Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó có nội dung “thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017-2018”. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ năm 2018, Bộ GD và ĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; trong đó có nội dung: Hỗ trợ kinh phí hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp, giáo dục STEM tại trường học… góp phần quan trọng thực hiện đổi mới giáo dục trong các nhà trường.
Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (thành phố Nam Định) với các sản phẩm STEM trong Ngày hội triển lãm các sản phẩm sáng tạo năm 2019. |
So với phương pháp giáo dục truyền thống, giáo dục STEM có nhiều lợi ích thiết thực. Đây là phương pháp giáo dục theo hướng tích hợp liên môn thay cho việc dạy đa môn rời rạc; việc dạy học gắn với thực tiễn đúng phương châm “học đi đôi với hành”, “học để phục vụ cuộc sống”. Giáo dục STEM đồng thời thay đổi phương thức học tập là học qua thực hành, nghiên cứu, giúp học sinh tự tìm tòi khám phá và tiếp nhận tri thức biến trở thành kiến thức của mình, từ đó hình thành phẩm chất năng lực cá nhân. Do vậy, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được dạy; biết cách mở rộng phát triển kiến thức; biết cách sửa chữa, cải tiến cho phù hợp với tình huống thực tiễn mà người học đang phải giải quyết…
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, tại tỉnh ta, Sở GD và ĐT đã tích cực chỉ đạo triển khai áp dụng giáo dục STEM trong trường học. Sở chỉ đạo tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện giáo dục STEM, giúp lực lượng này nắm bắt nội dung, phương pháp, hình thức triển khai hoạt động giáo dục STEM sao cho có hiệu quả. Chỉ đạo tổ chức hoạt động ngày hội STEM sôi nổi ở các cấp học với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Tiêu biểu như các Phòng GD và ĐT huyện Nam Trực, Trực Ninh, thành phố Nam Định; các trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trường Thuý, Giao Thuỷ, Trần Hưng Đạo, A Hải Hậu; các trường THCS: Trần Đăng Ninh, Hàn Thuyên (thành phố Nam Định); Đào Sư Tích (Trực Ninh); Nguyễn Hiền (Nam Trực)… Phòng GD và ĐT huyện Nam Trực là đơn vị đi đầu toàn tỉnh trong việc triển khai giáo dục STEM ở các cấp học, bậc học. Ngay từ năm học 2015-2016, khi Bộ Khoa học - Công nghệ và Liên minh STEM phối hợp tổ chức Ngày hội STEM lần đầu tiên, Phòng GD và ĐT Nam Trực đã hưởng ứng bằng các hoạt động giáo dục phù hợp, đưa giáo dục STEM vào các trường học. Cùng với tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán và giáo viên toàn huyện chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất; áp dụng thí điểm ở một số nhà trường, từ đó đánh giá thực trạng, hiệu quả, sau đó nhân rộng ra toàn huyện, Phòng GD và ĐT huyện đã tổ chức cho cán bộ quản lý các nhà trường thăm nhiều cơ sở, tham dự nhiều chương trình liên quan đến giáo dục STEM… Hiện tại 100% cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường nắm được kiến thức về giáo dục STEM; 100% học sinh các nhà trường được tiếp cận với phương pháp dạy học STEM, vận dụng kiến thức giải quyết được các vấn đề có liên quan trong cuộc sống. Ngành GD và ĐT huyện cũng đã hình thành được đội ngũ chuyên gia STEM tại chỗ, có khả năng truyền tải, tập huấn giáo dục STEM cho các đồng nghiệp trong huyện, trong tỉnh. Minh chứng cho kết quả của đẩy mạnh giáo dục STEM trên địa bàn huyện là những sản phẩm STEM, KHKT, các giải thưởng trong các cuộc thi lập trình robot, AMC, HOMC… những năm học gần đây và sự thay đổi nhận thức, bước đầu hình thành kiến thức và kỹ năng STEM của học sinh trong các nhà trường. Tháng 5-2019, Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định tổ chức “Ngày hội giao lưu CLB Toán tuổi thơ và triển lãm các sản phẩm sáng tạo” với sự tham gia của 132 học sinh tiêu biểu, xuất sắc đến từ 22 trường tiểu học. Những sản phẩm STEM tiêu biểu được triển lãm là động lực góp phần nhen nhóm, lan toả mạnh mẽ niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho các em. Tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định), mặc dù các mô hình CLB hoạt động mới được hơn 1 năm, nhưng mang lại hiệu ứng rất tích cực; trong đó, riêng CLB STEM đã có 5 dự án thu hút hàng trăm học sinh tham gia gồm: Dự án trồng nấm sạch, Dự án trồng rau trên sân thượng, Dự án mỹ phẩm an toàn, Dự án tủ sách lớp học, Dự án xây cầu dân sinh… Trong đó, Dự án xây cầu dân sinh được sự hưởng ứng rất lớn của địa phương và tạo sự gắn kết trường học với cộng đồng.
Việc chương trình giáo dục STEM đang được đẩy mạnh ở hầu hết các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh. Năm 2018 và 2019, Ngày hội STEM cấp tỉnh có 141 dự án STEM tham gia. Năm 2020, Ngày hội STEM cấp tỉnh có 73 sản phẩm STEM tham gia; trong đó, các dự án STEM năm 2020 mang tính thực tiễn hơn hẳn các dự án những năm trước và có khả năng nhân rộng như: “Thùng rác xanh” của Trường THPT Lý Nhân Tông (Ý Yên); “Tổng hợp nhựa sinh học từ vỏ tôm” của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; “Thiết kế đèn kéo quân” của Trường THPT A Hải Hậu; “Bể cá sinh học” của Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định); hoặc các dự án có nhiều tiện ích sử dụng trong cuộc sống như: “Hệ thống làm mát tự động phân xưởng, nhà ở lợp mái tôn hoặc fibro xi măng” của Trường THPT Trần Nhân Tông (Nghĩa Hưng); “Máy sưởi đa năng gia dụng” của Trường THCS Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng); “Máy sấy, phơi quần áo tự động” của Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định)… Qua các sản phẩm STEM cho thấy học sinh đã biết vận dụng các kiến thức đã học vào giải thích, thiết kế, lắp đặt những sản phẩm tham gia dự thi và các sản phẩm đa phần đều có tính ứng dụng trong thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, việc triển khai giáo dục STEM cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cộng đồng về giáo dục STEM còn khác nhau. Hoạt động giáo dục STEM là vấn đề còn mới mẻ đối với nhiều trường học và nhiều giáo viên. Một số đơn vị giáo dục chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của hoạt động giáo dục STEM. Tâm lý nhiều học sinh và phụ huynh học sinh vẫn nặng theo lối cũ học để thi nên chỉ quan tâm đến các môn văn hóa. Vì vậy, có những em có năng lực sáng tạo khoa học nhưng không được cha mẹ ủng hộ tham gia hoạt động STEM… Do vậy, để triển khai hiệu quả giáo dục STEM, cần nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh, cộng đồng để giúp giáo viên, học sinh, hiểu đúng, đủ, sâu về hoạt động này. Xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện giáo dục STEM; tổ chức tốt khâu bồi dưỡng giáo viên. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên…
Việc từng bước đưa giáo dục STEM vào trong các nhà trường đã mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, khuyến khích phát huy năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh. Do đó, giáo dục STEM cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các nhà trường để góp phần tích cực đẩy nhanh việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học./.
Bài và ảnh: Minh Thuận