Dạy chữ cho người khiếm thị

08:11, 18/11/2020

Hội Người mù tỉnh hiện có khoảng 3.000 cán bộ, hội viên thường xuyên sinh hoạt, trong đó có gần 150 trẻ em trong độ tuổi đến trường. Những năm qua, Hội Người mù tỉnh, Hội Người mù thành phố và các huyện đã mở nhiều lớp học văn hóa dạy chữ cho người khiếm thị, góp phần giúp họ biết đọc để tiếp nhận thông tin, tri thức, vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Một lớp học chữ nổi Braille tại Trung tâm Phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh.
Một lớp học chữ nổi Braille tại Trung tâm Phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh.

Trung tâm Phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh hiện có 25 học viên khiếm thị độ tuổi từ 8 đến 20 tuổi ở nội trú. Phần lớn khi mới vào Trung tâm, các em còn rất bỡ ngỡ khá rụt rè. Một số em không hình dung chính xác được mọi đồ vật, quy luật trái, phải, do đó các giáo viên của Trung tâm phải hướng dẫn từng chi tiết nhỏ. Thầy Nguyễn Thành Nam, giáo viên dạy chữ nổi Braille ở Trung tâm Phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề chia sẻ: “Người khiếm thị cũng như người khuyết tật dễ mặc cảm tự ti về bản thân nên nếu không có sự quan tâm và định hướng từ xã hội sẽ dễ chán nản, buông xuôi, sống phụ thuộc vào gia đình, xã hội. Mỗi học viên khi đến học tại Trung tâm có một hoàn cảnh khác nhau, vì thế đòi hỏi các giáo viên phải có những phương pháp khác nhau để giúp họ vượt qua mặc cảm, tự ti, từng bước hòa nhập cộng đồng”. Không chỉ dạy học, các cán bộ, giáo viên ở Trung tâm còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học viên nội trú... Dù công việc vất vả nhưng được giúp các học viên vượt lên số phận, từng bước khắc phục hoàn cảnh để hòa nhập cộng đồng, tiến bộ từng ngày trong học tập và cuộc sống đã trở thành nguồn động viên, khích lệ lớn nhất để cán bộ, giáo viên của Trung tâm cố gắng làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Nhiều học viên sau khi tham gia khoá học chữ nổi Braille đã tự tin hơn trong giao tiếp và được tiếp cận các kiến thức từ sách, báo. Em Trần Đức Trung, 15 tuổi, ở huyện Nam Trực bị khiếm thị bẩm sinh; chị gái Trung bị mù đa tật (thần kinh), hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Những ngày đầu đến học tại Trung tâm, Trung nhút nhát và nghĩ sẽ không thể theo học chữ. Được sự động viên của thầy giáo, sau một thời gian học tập và giao lưu với các bạn đồng cảnh, em đã tự tin, biết cách đi lại không cần người dẫn đường, có thể tự ăn, tự lo sinh hoạt cá nhân, biết viết chữ Braille. Học chữ cũng là tiền đề để Trung tiếp tục vững tin theo học nghề xoa bóp, bấm huyệt tại Trung tâm, biến ước mơ có việc làm nuôi sống bản thân và giảm phụ thuộc vào gia đình trở thành hiện thực. Còn em Trịnh Minh Lê (13 tuổi) ở huyện Ý Yên cho biết: Trước đây chưa bao giờ em nghĩ sẽ có ngày tự đọc được những bài thơ hay, những thông tin hữu ích từ sách báo cho người khiếm thị. Sau 3 tháng được học chữ nổi Braille tại Trung tâm Phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề Hội Người mù tỉnh, được thầy giáo chỉ bảo tận tâm, đến nay Lê đã đọc thông, viết thạo chữ nổi Braille, biết làm các phép tính đơn giản. Thầy Mai Văn Ngạch (59 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh kiêm thầy giáo giảng dạy chữ nổi Braille cho các học viên cho biết thêm: Để nâng cao văn hoá đọc cho học viên khiếm thị, thư viện của Trung tâm Phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề Hội Người mù tỉnh thường xuyên cập nhật các đầu sách mới. Hiện nay, thư viện của Trung tâm có hơn 300 đầu sách chữ nổi và nhiều đầu báo, tạp chí chữ nổi do Trung ương Hội Người mù Việt Nam phát hành. Bên cạnh đó, để các học viên sau khi học xong trở về gia đình vẫn có điều kiện tiếp cận nguồn sách, báo bằng chữ nổi Braille, Hội Người mù tỉnh giao cho các huyện Hội chuyển những ấn phẩm sách, báo chữ nổi luân phiên đến từng nhà các học viên.

