Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tích cực với các giải pháp đồng bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng, nâng cao nhận thức, ý thức của người kinh doanh, người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Bảo Minh) thực hiện tốt các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành VSATTP tỉnh, toàn tỉnh hiện có 18.598 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; trong đó: 6.187 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Y tế quản lý; 2.350 cơ sở kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực ngành Công Thương; 10.061 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19-7-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản về phòng, chống ngộ độc thực phẩm, triển khai hoạt động kiểm soát, giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra VSATTP. Công tác VSATTP đã được triển khai kịp thời, thường xuyên, đồng bộ, có hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội lớn của tỉnh và các địa phương. Chi cục ATVSTP đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông về VSATTP, nâng cao nhận thức của chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, cũng như người tiêu dùng. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã kẻ vẽ, treo 694 pa nô, băng rôn, khẩu hiệu; 1.258 tranh cổ động, áp phích; phát 9.250 tờ gấp cho người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; phát 259 đĩa ghi âm, ghi hình tuyên truyền về VSATTP; duy trì chuyên mục VSATTP trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, Đài phát thanh các huyện, thành phố với gần 3.200 buổi phát sóng. Tổ chức 30 hội nghị truyền thông trực tiếp với trên 2.000 người tham dự; tổ chức 49 lớp tập huấn về công tác VSATTP cho hơn 4.100 người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị, các buổi sinh hoạt, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện ATVSTP trong sản xuất và tiêu dùng. Qua đó nâng cao kiến thức, nhận thức, thực hành về VSATTP; phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và thuốc an thần trong giết mổ gia súc… cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng. Các địa phương còn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp ký cam kết thực hiện các quy định đảm bảo ATTP. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ, mô hình sản xuất tốt trong áp dụng quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); mô hình quản lý chất lượng tiên tiến; củng cố, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; mô hình ATTP tại các làng nghề, mô hình kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, mô hình kiểm soát ATTP các bếp ăn tập thể; tổ chức vận động “Phụ nữ cam kết thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”…
Bên cạnh đó, BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh và các cấp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa thực phẩm lưu thông trên thị trường; quản lý chặt chẽ việc tuân thủ các quy định VSATTP. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 358 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP (tuyến tỉnh 7 đoàn, tuyến huyện 19 đoàn, tuyến xã 332 đoàn), tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các loại thực phẩm như: thịt và thực phẩm chế biến từ thịt như giò, chả, xúc xích; rượu... tại các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giám sát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm và các thủ tục hành chính, như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; hồ sơ công bố phù hợp hoặc hợp quy của sản phẩm, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, giấy xác nhận kiến thức về VSATTP; giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Riêng trong thời gian phòng chống dịch bệnh COVID-19, các đoàn tập trung kiểm tra các bếp ăn tập thể đông người tại doanh nghiệp, kết hợp kiểm tra VSATTP lồng ghép với công tác phòng chống dịch COVID-19. Qua kiểm tra, thanh tra tại 2.539 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, có 371 cơ sở vi phạm, trong đó đã xử phạt hành chính 65 cơ sở, với tổng số tiền phạt 246 triệu đồng.
Tết Trung thu đang đến gần! Nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến. Để đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu năm 2020, Chi cục ATVSTP chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm theo các quy định hiện hành; các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm; các quy định về điều kiện vệ sinh nơi bán sản phẩm, quy định về nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, quy định công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, quy định về vệ sinh cá nhân người kinh doanh thực phẩm. Chi cục ATVSTP tổ chức tập huấn kiến thức, cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn; nhằm làm thay đổi nhận thức, hành vi và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATVSTP. Phối hợp kiểm tra giám sát liên ngành về VSATTP; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tại các chợ, hàng quán; tăng cường công tác thẩm định, rà soát trước khi cấp phép kinh doanh thực phẩm, kể cả thực phẩm bán trên mạng xã hội. Mỗi người dân cần tự trang bị nâng cao kiến thức về thực phẩm an toàn, trở thành người tiêu dùng thông thái để bảo vệ chính bản thân và gia đình./.
Bài và ảnh: Minh Tân