Ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển

08:10, 30/10/2020

Thời gian qua, do thời tiết diễn biến bất thường cùng tác động tiêu cực của con người khiến một số đoạn bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, gây thiệt hại trực tiếp đến các công trình phòng chống thiên tai (PCTT), cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Nhân dân xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) dọn vệ sinh, rà soát mức độ an toàn của tuyến đê biển.  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Nhân dân xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) dọn vệ sinh, rà soát mức độ an toàn của tuyến đê biển.

Đồng chí Vũ Đình Được, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Trị (Ý Yên) phản ảnh: Những năm gần đây do các doanh nghiệp phía tỉnh Ninh Bình lấn dòng quá lớn khiến dòng chảy của sông Đáy chuyển hướng sang phía xã Yên Trị gây nhiều tác động tiêu cực đến khu vực ven đê sông Đáy đoạn qua xã Yên Trị như: rác thải dồn về thường xuyên bị ứ đọng gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của các doanh nghiệp, hộ dân sinh sống xung quanh; lưu lượng nước lớn, chảy siết, nhất là trong mùa mưa lũ, gây sạt lở một số đoạn bối ven sông và đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của 1km bối. Mới đây, cơn bão số 7 đã gây sạt lở nhiều đoạn đê sông, đê biển của tỉnh với tổng mức thiệt hại lên đến 41,7 tỷ đồng. Trong đó có 3 điểm bị thiệt hại nặng nề là: Bãi hạ lưu kè Hồng Hà, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc); tuyến đê biển Thanh Hương thuộc địa bàn xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) và tuyến đê biển huyện Hải Hậu... Để giảm tối đa thiệt hại do sạt lở bờ sông, bờ biển, tại các vị trí sạt lở do bão số 7 gây ra, Sở NN và PTNT đã phối hợp với UBND các huyện huy động lực lượng chức năng và các đơn vị liên quan tiến hành xử lý giờ đầu nhằm hạn chế tình trạng sạt sụt, ảnh hưởng đến an toàn của toàn tuyến đê, kè của tỉnh. Xã Yên Trị đã đề xuất UBND tỉnh, huyện quan tâm cho kiểm tra, có biện pháp gia cố vị trí sạt lở bối ven sông Đáy; có biện pháp khắc phục tác động tiêu cực của dòng chảy sông Đáy tránh tình trạng ngập lụt, bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân, doanh nghiệp xã Yên Trị... Hàng năm các địa phương đều tiến hành tổng kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, các trọng điểm PCTT; xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến, phương án bảo vệ các trọng điểm PCTT; triển khai tích cực các biện pháp ứng phó với các cơn bão, đặc biệt luôn khẩn trương khắc phục kịp thời sự cố đê điều do ảnh hưởng của bão. Công tác quản lý được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm hành lang, công trình đê điều, thủy lợi; kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển tránh bị ảnh hưởng do sạt lở và làm gia tăng nguy cơ sạt lở; kiểm soát, ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông và vùng ven biển, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; chủ động trồng rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn, bảo vệ trực tiếp đê biển...

Để ứng phó một cách căn cơ, lâu dài với tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, thời gian tới các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện 5 giải pháp lâu dài đã được UBND tỉnh chỉ đạo, bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển. Xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát diễn biến sạt lở, lòng dẫn. Xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bảo vệ bờ sông, bờ biển, khu đô thị, khu dân cư tập trung có nguy cơ sạt lở theo quy hoạch. Triển khai thực hiện các dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ, nhất là rừng ngập mặn, trồng cây chắn sóng để phòng chống sạt lở; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý, khai thác phù hợp gắn với trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. Trong Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 12-10-2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy xác định ưu tiên các nguồn vốn tiếp tục đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa các đoạn đê biển, đê sông còn lại. Trong đó ưu tiên xử lý các điểm xung yếu, các công trình PCTT và khắc phục hậu quả thiên tai; củng cố, nâng cấp hệ thống thủy lợi theo quy hoạch; đầu tư xây dựng cảng cá Quần Vinh, xây dựng kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ. Trước đó, UBND tỉnh có Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 8-9-2020, xác định cụ thể các dự án phòng chống sạt lở trên các tuyến đê sông, đê biển trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đê Hữu Hồng: 0,733km kè Hồng Hà (Mỹ Lộc); 0,275km kè Vị Khê và 1,160km kè Quy Phú (Nam Trực); 0,487km kè Cồn Nhì và 1,2km đê, kè Giao Hương (Giao Thủy); 2,3km kè sông bối Hạc Châu (Xuân Trường). Tuyến đê Hữu Đào nâng cấp: 0,351km đê, kè Trại Nội (Vụ Bản); 0,48km kè An Quang, 1,02km kè Đống Cao và 0,45km kè Quán Khởi (Ý Yên). Tại tuyến đê Tả Đào nâng cấp 4,062km kè địa phận thành phố Nam Định; 1,233km kè An Lá (Nam Trực). Tuyến đê Tả Ninh nâng cấp 0,355km kè Đò Mới (Trực Ninh). Tuyến đê Hữu Ninh nâng cấp 0,280km kè Phượng Tường và 0,865km kè Trực Bình (Trực Ninh) 1,235km kè Quần Khu (Nghĩa Hưng). Tuyến đê Tả Đáy nâng cấp 1,84km kè Quỹ Độ (Ý Yên). Tuyến đê Quần Liêu nâng cấp 0,30km kè Nam Quần Liêu (Nghĩa Hưng). Tuyến đê tả sông Sò nâng cấp 1,115km đê kè Công Đoàn - Đồng Hiệu (Giao Thủy). Trên tuyến đê biển tỉnh sẽ bố trí vốn đầu tư nâng cấp 2km kè Hải Thịnh 3 thị trấn Thịnh Long, 1,5km kè Cồn Tròn xã Hải Hòa, 1,58km kè Thịnh Long (Hải Hậu); 1,20km đê, kè Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). Giai đoạn 2025-2030: tuyến đê Hữu Hồng sẽ được bố trí vốn đầu tư nâng cấp: 1,768km kè Hữu Bị (Mỹ Lộc); 0,38km kè Cồn Tư xã Hồng Thuận (Giao Thủy); 3km kè sông bối Hạc Châu (Xuân Trường). Tuyến đê tả Đào nâng cấp 1,5km kè Bái Trạch (Nam Trực). Tuyến đê tả Ninh nâng cấp 0,3km kè Lạc Quần. Tuyến đê sông Sò nâng cấp 1,6km kè kênh Nam Điền A-B từ cống Nam Điền A đến cống Nam Điền B và 3,5km kè kênh Tây 1 từ cống Tầu cũ đến tỉnh lộ 489C (Xuân Trường). Tại tuyến đê biển tỉnh sẽ bố trí vốn đầu tư nâng cấp 2km kè Thịnh Long (Hải Hậu); 2km kè Quất Lâm (Giao Thủy); 0,653km kè Nghĩa Phúc - Đông Nam Điền và 2km kè Sinh Thái (Nghĩa Hưng)./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com