Cùng với hoạt động của Trung tâm Phục hồi chức năng dạy chữ, dạy nghề của Hội Người mù tỉnh, Hội Người mù thành phố và các huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên học chữ, tạo điều kiện cho hội viên vượt qua mặc cảm vươn lên hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Hội Người mù thành phố Nam Định hiện có 96 cán bộ, hội viên. Hàng năm, Hội tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, giới thiệu các lớp dạy chữ Braille, tổ chức cho các cán bộ, hội viên nghe băng đĩa, đọc Tạp chí Đời Mới bằng chữ nổi Braille, kết quả đến nay có 61 hội viên được học chữ nổi Braille. Được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố, trang thiết bị văn phòng của Hội được đầu tư đồng bộ với tủ tài liệu, bàn làm việc, tủ sách với hàng trăm đầu sách và tạp chí hàng kỳ của Hội bằng chữ nổi để cho cán bộ, hội viên đọc, tìm hiểu về các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hội Người mù huyện Vụ Bản đã tích cực tổ chức chương trình học chữ nổi, học nghề và các chương trình văn hóa, văn nghệ thu hút nhiều hội viên tham gia; vận động hội viên hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của cộng đồng gắn với cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng” của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, xóa mù chữ cho hội viên. Mục tiêu của Hội là 100% hội viên đọc được chữ nổi Braille. Hiện tại Hội có khoảng 96% hội viên đã đọc được chữ nổi. Thời gian tới Hội sẽ tiếp tục khảo sát mở lớp học chữ nổi cho hội viên mới, nhằm thực hiện mục tiêu 100% hội viên đọc và tiếp cận với các văn bản, sách, báo của Hội. Hội Người mù huyện Ý Yên có 315 hội viên. Đến nay, Hội đã mở 9 lớp học chữ nổi cho các hội viên, ước tính 67% người mù trong Hội đều đọc và viết được chữ nổi. Từ việc được học chữ, đời sống văn hoá, tinh thần của các hội viên được nâng cao. Trong những năm qua Hội Người mù huyện đã xuất bản được 2 tập thơ của hội viên sáng tác “Người mù ơn Đảng” và tập “Niềm tin và ánh sáng”.

Bên cạnh sự quan tâm của các cấp Hội Người mù, nhiều năm qua, để phục vụ độc giả là người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng, Thư viện tỉnh đã quan tâm bổ sung các loại hình tài liệu như sách chữ nổi Braille, sách nói kỹ thuật số…, các phương tiện, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, triển khai Dự án “Xe thư viện lưu động đa phương tiện” của Vụ Thư viện (Bộ VH, TT và DL) và Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn VinGroup), Thư viện tỉnh đã tiếp nhận 1 xe ô tô thư viện lưu động mang tên “Ánh sáng tri thức” trị giá 1,4 tỷ đồng, có đầy đủ trang thiết bị: máy tính, máy chiếu, ti vi, máy phát điện cùng 4.500 cuốn sách, các phần mềm ứng dụng, tài liệu điện tử, sách nói phục vụ người khiếm thị… Đây là tiền đề thuận lợi để bạn đọc ở những vùng nông thôn, những độc giả khiếm thị sau khi được học chữ nổi được tiếp cận gần hơn với tri thức qua sách, báo, qua đó góp phần phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com