Toàn tỉnh hiện có gần 215.200 người cao tuổi (NCT) (từ 60 tuổi trở lên), chiếm 11,77% dân số; trong đó gần 125 nghìn người được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội; trên 90 nghìn NCT vẫn đang lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu. Những năm qua, các ngành chức năng, các địa phương đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách xã hội đối với NCT, góp phần cải thiện cuộc sống của NCT. Nhờ đó, NCT ngày càng có điều kiện phát huy vai trò trong cộng đồng, thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng, sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
Hội viên Hội NCT xã Mỹ Tân luyện tập dưỡng sinh Thức vũ kinh. |
Thực hiện Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND, ngày 28-5-2013 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2013-2020; Kế hoạch số 47/KH-UBND, ngày 18-5-2017, thực hiện đề án Chăm sóc sức khỏe NCT tỉnh giai đoạn 2017-2025. Sở LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách, tổ chức lễ chúc thọ, mừng thọ cho NCT. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật NCT, Chương trình hành động quốc gia về NCT của tỉnh, Tháng hành động vì NCT… Từ năm 2012 đến nay, Sở LĐ-TB và XH, Ban đại diện Hội NCT tỉnh đã biên soạn, in trên 8.000 tờ rơi tuyên truyền về Luật NCT, các chính sách đối với NCT phát đến thôn, xóm, tổ dân phố. Các cấp Hội NCT địa phương, định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị biểu dương hội viên làm kinh tế giỏi, những điển hình trong xây dựng văn hóa ở khu dân cư, những gương sáng trong thực hiện phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”... Các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát định kỳ kết quả thực hiện chính sách đối với NCT. Sở LĐ-TB và XH lồng ghép kiểm tra việc thực hiện Luật NCT, Chương trình hành động vì NCT trong các nhiệm vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực ngành; tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với NCT trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng. Để phát huy vai trò của NCT, nhiều hoạt động được các ngành chức năng triển khai đồng bộ. NCT được hướng dẫn, tạo điều kiện tham gia khôi phục nghề và dạy nghề truyền thống; cho vay tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT… Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 245 NCT được hỗ trợ hoạt động kinh tế, trong đó có 76 NCT được hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh; 45.600 NCT tham gia các hoạt động kinh tế tạo thu nhập; 683 NCT là chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cá thể có đăng ký, giấy phép kinh doanh… Tiêu biểu như ông Trần Văn Chọn, 71 tuổi ở xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) tích cực cùng gia đình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả và nhận thầu diện tích vùng trũng để phát triển trang trại trên tổng diện tích 12.600m2, tạo việc làm cho 16 lao động địa phương… Ông Trần Ích Phượng 77 tuổi ở phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định) phát triển vườn địa lan hơn 400 chậu, giá trị hàng tỷ đồng.
Cùng với hỗ trợ NCT phát triển kinh tế, công tác chăm sóc sức khỏe NCT có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều hoạt động thiết thực như: Tư vấn, bồi dưỡng kiến thức tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khoẻ đối với NCT; đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật của hệ thống dịch vụ y tế; khuyến khích hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho NCT; phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho NCT dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tư vấn, chăm sóc NCT… Hiện nay, 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh có 21 khoa khám bệnh tại các bệnh viện có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đều áp dụng ưu tiên khám bệnh cho NCT. Trạm y tế các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn NCT kỹ năng phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; có hồ sơ quản lý và theo dõi, khám sức khỏe định kỳ cho NCT. Năm 2019, thực hiện chương trình “Mắt sáng cho NCT” do Trung ương Hội NCT Việt Nam phát động, các tổ chức Hội toàn tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Mắt Quốc tế Hà Nội, Bệnh viện Mắt tỉnh tổ chức khám và tư vấn miễn phí các bệnh về mắt cho 33.601 NCT, trong đó 2.412 NCT được chữa các bệnh về mắt với tổng kinh phí 3 tỷ 203 triệu đồng. Trong đời sống văn hóa tinh thần, nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao phù hợp với NCT được đẩy mạnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.610 CLB NCT đang hoạt động, thu hút 57 nghìn NCT tham gia. Trong đó, phong trào văn nghệ NCT phát triển mạnh ở thành phố Nam Định và các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Mỹ Lộc...
Theo dự tính đến năm 2030, NCT trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên khoảng 396.217 người, chiếm 19,75% dân số; tỷ lệ NCT phụ thuộc tăng lên khoảng 22,5%; mô hình gia đình truyền thống dần chuyển sang mô hình gia đình 2 thế hệ. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo NCT, thời gian tới các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, tập huấn kiến thức tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khoẻ đối với NCT và gia đình NCT; khuyến khích hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho NCT; tiếp tục xây dựng nếp sống, môi trường ứng xử văn hoá phù hợp đối với NCT ở nơi công cộng; khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng, chăm sóc NCT cô đơn, đời sống khó khăn, qua đó giúp NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội./.
Bài và ảnh: Viết Dư