Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc làm của người lao động. Để vượt khó, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, trong đó có 150 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do giảm nguyên liệu đầu vào, không xuất khẩu được hàng hóa... Doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh dẫn tới doanh thu giảm sâu, không có tiền trả lương buộc phải thỏa thuận với người lao động để tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Trong 150 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, có 9 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động với tổng số trên 2.600 lao động bị ngừng, chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó 270 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Như Công ty Dệt Chentai miền Bắc, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) chuyên sản xuất hàng dệt, dây giày xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước châu Âu. Trước khi có dịch COVID-19, Công ty có gần 700 công nhân với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Khi dịch COVID-19 bùng phát, Công ty chịu ảnh hưởng nặng nề, do hàng hóa không xuất khẩu được, sản phẩm tồn kho nhiều dẫn tới doanh thu giảm sâu. Để duy trì sản xuất, Công ty buộc phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Theo lãnh đạo Công ty cho biết, từ khi thành lập đến nay, chưa khi nào Công ty chịu ảnh hưởng nặng nề như trận dịch này, khiến một số lượng lớn công nhân phải nghỉ việc. Công ty rất muốn công nhân gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nhưng nếu giữ công nhân lại Công ty sẽ không bảo đảm các điều kiện về việc làm, mức lương và các khoản phụ cấp cho người lao động.
Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam (Khu công nghiệp Bảo Minh, Vụ Bản) trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. |
Bên cạnh các doanh nghiệp ngành dược phẩm, doanh nghiệp FDI sản xuất hàng may mặc xuất khẩu hoạt động tương đối ổn định thì các doanh nghiệp ngành cơ khí, chế biến lâm sản, thực phẩm, sản xuất nhựa gia dụng, dệt sợi… gặp nhiều khó khăn. Qua khảo sát, trong các khu công nghiệp của tỉnh, có 34,7% số doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động do gặp khó khăn về thị trường, sụt giảm hoặc không có đơn hàng chiếm 22,8%, khó khăn về nguyên liệu đầu vào chiếm 5%; số doanh nghiệp chưa hoặc ít gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 chiếm trên 65%. Trước khó khăn do tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã cân nhắc, tính toán để đưa ra giải pháp ứng phó. Trong khi một số doanh nghiệp chọn giải pháp cắt giảm lao động nhằm giảm bớt chi phí, xác định nguy cơ thiếu hụt lao động trở lại thì nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực giữ chân người lao động. Thời gian qua, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với Công đoàn các khu công nghiệp thường xuyên phổ biến, hướng dẫn, tư vấn pháp luật lao động, công đoàn, BHXH cho doanh nghiệp, người lao động; phối hợp rà soát, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật đối với công nhân lao động. Từ đầu năm 2020 đến nay, do thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên trên địa bàn các khu công nghiệp quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ổn định, không xảy ra vụ ngừng việc, phản ứng tập thể. Các doanh nghiệp đã thực hiện tốt mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng dẫn đến cắt giảm công nhân lao động bằng nhiều hình thức như: chấm dứt hợp đồng lao động với những người hết hạn hợp đồng, không ký hợp đồng chính thức với những lao động đang trong giai đoạn học việc, nghỉ luân phiên, hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động… chủ doanh nghiệp và người lao động đều đã thỏa thuận về việc chấm dứt hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Một số doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động trong suốt thời gian nghỉ việc như Công ty Dệt Chentai miền Bắc hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, Công ty May YSS hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng… góp phần giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong cuộc sống do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của người lao động, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với Công đoàn các khu công nghiệp thường xuyên nắm bắt thông tin hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời làm việc, hướng dẫn, theo dõi các doanh nghiệp thực hiện việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc theo quy định hiện hành. Đối với các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo thời gian báo trước và thanh toán đầy đủ các quyền lợi theo quy định cho công nhân. Đối với các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động, Công đoàn các khu công nghiệp đề nghị doanh nghiệp có biện pháp hỗ trợ người lao động, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện; khảo sát đối tượng được hưởng trợ cấp từ nguồn của LĐLĐ tỉnh theo Quyết định 643/QĐ-TLĐ ngày 22-5-2020 của Tổng Liên đoàn về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay các đơn vị đã lập danh sách đề nghị hỗ trợ 130 đoàn viên công nhân lao động khó khăn; vận động cán bộ chuyên trách Công đoàn ủng hộ mỗi tháng 1 ngày lương, trong 3 tháng (6, 7, 8) nộp về quỹ xã hội của LĐLĐ tỉnh để thăm hỏi động viên CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chỉ đạo các công đoàn cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh và tập trung cao cho lao động sản xuất để sớm khôi phục sản xuất như trước dịch bệnh. Bên cạnh đó, Công đoàn các khu công nghiệp đã tổ chức trao quà cho 66 công nhân có hoàn cảnh khó khăn (gồm 16 suất của LĐLĐ tỉnh và 50 suất của Công đoàn các khu công nghiệp) trị giá 29,6 triệu đồng. Các công đoàn cơ sở trao tặng 251 suất quà với tổng giá trị 185 triệu đồng cho đoàn viên, công nhân lao động. Ban nữ công cơ sở khu công nghiệp tham mưu cho các công đoàn cơ sở phối hợp cùng chuyên môn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng 136 suất quà cho nữ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và các cháu con công nhân lao động vượt khó vươn lên học giỏi với số tiền 41,2 triệu đồng...
Thời gian tới, tổ chức công đoàn và cơ quan quản lý lao động địa phương thường xuyên phối hợp giám sát chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện pháp luật lao động, BHXH, chế độ chính sách đối với công nhân lao động, nhất là hợp đồng lao động, tiền lương, phúc lợi. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng người lao động nước ngoài là lãnh đạo chủ chốt, chuyên gia của các doanh nghiệp được sớm trở lại Việt Nam để làm việc, giúp cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại có hiệu quả./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh