng tại Triển lãm SVC tỉnh lần thứ III-2018), cây sanh dáng “phương lão mai” (giải nhì tại Triển lãm SVC thành phố Hà Nội); cây si dáng “phượng vũ” có tuổi đời trên 60 năm…
Một trong những người có thâm niên và rất tâm huyết với nghề SVC nghệ nhân SVC Việt Nam Đoàn Xuân Phượng, xã Xuân Thủy (Xuân Trường). Hơn 30 năm theo đuổi thú chơi tao nhã này, ông không thể nhớ hết những nơi mình đã từng đến để tìm mua cây hay đã đi xem bao nhiêu triển lãm SVC trên toàn quốc. Trên diện tích khoảng 2ha, rất khó để định giá hơn 100 cây cảnh trong vườn nhà ông, vì các tác phẩm đều có dáng thế đẹp và rất nhiều năm tuổi. Trong đó, có 22 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật giành giải thưởng, trong đó có 12 tác phẩm giành giải vàng tại các triển lãm SVC trong nước như: cây tùng la hán dáng trực hơn 200 tuổi, cây sanh Nam Điền dáng trực phân chi trên 80 tuổi, bộ đôi cây sanh dáng trực cửu phẩm và dáng long trên 60 tuổi... Là chủ sở hữu nhà vườn Hoa Phượng, công việc kinh doanh dù bận rộn nhưng ông luôn dành thời gian để chăm lo cho phong trào hoạt động Hội của huyện. Ông Phượng chia sẻ: Vì nhiều lý do khách quan, đã có lúc phong trào hoạt động Hội SVC huyện khá trầm lắng. Tuy nhiên vẫn có nhiều hội viên thực sự đam mê kiên trì đeo đuổi nghề SVC. Thông qua mạng xã hội, họ luôn cập nhật, giới thiệu những tác phẩm tâm huyết của mình cho mọi người cùng thưởng thức, lan toả niềm đam mê cây cảnh nghệ thuật. Thời gian gần đây, phong trào hoạt động Hội có nhiều khởi sắc, số người đăng ký tham gia Hội tăng lên đáng kể, phần lớn lứa thanh niên dần tiếp cận với SVC. Để phát triển hơn nữa phong trào chơi hoa, cây cảnh trên địa bàn, thời gian qua các cấp hội SVC trong huyện đã tạo sân chơi cho hội viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, như tổ chức triển lãm hoa, cây cảnh, các lớp tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình mới…
Mỗi một cây cảnh là một tác phẩm nghệ thuật “đứa con tinh thần” của các nghệ nhân. Bằng sự trau chuốt, tỉ mỉ tới từng chi tiết, người chơi gửi gắm vào đó khát vọng, ước mơ, quan niệm về cuộc sống. Ngoài việc giúp mang lại cho người chơi điều may mắn, tâm hồn thư thái và gần gũi, hoà mình với thiên nhiên thì SVC cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho các nghệ nhân, nhà vườn./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh