Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 587 bếp ăn tại 338 trường học, chưa tính nhóm trẻ, lớp trẻ tư nhân do cấp xã quản lý. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở giáo dục phục vụ trên 134.550 suất ăn bán trú, từ 1 đến 3 bữa/ngày theo quy định từng trường.
Các cháu Trường Mầm non xã Hải Vân (Hải Hậu) trong giờ học làm quen với thực phẩm an toàn. |
Trước thềm khai giảng năm học mới 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các trường học phối hợp với ngành Y tế và các ngành có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP trong trường học; thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo ATTP; theo dõi và quản lý tốt sức khỏe học sinh. Nhiều trường học tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn kỹ năng đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Các trường học có bếp ăn đều hợp đồng mua thực phẩm của các nhà cung cấp đã được các ngành chức năng thẩm tra hồ sơ năng lực. Bếp được bố trí theo nguyên tắc một chiều, vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng; trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm được sử dụng bằng inox; đồ dùng dụng cụ chế biến thực phẩm sống, chín được bố trí riêng biệt; nước sinh hoạt và nước uống được xét nghiệm định kỳ, duy trì kiểm thực 3 bước. Việc lưu mẫu thức ăn đảm bảo 24/24 giờ, có sổ ghi chép đầy đủ, rõ ràng. Ngoài ra, các trường đều thành lập Ban giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có đại diện cha mẹ học sinh, thường xuyên giám sát chất lượng thực phẩm và việc thực hiện vệ sinh ATTP mỗi bữa ăn. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thường xuyên kiểm tra tại bếp ăn, căng tin của các đơn vị trường học, tập trung vào các trường học có tổ chức ăn nội trú, bán trú cho trẻ em, học sinh, sinh viên, qua đó kịp thời chấn chỉnh sai phạm… Năm học 2019-2020, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra tại 18 bếp ăn tập thể trường học, gồm 6 trường tiểu học và 12 trường mầm non. Kết quả có 12 trường mầm non và 2 trường tiểu học tự nấu, 4 trường tiểu học ký hợp đồng với các công ty chế biến và cung cấp thực phẩm sạch. Các bếp ăn bán trú của các cơ sở giáo dục đều có giấy phép hoạt động, thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ và xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP cho người trực tiếp chế biến thức ăn; chấp hành tốt các quy định về trang bị bảo hộ lao động và vệ sinh cá nhân khi chế biến thực phẩm; thực hành vệ sinh tốt. Bếp ăn bán trú được xây dựng xa môi trường ô nhiễm; thiết kế xây dựng theo nguyên tắc một chiều (83,3%) bảo đảm không nhiễm chéo giữa khu vực thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; 100% bếp ăn có bồn rửa tay, hệ thống cống rãnh kín thoát nước tốt, không bị ứ đọng, bảo đảm vệ sinh. Nhà ăn thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại. Các cơ sở trang bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm cho thực phẩm như: Bàn sơ chế, tủ bảo quản thực phẩm, thùng rác có nắp đậy… Bên cạnh đó, 100% bếp ăn bán trú được kiểm tra có hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm; có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm và xuất trình đầy đủ các phiếu kiểm dịch đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (thịt, trứng). Các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm đều có nhãn mác theo quy định và còn hạn sử dụng. Đa số bếp ăn bán trú nghiêm túc thực hiện ghi chép hồ sơ kiểm thực 3 bước (trước khi chế biến, trong quá trình chế biến, trước khi ăn) và lưu mẫu thức ăn theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cũng phát hiện ở một số bếp ăn vệ sinh bát, thìa, khay chia thức ăn chưa đạt yêu cầu; ý thức thực hành quy định an toàn trong chế biến thực phẩm của một số nhân viên chưa cao, có người không đeo găng tay khi chia suất ăn; thực hiện việc niêm phong mẫu thức ăn chưa đạt yêu cầu (22,2%); không có kho thực phẩm riêng biệt (63%). Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phạt hành chính một trường mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Nam Định về hành vi sử dụng dụng cụ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, phạt tiền 4 triệu đồng.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên tăng cường phối hợp trong công tác kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học. Sở Giáo dục và Đào tiếp tục chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở bếp ăn bán trú để kịp thời khắc phục những tồn tại. Đồng thời, phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức ATTP cho đội ngũ quản lý các trường; triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác ATTP; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về công tác ATTP. Tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên phụ trách bán trú, nhân viên bếp ăn trường học trong toàn tỉnh, kể cả các trường tư thục và nhóm trẻ tư nhân về kiến thức, kỹ năng thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Các đơn vị, trường học phối hợp với ngành Y tế và các ngành có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP trong đơn vị, trường học; để mỗi bữa ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn giúp các em phát triển đầy đủ về thể lực, trí tuệ. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các mối nguy ATTP ở bếp ăn tập thể trường học, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật./.
Bài và ảnh: Minh Tân