Địa bàn xã Hải Ninh (Hải Hậu) có nhiều sông nhỏ nên thuận lợi cho phát triển nuôi thủy sản. Đây cũng là một vùng đất màu mỡ, thích hợp để trồng các loại cây ngắn ngày mang lại hiệu quả thu nhập cao. Phát huy lợi thế. Những năm qua, Đảng bộ xã Hải Ninh đã tập trung lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của nhân dân.
Mô hình phát triển trồng cây dược liệu đinh lăng của ông Nguyễn Văn Khẩn, xóm 4, xã Hải Ninh đã tạo việc làm cho hơn 20 hộ gia đình với hiệu quả thu nhập cao. |
Đảng ủy xã Hải Ninh đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. UBND xã, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế. Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế ở địa phương, Đảng ủy xã phân công các đồng chí đảng ủy viên hàng tháng về dự sinh hoạt cùng chi bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế. Bám sát vào nghị quyết phát triển kinh tế của đảng ủy, các chi bộ, đảng viên trong xã nêu cao tinh thần, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi phát triển kinh tế, vận động người dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao thu nhập bằng cách tham gia xuất khẩu lao động, duy trì và mở rộng ngành nghề dịch vụ tiểu thủ công nghiệp... Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, từ những năm 2000, xã Hải Ninh đã chuyển đổi 50ha đất trồng lúa sang nuôi thủy sản. Điển hình như ông Nguyễn Văn Tân, đảng viên chi bộ xóm 7, đã tập trung phát triển mô hình nuôi ếch Thái Lan đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Tân chia sẻ, qua những lần thăm quan các mô hình phát triển kinh tế trong huyện và các địa phương, ông nhận thấy mô hình nuôi ếch Thái Lan cho hiệu quả khá cao. Nhưng quá trình nuôi do kinh nghiệm chưa có nên hiệu quả đạt thấp. Sau vài lần thất bại, ông dành thời gian đi tìm hiểu các mô hình nuôi ếch. Ham học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, gần một năm sau, mô hình nuôi ếch của gia đình ông có chuyển biến tích cực. Số lượng ếch của gia đình ông tăng lên từ vài nghìn lên đến khoảng 30 vạn con, bao gồm cả ếch thịt và ếch giống. Cũng theo ông Tân, hiện tại ông chuyên cung cấp ếch giống cho 50 hộ chăn nuôi ếch trên địa bàn xã Hải Ninh cũng như một số xã lân cận. Với kinh nghiệm gần 10 năm sản xuất ếch giống, ôn Tân đã liên kết các hộ trong xã tương trợ nhau trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi ếch, cung ứng con giống, thức ăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Đảng ủy, UBND xã đã giao cho Hội Nông dân xã thành lập câu lạc bộ (CLB) nuôi ếch Thái Lan xã Hải Ninh. Hiện nay, CLB đã thu hút 50 hộ nuôi ếch tại địa phương tham gia. Hiện nay, nhu cầu thịt ếch trên thị trường ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu nên thị trường tiêu thụ khá ổn định. Nhiều hộ thu lãi từ 60-100 triệu đồng/năm, tiêu biểu như hộ các ông Phạm Văn Tĩnh, Cao Văn Trường, bà Vũ Thị Hưng…
Còn với ông Nguyễn Văn Khẩn, đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ 4, xã Hải Ninh đã có gần 20 năm phát triển mô hình trồng cây đinh lăng để làm dược liệu. Để phát triển sản xuất, năm 2019, ông thành lập HTX chuyên mua bán và sơ chế dược liệu từ cây đinh lăng, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các công ty sản xuất dược phẩm trong nước, trong đó cung cấp lớn nhất cho Công ty Cổ phần Traphaco. HTX đang tạo việc làm cho 20 lao động địa phương (chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cô đơn, gia đình chính sách), với thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện HTX đã liên kết với các vùng cây đinh lăng trên địa bàn xã và các vùng lân cận với tổng diện tích 100ha; sản lượng thu hoạch đạt 150-300 tấn khô/năm; 18 nghìn tấn tươi/năm. Năm 2020, ông Khẩn đã đăng ký sản phẩm OCOP và được các cấp, các ngành đánh giá cao. Nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh, xã cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp để hỗ trợ hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn xã có 133,5 tỷ đồng, trong đó, dư nợ từ Ngân hành Chính sách xã hội có trên 14,5 tỷ đồng; Ngân hàng NN và PTNT với dư nợ 25 tỷ đồng; Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Ninh - Châu trên 94 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 1.000 lượt hộ vay phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, để hỗ trợ nông dân trong đợt chăn nuôi do bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi năm 2019, xã đã phối hợp với cơ quan chức năng chi trả hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi 4 đợt với tổng giá trị 4,162 tỷ đồng; chi trả hỗ trợ nhóm đối tượng người có công, thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo, hộ nghèo do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 năm 2020 với tổng số tiền 1,027 tỷ đồng đảm bảo công khai, minh bạch đúng quy định.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên theo định hướng “xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm” 5 năm qua, cơ cấu kinh tế của Hải Ninh tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 120 triệu đồng/ha/năm. Thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn tăng bình quân 5% so với dự toán huyện giao. Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 86,1%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS thi vào THPT và học nghề đạt 90%. Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), với phương châm “làm từ đồng về làng, từ làng lên xã”, “dân lo công trình của dân, xóm lo công trình của xóm, xã lo công trình của xã”, đến nay, Hải Ninh đã hoàn thành nâng cấp 1.880m đường trục xã; mở rộng các tuyến đường với chiều dài 935m; xây dựng bê tông hóa 3.961m đường giao thông thôn xóm, 3.868m đường nội đồng, 2.609m rãnh thoát nước trong khu dân cư với tổng vốn đầu tư 6,375 tỷ đồng, nguồn vốn do nhân dân đóng góp. Năm 2017, 19/19 xóm đã được UBND huyện công nhận đạt xóm NTM bền vững và phát triển. Hiện nay, riêng xóm 10 cơ bản đạt xóm NTM kiểu mẫu; các xóm còn lại đang tiếp tục triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu. Chương trình “sáng hóa nông thôn” tiếp tục được duy trì và phát triển ngày càng nhiều với hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng cột đúc, đèn LED, lắp đặt tại các khu trung tâm đường trục xã, đường liên xóm và ở các đường dong xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân đồng thời góp phần vào công tác giữ gìn trật tự an ninh của địa phương. Xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan thực hiện các bước giải phóng mặt bằng xây dựng khu tái định cư phục vụ xây dựng nhà máy nhiệt điện Nam Định. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thu được nhiều kết quả. Toàn xã đã có 95% gia đình văn hóa, 19/19 xóm đạt danh hiệu làng văn hóa. Sự nghiệp giáo dục, y tế, các hoạt động xã hội được quan tâm và có nhiều tiến bộ mới. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, vai trò của các chi bộ được phát huy. Đảng bộ xã được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn