Mặc dù dịch bệnh COVID-19 trong nước thời gian qua đã được khống chế, không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng nhưng vẫn ảnh hưởng đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh, dẫn đến thu nhập của công nhân, người lao động bị giảm. Trong điều kiện thu nhập khó khăn, nhiều gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu, cắt bỏ những khoản không thiết yếu để duy trì cuộc sống.
Nhiều doanh nghiệp ngành may mặc trong tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. |
“Chưa ráo mồ hôi đã hết tiền” là tình cảnh của ông Nguyễn Duy Doanh ở ngõ 98 Nguyễn Trãi (thành phố Nam Định) sống bằng nghề đạp xe xích lô hợp đồng vận chuyển cho một doanh nghiệp phân phối nước mắm. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, công việc của ông diễn ra đều đặn, thu nhập ổn định. Hàng ngày, 5 giờ sáng ông đến doanh nghiệp, chuyển các can nước mắm lên xích lô để đưa đến các đại lý. Với mỗi can nước mắm có dung tích 20 lít, mỗi chuyến xích lô ông chở tối đa 24 can. Ngày 2 lần chở nước mắm đi quanh thành phố, nhiều hôm xuống các huyện Vụ Bản, Nam Trực, ông Doanh có tiền công 300-400 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp hoạt động khó khăn, lượng sản phẩm đưa về Nam Định ít, dẫn tới công việc của ông Doanh ít dần. Việc bán hoa quả của vợ ông ở chợ Diên Hồng cũng khó do người mua ít nên thu nhập của gia đình giảm khoảng 50% so với trước. Số tiền Nhà nước hỗ trợ ông bà gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 không đủ cho nhu cầu chi tiêu hàng ngày nên để duy trì cuộc sống, nuôi con ăn học, gia đình thực hiện giảm chi. Ông Doanh cho biết: Trước đây, việc nuôi 2 con đi học đại học với số tiền hàng tháng 10 triệu đồng cũng đã vất vả rồi thì nay do khó khăn quá, gia đình đành rút số tiền tiết kiệm dành cuối năm sửa nhà để lo cho con không bị đứt đường học. Các chi phí khác như điện, nước, ăn uống của hai vợ chồng cũng rút xuống. Nếu như trước kia, bà thường mua thức ăn có đạm để bồi bổ cho ông sau lao động nặng nhọc thì giờ cũng hạn chế. Ông Doanh cho biết: “Tôi không buồn vì thu nhập giảm, bởi đây là tình trạng chung của nhiều người. Hy vọng cuối năm, khi nền kinh tế đất nước hồi phục, tôi sẽ có công việc, thu nhập ổn định”.
Dịch bệnh COVID-19 cũng ảnh hưởng đến nhiều lao động, nhất là công nhân các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Từ khi việc làm ít đi, cuộc sống của gia đình anh Phạm Văn Phú ở Ô 19, phường Hạ Long (thành phố Nam Định) cũng bí bách. Anh Phú cho biết, vợ chồng anh đều làm công nhân may mặc ở 2 công ty khác nhau. Hàng tháng nếu hai người tích cực tăng ca cuộc sống cũng ổn định nhưng giờ công ty hoạt động cầm chừng dẫn tới lương bị cắt giảm. Vào đầu năm học mới, nhiều khoản đóng góp của hai con đang học tiểu học, THCS khiến anh chị “chóng mặt”. Học phí, đồ dùng học tập, sách giáo khoa, đồng phục, tiền xây dựng, nước uống... của hai con lên tới cả chục triệu đồng. Bí quá, anh chị đành vay mượn bạn bè để lo cho các con. Các nhu cầu trong gia đình đều tối giản, hạn chế mức thấp nhất. Nhiều khoản chi phát sinh như hiếu, hỉ, ma chay, giỗ chạp cũng được anh chị tính toán. “Nói thật, nhiều khi tiết kiệm quá cũng nghĩ ngợi. Trước đây khi về quê ăn cưới, vợ chồng và các con đều đi nhưng nay thì lấy lý do bệnh dịch tránh tập trung đông người, thì chỉ một người đại diện cho gia đình về. Ít người về nên tiền mừng cũng giảm đi đáng kể”, anh Phú chia sẻ (!).
Việc cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh thu nhập giảm sút là giải pháp bắt buộc của nhiều gia đình. Tuy nhiên đối với việc này, cũng có người cảm thấy không quá lo bởi đã tìm hướng đi mới cho cuộc sống của mình. Chị Phạm Thanh Thúy là nhân viên Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà (thành phố Nam Định) cho biết: “Sau gần 1 năm hạn chế chi tiêu, gia đình tôi nhận ra rằng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”(!). Nhiều khoản trước kia hai vợ chồng mua sắm, nay dừng lại cũng không thấy quá ảnh hưởng đến cuộc sống. Chẳng hạn như chồng tôi có sở thích chơi cá cảnh, tiền điện, nước hàng tháng cũng không nhỏ. Vậy khi dịch, anh nghỉ chơi, mỗi tháng tiết kiệm mấy trăm nghìn đồng”. Năm nay gia đình anh chị thống nhất không đi nghỉ mát, vì mỗi lần đi dù công ty lo một phần nhưng bản thân bỏ ra cũng tốn kém không nhỏ. Cắt giảm những thứ chi tiêu không đáng có, anh chị vẫn đủ sinh hoạt đồng thời tích lũy tiền để lo việc cho cha mẹ ở quê. Nếu năm sau kinh tế khởi sắc trở lại, anh chị vẫn sẽ giữ cách chi tiêu tiết kiệm như hiện tại để dành tiền làm việc lớn. Còn với chị Phạm Thanh Hương đang làm công nhân của Công ty Cổ phần Dược Minh Dân, KCN Hòa Xá (thành phố Nam Định) thì tranh thủ thời gian rảnh, thức dậy sớm ra chợ rau đêm đường Phạm Ngũ Lão để chọn những bó rau tươi, những quả trứng về bày bán tăng thu nhập. “Vì nhà trong ngõ, không có điều kiện bày bán như mặt đường nên tôi để trên thùng xốp trước cổng. Cứ nghĩ bán túc tắc cho đỡ buồn, ai ngờ hàng bán cũng chạy vì bà con quanh xóm qua mua ủng hộ”. Ngoài những lúc chị Hương nghỉ ca ở nhà bán, chồng chị đang làm bảo vệ cho nhà máy đóng tàu sông Đào sau thời gian trực cũng về giúp vợ. Sau này, thấy nhu cầu người dân thành phố rất cần thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn cho sức khỏe, anh chị về quê thu gom mớ rau, quả trứng của người dân mang lên cung ứng cho người dân quanh tổ dân phố.
Trong thời điểm chờ nền kinh tế hồi phục, người lao động cần tiếp tục đồng hành cùng các công ty, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đồng thời thực hiện tốt việc tiết kiệm chi tiêu gia đình để có cuộc sống ổn định./.
Bài và ảnh: Đức Thiện