Những năm qua, các ngành chức năng, các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách, pháp luật về lao động như Bộ luật Lao động, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi chính đáng của người lao động. Qua đó góp phần giúp người lao động có kiến thức biết tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bản thân trong quá trình tham gia lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Xây dựng và giày da Hồng Việt (Xuân Trường) thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động. |
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng tổ chức các hình thức hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật về lao động cho doanh nghiệp; hướng dẫn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trang bị sách pháp luật theo quy định. Duy trì thường xuyên việc tiếp nhận, xử lý, giải đáp thắc mắc về pháp lý của doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức như: bằng văn bản, thông qua trang thông tin điện tử, bản tin hoạt động của ngành; giải đáp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc thông qua các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp… Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các chính sách mới của Luật Bảo hiểm xã hội. Sở LĐ-TB và XH yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, chế độ tiền lương, tiền công, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, xây dựng và thực hiện nội quy lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN)… Hoạt động tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động được đổi mới với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, dễ hiểu. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động. Từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã biên soạn, in ấn và cấp phát 37.500 tờ rơi tuyên truyền về pháp luật lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn về những nội dung mới của Bộ luật Lao động 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội cho hơn 2.400 người sử dụng lao động, cán bộ nhân sự, pháp chế, tiền lương, công đoàn và người lao động tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Vụ Bảo hiểm xã hội và Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB và XH) tổ chức 2 lớp tập huấn pháp luật lao động cho gần 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ban hành 15 văn bản tư vấn, hướng dẫn 10 công ty về thực hiện pháp luật lao động, tiền lương, Bảo hiểm xã hội. Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB và XH) tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm DVVL tỉnh đã hướng dẫn cho trên 26.500 lao động làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh thực hiện tốt công tác hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm tập trung tư vấn về chính sách pháp luật lao động, thông tin về thị trường lao động cho người lao động và giới thiệu việc làm cho họ. Hàng năm, Trung tâm tham gia điều tra, cập nhật dữ liệu biến động về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các đợt kiểm tra việc thực hiện chính sách lao động, tiền lương, Bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề. Qua đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Phần lớn các đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội; đã giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, chi trả tiền lương, tiền làm thêm giờ, đóng nộp Bảo hiểm xã hội cho người lao động đầy đủ và kịp thời; tổ chức các lớp tập huấn về ATVSLĐ cho người lao động theo quy định của pháp luật, cải thiện điều kiện làm việc… Với một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, hướng dẫn khắc phục các vi phạm, xử phạt hành chính đối với các trường hợp cố tình vi phạm; yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện đầy đủ các chính sách và pháp luật lao động của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi người lao động; xây dựng mối quan hệ “hài hòa, ổn định, tiến bộ” trong doanh nghiệp, nâng cao đời sống người lao động. Nhiều công ty thực hiện tốt các chế độ, chính sách, chế độ phúc lợi chính đáng cho người lao động, tiêu biểu như Công ty Cổ phần May Sông Hồng. Hiện nay Công ty đã phát triển được 18 xưởng may trang phục xuất khẩu và 7 xưởng sản xuất các khâu/sản phẩm chuyên biệt là: chăn, đệm, bông, in, thêu, chần bông, giặt ở thành phố Nam Định và các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng tạo việc làm cho trên 10.500 lao động. Những năm qua, tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ nghiệp vụ của các ngành chức năng, Công ty thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại trực tiếp, qua đó tuyên truyền về những điểm mới trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật ATVSLĐ... cho người lao động và chủ sử dụng lao động. Những kiến thức về pháp luật lao động còn được tuyên truyền thường xuyên qua hệ thống phát thanh của Công ty với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ để người lao động dễ nắm bắt. Nhờ đó, kiến thức, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động đều được nâng cao. Cùng với đó, người lao động biết chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó để hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tư vấn pháp luật lao động nhằm giúp người sử dụng lao động và người lao động hiểu và thực hiện; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội./.
Bài và ảnh: Viết Dư