"Còn sức khỏe là còn tham gia hiến máu"

08:10, 09/10/2020

Sở hữu “thành tích” đáng nể trong phong trào hiến máu tình nguyện với 54 lần “cho đi”, là một trong những người hiến máu, hiến tiểu cầu nhiều nhất tỉnh, anh Trịnh Công Học, Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 5 vẫn khiêm tốn khi cho rằng đó là hành động “từ tâm” mà ai cũng có thể làm được. Đối với anh Học, có nhiều cách để mỗi cá nhân có thể đóng góp những việc làm thiện nguyện cho xã hội, giúp ích cho đời. Và với anh, việc sẻ chia những giọt máu hồng tình nguyện là cách làm thiết thực nhất.

Anh Trịnh Công Học, Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 5 tại Lễ Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Anh Trịnh Công Học, Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 5 tại Lễ Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Luôn tâm niệm “hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp mà ai cũng có thể làm được, thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng”, ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Lao động - Xã hội, anh Học đã tham gia hiến máu. Nhớ lại lần đầu tiên hiến máu nhân đạo, anh Học kể: “Năm 2008, trong một lần cùng người bạn xuống Bệnh viện Bạch Mai thăm người ốm, tôi thấy bệnh viện đang tổ chức hiến máu nhân đạo. Không nghĩ ngợi gì nhiều, tôi đăng ký tham gia luôn. Sau khi hiến máu xong, tôi cảm thấy sức khỏe vẫn bình thường nên mạnh dạn tham gia những lần kế tiếp”. Cũng theo anh Học, những năm đó, phong trào hiến máu chưa được quan tâm như bây giờ, số lượng người tham gia hiến máu cũng ít hơn, phần lớn do tâm lý lo sợ hiến máu ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên anh Học lại có suy nghĩ hoàn toàn khác: “Hiến máu không gây hại cũng không mất nhiều thời gian. Sau mỗi lần hiến máu tôi cảm thấy lạc quan, yêu đời hơn vì đã làm được một việc có ích cho những người bệnh đang cần được truyền máu để có thể tiếp tục duy trì sự sống”. Sau lần hiến máu ở Bệnh viện Bạch Mai, anh Học đã tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến hiến máu nhân đạo, tác dụng của việc hiến máu đối với sức khỏe, ý nghĩa xã hội của việc hiến máu... Và càng tìm hiểu, anh càng cảm nhận được ý nghĩa tích cực, nhân văn của việc hiến máu, mong muốn được hiến máu nhiều lần hơn. Đến nay, trung bình mỗi năm anh Học đều đặn tham gia hiến máu từ 3-4 lần. Không chỉ tham gia hiến máu, anh Học còn xung phong hiến tiểu cầu. Theo anh, tham gia hiến tiểu cầu tốt cho sức khoẻ hơn hiến máu toàn phần và có thể hiến được nhiều lần hơn do thời gian các lần hiến tiểu cầu cách nhau ít hơn. Hiến máu toàn phần mỗi lần cách nhau 3 tháng còn hiến tiểu cầu chỉ cần 10 ngày là đã hồi phục đủ cho sức khoẻ. Hơn nữa nhu cầu cần tiểu cầu của người bệnh là rất lớn và tình trạng thiếu tiểu cầu thường xuyên diễn ra tại các bệnh viện. Hành động đẹp của anh đã “truyền lửa” đến nhiều người. Năm nào trong gia đình anh cũng có người tham gia hiến máu nhân đạo. Vợ anh Học, mặc dù sức khỏe không được tốt cũng nhiều lần tự nguyện đăng ký tham gia hiến máu. Trong 4 năm học đại học, anh Học còn vận động được hàng trăm lượt sinh viên tham gia hiến máu. Anh Nguyễn Văn An, đoàn viên thanh niên và cũng là hàng xóm bên cạnh nhà anh Học cho biết: “Thấy anh nhiệt tình như vậy, những người trẻ như chúng tôi cũng được “truyền lửa” theo. Học tập anh, tôi cũng đã nhiều lần tham gia hiến máu”. Hiện tại anh Học đăng ký số điện thoại ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương để mỗi khi các bệnh viện có yêu cầu đột xuất cần máu cứu người, anh luôn sẵn sàng. Kể về lần hiến máu gần đây nhất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, anh Học cho biết: “Hôm đó tôi đang đi công tác tại Ninh Bình thì một người bác họ phải vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, khi ấy bệnh viện lại không có đủ máu để truyền cho bệnh nhân. Được người nhà báo lại, tôi nhanh chóng thu xếp công việc đến bệnh viện và liên hệ để được hiến máu ngay. Bác tôi sau khi được truyền máu và điều trị tích cực sức khỏe đã hồi phục hoàn toàn”. Anh Học còn thường xuyên tham gia hiến máu ở Hà Nội. “Đi làm, đi công tác, đi thăm người ốm, thậm chí đi chơi, biết ở đâu tổ chức hiến máu hoặc bệnh viện nào cần máu, tôi đều đến, không nề hà”. Vừa là người trực tiếp hiến máu, vừa là người tích cực cổ vũ tuyên truyền, vận động mọi người tham gia hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện, anh Trịnh Công Học trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu nhân đạo; được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Tỉnh Hội Chữ thập đỏ… Năm 2019, anh được Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương vinh danh là một trong số 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội. 

Chia tay anh Học, chúng tôi hỏi anh có mong muốn, nhắn nhủ gì không, anh nói: “Nhu cầu máu sử dụng cho cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện rất lớn và thường tăng lên vào mỗi dịp hè, lễ, tết, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, mọi người, nhất là các bạn trẻ, cần hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện. “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”(!). Bản thân tôi luôn xác định, còn sức khỏe thì tôi còn tham gia hiến máu tình nguyện”./. 

Hoa Quyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com