Thời gian qua, Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động phối hợp, xét duyệt và hoàn thành chế độ chính sách đối với cựu TNXP tham gia kháng chiến giúp các hội viên giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Hội Cựu TNXP tỉnh thăm hỏi, động viên hội viên cựu TNXP huyện Hải Hậu. |
Được tổ chức Hội Cựu TNXP giúp đỡ hướng dẫn các thủ tục, thẩm định, xét duyệt hồ sơ, cuối năm 2019, bà Đỗ Thị Thất, phường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định) là vợ của cựu TNXP Lưu Quốc Bảo (đã từ trần) được nhận trợ cấp 1 lần là 3,6 triệu đồng. Bà Thất chia sẻ “Tuy ông nhà tôi đã mất nhưng gia đình vẫn được các cấp Hội quan tâm, giúp đỡ, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục để hưởng chế độ. Chúng tôi rất cảm động với chính sách của Đảng, Nhà nước và những nghĩa cử mà Hội Cựu TNXP đã dành cho gia đình”. Năm 1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cựu TNXP Trần Thị Thu (SN 1951), đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định) viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và được phân về đơn vị B64TD572, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Khắc ghi khẩu hiệu “Sống bám đường, bám cầu, chết kiên cường dũng cảm”, bà cùng với các đồng đội vừa dũng cảm chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu. Năm 1974, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương người chiến sĩ TNXP mang theo trong mình nhiều di chứng chiến tranh: mắt ngày càng mờ, tai hay ù và bị vọng tiếng. Nhằm chia sẻ, giúp đỡ bà Thu, từ năm 2015, Hội Cựu TNXP thành phố Nam Định đã lập hồ sơ đề nghị cho bà được hưởng trợ cấp 1 lần. Còn với cựu TNXP Nguyễn Viết Khuyến, xã Giao Nhân (Giao Thủy) vẫn chưa hết xúc động nói: “Cuối năm 2019, tôi được Hội Cựu TNXP các cấp hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp 1 lần. Quá trình làm hồ sơ, xin xác nhận của các cơ quan, đơn vị diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Đến nay tôi đã lĩnh được số tiền trợ cấp 2,5 triệu đồng. Đó là sự tri ân, quan tâm, động viên của Đảng, Nhà nước, các cấp Hội đối với hội viên khiến chúng tôi rất phấn khởi”.
Xác định, giải quyết chế độ chính sách đối với cựu TNXP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức Hội là chỗ dựa cho hội viên và là nhân chứng lịch sử để giải quyết các chính sách tồn đọng đối với cựu TNXP, Hội Cựu TNXP các cấp đã hướng dẫn, giúp các hội viên hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến nhưng chưa được hưởng chế độ, lập hồ sơ để được xem xét hưởng trợ cấp theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Những tháng đầu năm 2020, Hội Cựu TNXP tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng thẩm định, xét duyệt 39 trường hợp, nâng tổng số hội viên được hưởng chế độ trong toàn tỉnh là 3.432 trường hợp; trong đó có 111 hội viên được trợ cấp hàng tháng, 2.052 hội viên được trợ cấp 1 lần, trợ cấp thân nhân của TNXP đã từ trần là 1.269 trường hợp. Số hội viên đã xét duyệt được hưởng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 175 trường hợp, nâng tổng số hội viên được hưởng đến nay là 507 trường hợp… Tuy nhiên, do nhiều lý do, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cựu TNXP vẫn chưa được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước. Toàn tỉnh hiện còn tồn đọng 508 hồ sơ thương binh đã được giám định thương tật nhưng chưa được giải quyết theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2017 của Bộ LĐ-TB và XH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công (hồ sơ thương tật đã giám định) được xác minh; còn 372 hồ sơ bao gồm trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần và trợ cấp của thân nhân TNXP đã từ trần theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; còn 378 hồ sơ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Nguyên nhân do thời gian cựu TNXP về quê hương đã quá lâu, không còn giấy tờ gốc, yêu cầu trong hồ sơ phải có giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi cư trú trước khi tham gia, trong khi nhiều cựu TNXP đã di chuyển nơi ở, nhiều người đi làm ăn xa đã lâu nên việc đi lại xác minh gặp khó khăn. Ngoài ra, hiện còn một số đơn vị TNXP chưa được công nhận phiên hiệu và một số đơn vị chưa xác định được có phải là đơn vị TNXP hay không nên khó khăn trong việc xác minh, xác nhận. Các trường hợp TNXP đề nghị xét hưởng chế độ đa số đã già yếu, trí nhớ kém nên kê khai không rõ ràng…
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, thẩm định giải quyết chế độ đối với cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Đối với những người kê khai là cựu TNXP mà chưa được giải quyết chế độ, Hội Cựu TNXP tỉnh chỉ đạo các cấp Hội cơ sở rà soát, hướng dẫn làm hồ sơ; chủ động kết nối với các cựu TNXP là nhân chứng lịch sử và chính quyền địa phương để xác minh các trường hợp có phải là cựu TNXP hay không; phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên và gia đình cựu TNXP đã từ trần kê khai hồ sơ, xác minh, xác nhận không để xảy ra sai sót, đảm bảo các cựu TNXP có đủ tiêu chuẩn điều kiện được xem xét để hưởng chế độ chính sách của Nhà nước theo quy định./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên