Trong các ngày, từ 1 đến 7-10, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT và UBND tỉnh, Sở GD và ĐT đã tổ chức tuần lễ học tập suốt đời năm 2020, với chủ đề: “Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời”. Đây là hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc xây dựng và cung ứng các kênh và công cụ học tập suốt đời cho người dân.
Cô và trò Trường THCS Giao Thanh (Giao Thủy) trong một giờ học. |
Để giúp cho người dân học tập, rèn luyện và lao động thoát nghèo, vươn lên làm giàu, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách như: Đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, hỗ trợ vốn… Đặc biệt, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã được mở rộng, củng cố đáp ứng nhu cầu học tập văn hóa của nhân dân. Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn đã đưa các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đến người dân thông qua các buổi học tập chuyên đề và khai thác các nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích như: sách, báo, bài giảng điện tử; tham gia câu lạc bộ trực tuyến, giao lưu, chia sẻ về sách, văn hóa đọc... Qua đó, nhiều người dân, nhất là người dân nông thôn đã mạnh dạn nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Trong 3 năm qua, dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân Việt Nam” do Tập đoàn Google tài trợ đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận, sử dụng và chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đời sống của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh. Thông qua dự án, nhiều nông dân đã khai thác được nhiều thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và các thông tin hữu ích khác trên mạng để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống. Trong quá trình thực hiện dự án, Ban quản lý dự án tỉnh đã chọn cử các thành viên tiêu biểu đi học tập, nghiên cứu các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, đồng thời tổ chức hội thi “Nông dân với internet” giúp hội viên ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và đời sống, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn trung bình mỗi năm thu hút trên 187 nghìn lượt người tham gia các lớp học tập với các chuyên đề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, pháp luật, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, thực hiện an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội... Các lớp học chuyên đề đã giúp nông dân biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chấp hành pháp luật, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống tệ nạn xã hội... Nhờ đó đã nâng cao nhận thức cho nhân dân về đời sống xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo; chất lượng cuộc sống được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Các đơn vị, trường học, hệ thống thư viện đã được quan tâm đầu tư, góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên và học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của mỗi nhà trường. Bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường học đã được đầu tư thư viện điện tử hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu, tìm kiếm sách và tài liệu tham khảo ngày càng cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh. Các trường học cũng tích cực đầu tư, cập nhật, bổ sung nhiều tài liệu, sách báo chuyên ngành để trở thành công cụ học tập của thầy và trò, phục vụ nhu cầu mượn và đọc sách của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, với việc xây dựng tủ sách dùng chung, thư viện lớp học, “thư viện thân thiện”, “thư viện xanh”, mỗi năm các trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách, truyện các loại, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong học sinh. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID -19, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, Sở GD và ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp dạy và học phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, giải pháp dạy học qua internet, trên truyền hình đã được thực hiện trên toàn tỉnh và đem lại hiệu quả tích cực. Học sinh thích thú khi được tham gia trải nghiệm các tiết học trực tuyến, có ý thức hoàn thành bài tập khi được giao. Việc dạy và học trực tuyến đã huy động số đông cha mẹ học sinh “vào cuộc” thường xuyên theo dõi, gửi, nhận bài tập của con qua Zalo, qua đó hỗ trợ, trao đổi, theo dõi việc học tập của con hàng ngày. Hiện tại, ở tất cả các cơ sở giáo dục từ cấp học mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, việc quản lý học sinh, quản lý giáo viên, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ quản lý điện tử, tích hợp với trang tin điện tử của nhà trường đều được thực hiện trên môi trường mạng ở tất cả các cơ sở giáo dục. Riêng bậc tiểu học đã có 7.086 máy vi tính phục vụ quản lý và học tập. Tại các trường THCS, THPT, việc triển khai hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin phục vụ dạy và học được thực hiện tích cực. Hiện bậc giáo dục phổ thông đã có 431 phòng thực hành Tin học với số lượng 7.540 máy phục vụ dạy học đang sử dụng tốt và 2.399 máy vi tính phục vụ công tác quản lý; trong đó cấp THCS có 298 phòng với 4.751 máy tính phục vụ dạy học và 1.698 máy tính phục vụ công tác quản lý; cấp THPT có 133 phòng với 2.789 máy tính phục vụ dạy học và 701 máy tính phục vụ công tác quản lý. Hầu hết các máy tính đều được kết nối internet. 100% các trường THCS và THPT đã tạo tài khoản cho giáo viên trên “trường học kết nối”, nghiêm túc chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn cụ thể, khoa học. Nhiều tổ, nhóm chuyên môn các nhà trường đã triển khai các buổi sinh hoạt trực tuyến, thảo luận chuyên đề trên “Trường học kết nối”. 100% các đơn vị giáo dục đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử, sử dụng sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử để trao đổi thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình học sinh, kết nối với phụ huynh qua các trang website của trường.
Hưởng ứng Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2020 với chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời”, Sở GD và ĐT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử của đơn vị tổ chức liên quan, các trang mạng xã hội về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời cũng như vai trò của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Tích cực triển khai các chương trình học tập trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học và hoạt động thư viện; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập và khai thác các nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích thông qua sách, báo, bài giảng điện tử, tích cực phổ biến, giới thiệu các tài nguyên này trên cổng thông tin điện tử của đơn vị; khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia diễn đàn, câu lạc bộ trực tuyến, giao lưu, chia sẻ về sách, văn hóa đọc, nghiên cứu khoa học..., góp phần xây dựng cộng đồng học tập trực tuyến ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Hướng dẫn kĩ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin trên mạng internet an toàn, hiệu quả cho học sinh, sinh viên, phụ huynh, cán bộ công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn. Tổ chức các diễn đàn, cuộc thi về chủ đề công dân học tập, công dân toàn cầu, giúp học sinh, sinh viên và người dân tìm hiểu về các kỹ năng và năng lực thiết yếu của công dân trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa. Khuyến khích các thư viện công cộng, thư viện nhà trường, thư viện của trung tâm học tập cộng đồng trong cùng một khu vực cộng đồng dân cư hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện, kinh nghiệm quản lý, nguồn nhân lực... Tăng cường các hoạt động khuyến học, triển khai các mô hình đọc sách, chia sẻ tri thức liên thế hệ, luân chuyển sách, báo, tài liệu giấy và tài liệu số. Ngoài ra, tiếp tục phát động phong trào xây dựng “tủ sách lớp học” trong các cơ sở giáo dục, xây dựng các thư viện, không gian đọc tại các trung tâm học tập cộng đồng, các cơ quan, công sở, đơn vị; đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, học tập tại các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ...; góp phần nuôi dưỡng thói quen và nhu cầu học tập thường xuyên cho người dân, từng bước xây dựng văn hóa học tập suốt đời cho các cộng đồng dân cư trong khu vực. Tổ chức các chương trình giáo dục về kĩ năng sống, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng công nghệ hiện đại trong cuộc sống và trong công việc./.
Bài và ảnh: Hồng Minh