Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

08:10, 16/10/2020

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, đưa các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về giảm nghèo bền vững vào cuộc sống, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo từng bước vươn lên cải thiện đời sống, thoát nghèo vững chắc.

Nghề cơ khí tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở xã Xuân Kiên (Xuân Trường).
Nghề cơ khí tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở xã Xuân Kiên (Xuân Trường).

Các giải pháp hiệu quả

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai chương trình “Giảm nghèo về thông tin”; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động “Truyền thông về giảm nghèo”. Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên xây dựng các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về công tác đảm bảo an sinh xã hội các hoạt động xã hội từ thiện ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, biểu dương, chia sẻ phổ biến kinh nghiệm gương các gia đình nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo, các cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi... Từ năm 2016 đến hết năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông đã tập huấn cho gần 2.500 cán bộ cấp huyện, cấp xã làm công tác tuyên truyền; xuất bản trên 4.600 bản tài liệu tuyên truyền “Một số văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”; phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố sản xuất 1.400 chương trình phát thanh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu những cách làm hay, những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả; phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm, gương điển hình trong công tác xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu của các cá nhân, gia đình trên địa bàn tỉnh. Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng đội ngũ gần 4.500 tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo tại cộng đồng. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân về công tác giảm nghèo; các địa phương trong tỉnh còn triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm cơ sở thực hiện các giải pháp giảm nghèo. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu các địa phương tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. 

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện hiệu quả 8 chính sách giảm nghèo, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như: hỗ trợ về y tế, giáo dục và đào tạo, học nghề, hỗ trợ về việc làm, nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiền điện sinh hoạt, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế… Tỉnh đã hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; đảm bảo 100% người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế. Từ năm 2016 đến hết tháng 12-2019, toàn tỉnh có 1.030 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956. Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo, đến tháng 12-2019, toàn tỉnh có 268 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở, 116 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Tổng vốn đầu tư xây mới và sửa chữa nhà ở hộ nghèo từ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội là 9.590 triệu đồng. Năm 2017, UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo “Phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế”, Sở LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”. Từ năm 2016-2019, Sở NN và PTNT đã tổ chức 14 lớp tập huấn huấn kỹ thuật sản xuất cho 933 lao động; hỗ trợ 473 hộ gia đình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Sở LĐ-TB và XH xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển nuôi ong mật; mô hình nuôi bò sinh sản tăng thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tính đến hết năm 2019, tổng số có 249 hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng 2 dự án. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo từ năm 2016 đến hết năm 2019 toàn tỉnh có 12.570 hộ nghèo, 27.035 hộ cận nghèo, 12.557 hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ vay vốn. Các dự án cho vay đã giải quyết việc làm cho 5.324 lao động; giúp 5.693 hộ thoát nghèo, 3.175 hộ thoát cận nghèo; 3.758 học sinh, sinh viên con hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện theo học đại học, cao đẳng, trung cấp; xây dựng 62.337 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; xây mới và sửa chữa 384 nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo, 57 nhà ở xã hội. Thực hiện Quyết định số 60/2014/QĐ-TTg ngày 30-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn tại Thông tư số 190/2014/TT-BTC ngày 11-2-2014 của Bộ Tài chính; các địa phương trong tỉnh đã triển khai hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội. 100% hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được thụ hưởng chính sách bằng tiền được chi trả theo quý và trực tiếp đến từng hộ gia đình. 

Những kết quả đạt được

Bằng các biện pháp đồng bộ, kịp thời, từ năm 2010 đến nay, số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn trên địa bàn tỉnh nâng lên đến trên 80%; ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm, mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (trừ đối tượng bảo trợ xã hội) giảm còn dưới 1%. Nhiều địa phương trong tỉnh có cách làm hiệu quả khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng... Huyện Giao Thủy làm tốt công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Hiện nay, toàn bộ 22 xã, thị trấn, 332 xóm, thôn của huyện Giao Thủy đều được trang bị đầy đủ hệ thống truyền thanh cơ sở, nhà văn hóa, điểm truy cập internet… Huyện Giao Thủy chỉ đạo cán bộ văn hóa, tư pháp đến tận tàu thuyền để cung cấp tài liệu tuyên truyền pháp luật theo từng chủ đề cho ngư dân thường xuyên đi biển giúp họ nắm bắt các chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, chủ động tìm hiểu phương pháp sản xuất để áp dụng nhằm thoát nghèo, thay đổi chất lượng cuộc sống. Việc triển khai nội dung “giảm nghèo về thông tin” đã tạo điều kiện cho mọi người dân, đặc biệt là các hộ nghèo ở huyện Giao Thủy có thể tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, tạo phong trào thi đua trong công tác giảm nghèo.

Đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn khoảng 2%. Tại huyện Nghĩa Hưng tổng số hộ nghèo toàn huyện ước còn 1,25%, số hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội giảm xuống còn 0,45%. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho 175 lao động ở hộ nghèo; hình thành quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động ở địa phương; hỗ trợ kinh phí học nghề, tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi để người lao động vùng nông thôn có điều kiện tham gia xuất khẩu lao động, nhất là các đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ, qua đó hàng năm giải quyết việc làm mới cho trên 4.000 lao động. Huyện Xuân Trường từ năm 2014 đến nay, huyện đã mở 108 lớp học nghề ngắn hạn, trong đó 77 lớp với 2.638 lao động được đào tạo theo Đề án 1956. Riêng trong năm 2019, toàn huyện có trên 600 lao động được đào tạo, trong đó có các lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, đối tượng chính sách người có công, với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng. Nhờ có tay nghề kỹ thuật nên người dân thuận lợi hơn trong tìm việc làm, tạo thu nhập ổn định, hàng năm có hàng trăm hộ thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 1,3%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 49,2 triệu đồng/năm.

Với các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, toàn diện, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng cường công tác vận động thực hiện trách nhiệm xã hội, động viên các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người nghèo. Thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com