Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Vụ Bản đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên.
Mô hình thu mua, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản của hội viên Nguyễn Hữu Trung, xã Tân Thành. |
Nội dung thi đua phong phú, thiết thực, sát với nhiệm vụ trọng tâm của Hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên. Trong đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được tập trung chỉ đạo, phát động và tổ chức thực hiện, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Phong trào phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan toả trong nhiều lĩnh vực, tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên hội viên hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp hộ nghèo thoát nghèo thông qua việc tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Trong 5 năm (2015-2020), các cấp HND trong huyện đã tổ chức 662 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới thu hút hàng trăm nghìn lượt hội viên tham dự; đứng ra tín chấp cung ứng hàng nghìn tấn phân bón và thức ăn chăn nuôi theo phương thức trả chậm để hỗ trợ nông dân; tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình sản xuất giỏi trong và ngoài tỉnh. Hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể được đẩy mạnh. Từ năm 2015 đến nay, các cấp HND trong huyện đã phối hợp tổ chức 43 lớp dạy nghề cho 1.455 lao động nông thôn, sau học nghề 80% lao động có việc làm và thu nhập ổn định; xây dựng được 2 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 2 tổ hội nghề nghiệp. HND các cấp còn chủ động phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tín chấp cho 4.611 hộ nông dân vay vốn với tổng dư nợ 247 tỷ đồng; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 75,7 tỷ đồng cho 2.991 hộ vay. Đặc biệt, thực hiện Đề án số 01 ngày 19-3-2019 về việc “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh Nam Định, giai đoạn 2019-2023”, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 18 Ban vận động Quỹ HTND cơ sở và 1 Quỹ HTND cấp huyện với tổng nguồn quỹ trên 1 tỷ đồng tạo điều kiện cho 32 lượt hộ hội viên vay phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, HND huyện còn nhận ủy thác từ Quỹ HTND Trung ương, tỉnh với dư nợ 1 tỷ 550 triệu đồng cho 37 hộ vay thông qua mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp. Các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Điển hình như tổ hợp tác “Nuôi thỏ sinh sản” xã Hợp Hưng; tổ hợp tác “Sản xuất lúa sạch” xã Liên Bảo; tổ hội nghề nghiệp “Chăn nuôi VAC” xã Kim Thái... Qua đó, phong trào đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia. Bình quân hàng năm có trên 15 nghìn hộ nông dân đăng ký và có 7.621 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến với những cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng; nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng; tiêu biểu như ông Trần Văn Rụ (xã Kim Thái) với mô hình “Nuôi gà trắng thương phẩm theo tiêu chuẩn VIETGAP” quy mô từ 35-40 nghìn con; ông Trần Đăng Khôi (xã Minh Thuận) với mô hình “Nuôi gà sạch”; ông Trần Đình Đức, bà Trần Thị Thủy (thị trấn Gôi) thu mua hàng nông sản và xay sát thóc gạo; ông Đồng Văn Khương (xã Hiển Khánh) là chủ doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, cung ứng vật liệu xây dựng; ông Mai Công Chính (xã Hợp Hưng) đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, mua 10 máy ấp trứng, hàng tháng cung cấp cho thị trường từ 12-15 vạn con giống; ông Trần Quang Huy (xã Trung Thành) với mô hình trồng trọt, dịch vụ máy nông nghiệp; ông Vũ Văn Minh (xã Đại An) có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến trong tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo Hợp tác xã Tân An và cung cấp các dịch vụ nông nghiệp đạt hiệu quả cao; ông Nguyễn Hữu Trung (xã Tân Thành) thu mua, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản. Ngoài ra, nhiều hộ đã tích tụ, tập trung ruộng đất như ông Huy (xã Đại An) với diện tích 5,7ha thực hiện mô hình lúa - cá; chị Luyến (xã Liên Bảo) với diện tích gần 20ha sản xuất lúa nông sản; anh Nguyễn Văn Hưng (xã Tam Thanh) với diện tích trên 10ha liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa sạch với Công ty TNHH Toản Xuân; anh Triệu Đình Hợi (xã Hợp Hưng) với mô hình nuôi thỏ; anh Bùi Xuân Bình (xã Vĩnh Hào) với mô hình trồng khoai tây xuân... Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng tổ chức HND ngày càng vững mạnh. Đời sống của hội viên được nâng lên rõ rệt; ngày càng có thêm nhiều hộ vươn lên khá, giàu; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện còn 1,4%.
Với những kết quả đạt được, 5 năm qua tập thể cán bộ, hội viên nông dân huyện Vụ Bản đã được Trung ương HND Việt Nam tặng 12 Bằng khen; UBND tỉnh tặng 1 Cờ đơn vị thi đua xuất sắc, 1 danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, 3 Bằng khen./.
Bài và ảnh: Lam Hồng