Chuyển biến tích cực trong công tác bình đẳng giới ở Mỹ Lộc

08:10, 20/10/2020

Thực hiện Luật Bình đẳng giới, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mỹ Lộc luôn đẩy mạnh các hoạt động bình đẳng giới với mục tiêu: tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; bảo đảm sự tham gia bình đẳng của nữ giới trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - thông tin…  

Công ty Cổ phần Thương mại Chiềng Mai, xã Mỹ Phúc, tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ.
Công ty Cổ phần Thương mại Chiềng Mai, xã Mỹ Phúc, tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ.

UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình… Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới. Để tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao vị thế, bình đẳng trong lĩnh vực chính trị, hàng năm huyện tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ, thực hiện các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong công tác quản lý, lãnh đạo. Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình về công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ; các ngành và địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, tạo điều kiện, đảm bảo số lượng và chất lượng cán bộ là phụ nữ tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước. Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ 2015 đến tháng 4-2020, ở cấp huyện có 22/60 cán bộ là phụ nữ được quy hoạch tham gia Ban chấp hành Đảng bộ huyện, chiếm tỷ lệ 36,7%; 6/18 nữ được quy hoạch tham gia Ban Thường vụ huyện ủy, chiếm 33,3%. Cán bộ nữ được bổ sung vào quy hoạch các chức danh trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện là 38/23 cơ quan; cấp cơ sở là 66/11 xã, thị trấn. Nhờ làm tốt công tác bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ nữ, từ năm 2016 đến nay, cấp huyện có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng đạt 18%, cấp xã đạt tỷ lệ 16,6%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021 lần lượt là 33% và 20%. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, hàng năm, tổng số người được tạo việc làm mới, huyện luôn bảo đảm cân bằng tỷ lệ giữa nam và nữ (mỗi giới đạt tối thiểu 40%); năm 2020, tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50%. Hội Phụ nữ các cấp tích cực hỗ trợ hội viên nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, chị em được ưu tiên tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn và nhiều chương trình, dự án trang bị kiến thức phát triển kinh tế hộ. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi như: Chị Trần Thị Thủy, xã Mỹ Hà mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang mô hình trang trại nuôi cá trắm đen cho thu nhập cao từ 200-300 triệu đồng/năm. Chị Tạ Thị Trang, xã Mỹ Tân là tấm gương điển hình đại diện cho phụ nữ nghèo vượt khó, thành viên tích cực của TYM. Từ vốn vay TYM hỗ trợ 7 triệu đồng và sự giúp đỡ của anh em, trong 3 năm chị đầu tư trồng 3ha hoa tươi, mỗi năm cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng. Chị Phạm Thị Thoa, thôn Vạn Đồn, thị trấn Mỹ Lộc với mô hình sản xuất mây tre đan xuất khẩu thu nhập ước đạt 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 20-30 lao động địa phương. Trong sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, đội ngũ nữ chủ doanh nghiệp, nữ tiểu thương trong huyện luôn năng động, sáng tạo, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu xã hội để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Nhiều phụ nữ trở thành chủ các doanh nghiệp thành đạt, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, tiêu biểu như các chị: Trần Thị Mơ, chủ doanh nghiệp may công nghiệp Mơ Hưng tại làng Sắc, xã Mỹ Thắng; Trần Thị Thảo, chủ doanh nghiệp may chăn ga gối đệm Thảo Hòa, xã Mỹ Thắng; chị Trần Thị Châm, chủ doanh nghiệp chăn ga gối đệm Châm Đồng, xã Mỹ Thắng. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các chị, em được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con và xây dựng tổ ấm gia đình, hỗ trợ ngăn chặn, phòng ngừa bạo lực gia đình đối với chị em. Đến nay, 100% phụ nữ trên địa bàn được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận với các dịch vụ y tế; tuổi thọ trung bình của phụ nữ trong huyện được nâng lên 76 tuổi. Trên 70% nạn nhân các vụ bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn tâm lý, pháp lý, hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở trợ giúp và trên 70% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình.

Phát huy kết quả đạt được trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, thời gian tới huyện Mỹ Lộc tiếp tục thực hiện các chương trình, lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới với các chương trình kế hoạch của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ và nhân dân; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Quan tâm chính sách đối với nữ trong công tác tổ chức cán bộ. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Tạo điều kiện giúp đỡ phụ nữ được vay các nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ, nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./. 

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com