Trở về Nam Trực trong những ngày kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi cảm nhận rõ sự chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất và người nơi đây.
Nông dân xã Điền Xá (Nam Trực) chăm sóc cây cảnh. |
Nằm ở vị trí chiến lược, có tuyến đường huyết mạch nối thành phố Nam Định với các huyện phía nam tỉnh nên huyện Nam Trực là trọng điểm bắn phá bị giặc xây dựng vành đai kìm kẹp, o ép cách mạng của chúng. Trước sự đàn áp, bóc lột dã man của thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Nam Trực đã sớm giác ngộ cách mạng, không ngại gian khổ, hy sinh, một lòng theo Đảng, kiên cường đấu tranh. Theo sử sách còn ghi, từ năm 1858, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Vua Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các sĩ phu. Tại huyện Nam Chân (Nam Trực xưa) dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi (người thôn Giao Cù, xã Đồng Sơn) đã tập hợp đông đảo các văn thân, sĩ phu yêu nước và chiêu mộ gần 2.000 trai tráng trong vùng tham gia kháng chiến. Đây là những điều kiện quan trọng để phong trào cách mạng tại địa phương phát triển. Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Trực, tháng 5-1945, sau hội nghị của Ban Cán sự Đảng tỉnh nghiên cứu nghị quyết hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng và Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhiều tổ chức Việt Minh đã được thành lập tại các địa phương trong huyện Nam Trực như: Hưng Đễ (Nam Hoa), Duyên Hưng (Nam Lợi), Tương Nam (Nam Thanh). Các tổ chức Việt Minh ở huyện Nam Trực tập trung đi sâu tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho đội ngũ thanh niên về Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và giao nhiệm vụ cho các cơ sở khẩn trương khởi nghĩa. Kể từ thời điểm đó nhân dân trong huyện dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng và các tổ đội Việt Minh khẩn trương xây dựng lực lượng tự vệ, mua sắm vũ khí đạn dược, sục sôi chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Bất chấp sự rình rập, kiềm toả của phát xít Nhật, các hoạt động phát tán sách báo của Đảng, truyền đơn, tuyên truyền xung phong, mít tinh, biểu tình vạch tội ác phát xít Nhật và tay sai, kêu gọi mọi người tham gia Mặt trận Việt Minh để đánh đổ phát xít được nhân dân trong huyện truyền tay, rỉ tai nhau cùng thực hiện. Đặc biệt, tại đình làng Hưng Đễ xã Nam Hoa, Đội Tuyên truyền xung phong của tỉnh do đồng chí Minh Vân làm đội trưởng hoạt động rất tích cực với nhiều hình thức như mít tinh có bắn súng, đốt pháo, trương cờ đỏ sao vàng, phát tán truyền đơn và diễn thuyết liên tiếp được tổ chức để giác ngộ tinh thần nhân dân chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa. Noi gương Đội Tuyên truyền xung phong, các xã trong huyện cũng tranh thủ các buổi họp chợ để tổ chức diễn thuyết, nói rõ nỗi thống khổ của nhân dân và nạn đói là do Nhật gây ra, kêu gọi nhân dân tham gia và ủng hộ Việt Minh cứu nước. Những cuộc diễn thuyết trên thu hút hàng trăm người đến dự. Được tham dự các buổi diễn thuyết của tổ chức dưới cờ đỏ sao vàng, có bắn súng, có tài liệu đã gây hưng phấn trong nhiều quần chúng. Được lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn tỉnh của Ban Cán sự Đảng, đúng 8 giờ sáng ngày 18-8-1945, lực lượng tự vệ và thanh niên Cứu quốc dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, các đoàn thể cứu quốc, tự vệ chiến đấu quần chúng nhân dân huyện Nam Trực tay cầm gậy gộc, giáo mác, cờ đỏ sao vàng hòa cùng đoàn quân cách mạng của các địa phương khác kéo về trung tâm huyện tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Hoảng sợ trước khí thế cách mạng sục sôi của quần chúng nhân dân, tri huyện Đặng Văn Cận cho lính hạ vũ khí đầu hàng vào lúc 10 giờ trưa. Bộ máy chính quyền thực dân phong kiến ở huyện Nam Trực đã bị đập tan, chính quyền dân chủ nhân dân đã ra đời. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Trực thắng lợi không mất đi đạn dược, không bị tổn thất xương máu. Đảng bộ, nhân dân Nam Trực tự hào về những đóng góp của mình trong Cách mạng Tháng Tám, từ đó viết tiếp những trang sử vàng chói lọi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc, đưa cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
Phát huy tinh thần yêu nước với truyền thống cách mạng của quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Trực đã không ngừng nỗ lực, vươn lên trong mọi lĩnh vực, người dân tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thi đua thực hiện các phong trào địa phương. Cùng sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự phát triển kinh tế của người dân địa phương và sự năng động trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 12%/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh; thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 12,4%/năm. Nam Trực trở thành huyện nằm trong tốp đầu của tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; có tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ đứng thứ 2 của tỉnh (chỉ sau thành phố Nam Định) với 3 ngành chủ lực: cơ khí, dệt may - da giầy và sản xuất vật liệu xây dựng. Nhiều sản phẩm làng nghề của huyện nổi tiếng toàn quốc như cơ khí Vân Chàng, Đồng Côi; đúc gang Nam Thanh; làm hoa nhựa, đồ chơi trẻ em Báo Đáp, cây cảnh Vị Khê… Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa; xây dựng mô hình cánh đồng lớn; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha canh tác đạt 130 triệu đồng. Toàn huyện đã hình thành được 3 vùng sản xuất nông nghiệp chính là: vùng chuyên trồng lúa trên 8.300ha; vùng đất bãi bồi ven sông Hồng và sông Đào trên 300ha và đất chuyên màu trên 1.200ha với 45 cánh đồng lớn với quy mô 2.800ha chuyên sản xuất lúa, cây màu hàng hóa; 19 trang trại và là nơi đứng chân của nhiều đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về chăn nuôi và trồng trọt như: Trung tâm giống gia súc (Sở NN và PTNT) tại xã Nam Cường; Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tại xã Tân Thịnh nghiên cứu và phát triển giống lúa lai Syngenta với quy mô 4ha. Đây là cơ sở tạo thế và lực cho huyện tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị quan tâm, tổ chức thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ trước kế hoạch đề ra. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang được triển khai hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 70 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,7%. Cụ Nguyễn Thị Thìn, xã Đồng Sơn, người đã tham gia đội quân cướp chính quyền năm xưa, rồi tham gia tiêu thổ kháng chiến, góp vàng, góp tiền mua vũ khí, trang bị cho lực lượng dân quân du kích xã năm nay đã gần 90 tuổi bồi hồi cảm động: Trước Cách mạng Tháng Tám, cũng như người dân cả huyện, người dân xã Đồng Sơn cơ cực, lầm than. Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân đứng lên làm chủ cuộc sống của mình. Dưới ánh sáng của Đảng, quê hương có nhiều đổi thay, đời sống no ấm, người dân thêm tin tưởng vào công cuộc đổi mới. Không chỉ cụ Thìn, tất cả người dân Nam Trực và đặc biệt là những ai xa quê trở lại đều nhận thấy quê hương lam lũ, nghèo đói xưa kia không còn nữa, thay vào đó là một vùng quê đang vững bước trên đường đổi mới, càng tự hào, vững tin hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương