Phát huy vai trò của hội thẩm nhân dân trong xét xử các vụ án

07:10, 26/10/2020

Hội thẩm nhân dân (HTND) có vai trò quan trọng trong nền tư pháp nước ta. Sự tham gia của HTND vào công tác xét xử nhằm bảo đảm quyền giám sát của nhân dân góp phần đảm bảo việc xét xử các vụ án được chính xác, khách quan.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND các cấp đã bầu 239 HTND hai cấp. Đội ngũ HTND được cơ cấu hợp lý giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể như: Khối chính quyền; khối Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; khối kinh tế… đảm bảo yêu cầu xét xử các loại vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và mang tính đại diện nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án. Trong số 239 hội thẩm hai cấp, có 30 vị HTND cấp tỉnh, 209 vị HTND cấp huyện. Hàng năm, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ HTND nhằm bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ. Từ đầu năm đến nay TAND tỉnh đã tổ chức 3 đợt tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn đối với HTND hai cấp; qua đó đã phát huy vai trò của HTND trong công tác xét xử. TAND hai cấp và lãnh đạo các cơ quan đơn vị nơi Hội thẩm công tác luôn tạo điều kiện cho các Hội thẩm nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử các vụ án do Tòa án phân công; chưa có vụ án phải hoãn phiên tòa do không có HTND. Các vị HTND đã phối hợp cùng Chủ tọa phiên tòa tích cực nghiên cứu hồ sơ, đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp. TAND hai cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động cải cách tư pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo các phán quyết của Tòa án tuân theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến hết tháng 9-2020, TAND hai cấp đã giải quyết 4.758/4.817 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 98,78%. Trong đó TAND tỉnh giải quyết, xét xử 416/423, tỷ lệ 98,35%; Tòa án cấp huyện giải quyết, xét xử 4.342/4.394, tỷ lệ 98,82%. Tỷ lệ các vụ án bị hủy, sửa đều nằm trong mức quy định. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, các vị HTND đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu hồ sơ, ghi chép cẩn thận, đầy đủ nội dung, tình tiết vụ án, các vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia xét xử các vụ án. Hầu hết các bản án được Hội đồng xét xử ban hành đều đúng pháp luật, khách quan, dân chủ, thấu tình, đạt lý.

Các vị Hội thẩm nhân dân tỉnh tham gia xét xử vụ án “buôn bán trái phép chất ma túy” tháng 8-2020
Các vị Hội thẩm nhân dân tỉnh tham gia xét xử vụ án “buôn bán trái phép chất ma túy” tháng 8-2020

Tham gia Đoàn HTND tỉnh đã nhiều năm, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng ban Tổ chức - Tuyên giáo (MTTQ tỉnh) kiêm HTND tỉnh chia sẻ: “Trong quá trình tham gia xét xử, tôi thường ghi chép lại những điều chưa rõ, sau đó đặt vấn đề trực tiếp với bị cáo. Nhờ vậy vừa không trùng lắp với thẩm phán vừa góp phần làm rõ thêm các tình tiết”. Ngoài việc làm sáng tỏ nội dung vụ án, HTND còn thông qua việc thẩm vấn để giáo dục, cảm hóa bị cáo, bị hại và người có nghĩa vụ liên quan, nhân chứng trong vụ án hình sự. Trong các vụ án dân sự, HTND cũng phân tích những điểm lợi và bất cập, qua đó, giúp người khởi kiện và bị khởi kiện trong vụ án dân sự nhận thức đúng đắn hơn về những quy định của pháp luật. Đồng chí Phạm Hùng Kiền, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch kiêm HTND huyện Hải Hậu cho biết: “Trước khi tham gia xét xử các vụ án, tôi đều nghiên cứu kỹ hồ sơ để có thể xử đúng người, đúng tội. Là HTND nên khi tham gia các vụ án có yếu tố kinh doanh thương mại, tôi luôn góp tiếng nói một cách khách quan, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự tham gia vụ án”. Theo luật định, HTND có địa vị pháp lý và vai trò quan trọng trong công tác xét xử. Cụ thể, khi xét xử, nếu ý kiến biểu quyết của các hội thẩm giống nhau nhưng khác ý kiến của thẩm phán thì quyết định của Hội đồng xét xử phải theo ý kiến của đa số thành viên hội thẩm. Vì vậy trách nhiệm của mỗi hội thẩm cũng hết sức nặng nề. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, trong từng vụ việc, đòi hỏi các vị hội thẩm không chỉ nắm rõ luật mà cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án trước ngày mở phiên tòa, nắm bắt đầy đủ nội dung, chứng cứ của vụ án. Khi phát hiện những vấn đề vướng mắc thì trao đổi, phản ánh với thẩm phán chủ tọa. Với vai trò của mình tại phiên tòa, các vị HTND đã tập trung theo dõi diễn biến, các tình tiết về nội dung vụ án, phối hợp với thẩm phán tham gia xét hỏi đúng trọng tâm, rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Cùng với việc xét hỏi, các vị HTND còn sử dụng kiến thức chuyên ngành, kết hợp với sự hiểu biết về xã hội và vốn sống thực tế để tuyên truyền, giải thích những vấn đề liên quan đến vụ án cho những người tham gia tố tụng cũng như nhân dân đến dự phiên tòa, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân.

Đồng chí Trần Văn Kiểm, TUV, Chánh án TAND tỉnh cho biết “Việc xét xử các vụ án là hết sức phức tạp, đòi hỏi các thành viên Hội đồng xét xử phải tinh thông nghiệp vụ, nắm chắc quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thật sự có kinh nghiệm và am hiểu các vấn đề xã hội”. Để chất lượng xét xử, giải quyết án tại Tòa án, nhất là Tòa án cấp sơ thẩm không ngừng được nâng lên, luôn bảo đảm tiêu chí thật chính xác trong áp dụng pháp luật, cần nâng cao tiêu chuẩn kiến thức pháp luật của hội thẩm; người được bầu hoặc cử làm HTND cần phải có trình độ pháp luật từ trung cấp trở lên hoặc ít nhất phải qua một lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật tập trung 6 tháng. Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, một trong những yêu cầu trọng tâm của tiến trình cải cách tư pháp là làm cho vai trò của Tòa án ngày càng độc lập hơn đối với các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước. Việc độc lập của Tòa án không chỉ đòi hỏi nâng cao năng lực xét xử của các thẩm phán, mà kể cả các vị HTND khi tham gia công tác xét xử. Bên cạnh đó, những người được bầu làm HTND cần chủ động trau dồi kỹ năng nghiệp vụ; tích cực, chủ động xét hỏi khi tham gia xét xử góp phần cùng thẩm phán ban hành những bản án, quyết định đúng pháp luật. Không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, luôn giữ vững quan điểm, lập trường, thực hiện tốt lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ làm công tác xét xử: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, học dân, giúp dân”./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com