Thực hiện xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

08:09, 17/09/2020

Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016-2020” của Bộ GD và ĐT được coi là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ. Sau 5 năm thực hiện chuyên đề, các trường mầm non trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của trẻ.

Một giờ làm quen với góc thư viện của các cháu Trường Mầm non Nam Hùng (Nam Trực).
Một giờ làm quen với góc thư viện của các cháu Trường Mầm non Nam Hùng (Nam Trực).

Toàn tỉnh có 233 trường mầm non. Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, Sở GD và ĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện chuyên đề hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện. Các phòng GD và ĐT, các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề cụ thể. Toàn ngành tích cực tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng môi trường và phối hợp tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên về thực hiện chuyên đề được ngành GD và ĐT triển khai đồng bộ, đa dạng dưới nhiều hình thức. Từ khi triển khai thực hiện chuyên đề đến nay từ cấp sở đến cấp trường đã tổ chức được hàng nghìn lớp tập huấn, hội thảo cho hàng chục nghìn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, tập trung vào các nội dung: Xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục; xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động giáo dục; đánh giá sự phát triển của trẻ; phối hợp với cha mẹ và cộng đồng xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ; tổ chức các hoạt động giáo dục, khai thác, sử dụng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học, hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường. Cùng với đó, Sở GD và ĐT chỉ đạo việc xây dựng mô hình điểm thực hiện chuyên đề tại một số trường bắt đầu từ năm học 2016-2017. Đến nay, chuyên đề được nhân rộng ra 12 trường làm mô hình điểm cấp tỉnh, 70 trường làm mô hình điểm cấp huyện; 100% trường mầm non công lập, 92% cơ sở mầm non tư thục được cấp phép thực hiện chuyên đề. Một số đơn vị điểm điển hình trong triển khai thực hiện chuyên đề như các trường mầm non: Hải Châu, Hải Tân (Hải Hậu); Quất Lâm, Giao Phong (Giao Thủy); Xuân Vinh (Xuân Trường); Mỹ Hà, Họa Mi (Mỹ Lộc); Sao Vàng, Thống Nhất, Hoa Sữa (thành phố Nam Định); Nam Dương (Nam Trực), Nghĩa Trung, Rạng Đông (Nghĩa Hưng)... Trên cơ sở mô hình trường điểm cấp tỉnh và huyện, các trường lựa chọn nhóm, lớp chỉ đạo điểm tại đơn vị bao gồm các nhóm, lớp đại diện cho khối nhà trẻ và khối mẫu giáo. Các lớp điểm xây dựng được môi trường giáo dục trong lớp hợp lý, phong phú, đảm bảo trẻ có thể thể hiện các ý tưởng và không bị gò bó; các học liệu bố trí đa dạng, hấp dẫn, khuyến khích trẻ chơi theo nhiều cách sáng tạo.

Cùng với xây dựng mô hình điểm và nhân rộng, các phòng GD và ĐT, các trường mầm non đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch gọn các điểm trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trường mầm non. Đến nay, diện mạo các trường mầm non đã được thay đổi, cơ sở vật chất được đầu tư, cải thiện theo hướng khai thác, tận dụng tối đa không gian sẵn có cho trẻ hoạt động; bổ sung đồ dùng, đồ chơi tự tạo, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Trẻ được trực tiếp trải nghiệm khám phá, tìm tòi, biết quan sát và lắng nghe; mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia các hoạt động; có các kỹ năng học tập cần thiết tạo nền tảng tốt khi bước vào lớp 1. Hầu hết các trường đều có sân chơi ngoài trời với các thiết bị, đồ chơi ngoài trời bảo đảm an toàn. Nhiều trường có diện tích sân vườn rộng, thiết kế không gian sân trường thành những khu vui chơi ngoài trời đẹp, hấp dẫn dành cho trẻ: sân bóng, góc chơi cát, nước, đồi cỏ, khu chơi với đồ chơi ngoài trời, góc chơi trò chơi dân gian, sân chơi giao thông, tiêu biểu như các trường mầm non: Hải Châu, Hải Tân, Hải Vân, Hải Anh (Hải Hậu); thị trấn Quất Lâm, Giao Thịnh, Giao Phong, Bạch Long (Giao Thủy); Xuân Vinh (Xuân Trường); Mỹ Hà, Mỹ Thành, Họa Mi (Mỹ Lộc); Trực Thắng, Trực Mỹ (Trực Ninh); Sao Vàng, Thống Nhất (thành phố Nam Định)... Điểm đáng chú ý là, các trường đã có nhiều biện pháp sáng tạo, nhất là tập trung vào việc xây dựng và khai thác sử dụng môi trường trong tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm như: Bố trí, sắp xếp lại các khu vực trong trường, nhóm, lớp theo hướng khai thác và tận dụng triệt để không gian sẵn có để tổ chức các hoạt động cho trẻ; xây dựng các khu vực trải nghiệm, các góc thực hành kỹ năng với đồ dùng, đồ chơi, thiết bị mua mới hoặc tận dụng từ nguyên vật liệu phế thải bảo đảm an toàn, đẹp mắt, gắn với thực tế cuộc sống để trẻ được chủ động tham gia, tích cực hoạt động và phát triển kỹ năng...

Sau 5 năm thực hiện chuyên đề, các trường mầm non trong tỉnh đã có môi trường giáo dục về cơ bản đạt yêu cầu, tạo nhiều cơ hội cho trẻ thực hành trải nghiệm. 100% trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt, nhóm lớp tư thục độc lập bước đầu có nhiều chuyển biến về cơ sở vật chất, môi trường giáo dục trong và ngoài lớp đã dần theo hướng mở, chất lượng các hoạt động theo tiêu chí lấy trẻ làm trung tâm cũng tiệm cận đảm bảo yêu cầu. Việc tổ chức các hoạt động giáo dục tại các trường mầm non đã có sự cải thiện, linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, với nhu cầu của trẻ. Trẻ hào hứng, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, ngoại khóa, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy - học, giúp trẻ phát triển theo hướng toàn diện. Chính quyền địa phương, cha mẹ trẻ tin tưởng vào chất lượng chăm sóc giáo dục tại các nhà trường, từ đó có sự ủng hộ, phối kết hợp hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và trường mầm non đạt xanh - sạch - đẹp - an toàn trong các năm học thực hiện chuyên đề tăng nhanh, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường giáo dục, giúp cho các địa phương thực hiện thành công chuyên đề... 

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện chuyên đề còn vấp phải không ít khó khăn: Quy mô trường, lớp tại các khu tập trung dân cư (thành phố, thị trấn...) chưa đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ; một số nơi kinh phí mua sắm thiết bị, đồ dùng học liệu cho giáo viên, học sinh còn hạn hẹp...

Để khắc phục khó khăn, thời gian tới, ngành GD và ĐT tăng cường các điều kiện để tiếp tục thực hiện chuyên đề, thực hiện các giải pháp nhân rộng các điển hình tốt, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo phương châm “học thông qua vui chơi, trải nghiệm”; đặc biệt là phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp mầm non theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đa dạng các mô hình trường học tiên tiến, trường học xanh; bồi dưỡng đội ngũ đảm bảo đáp ứng chuẩn đào tạo, chuẩn chức danh nghề nghiệp và đổi mới trong cấp học mầm non, tạo nền tảng để thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com