Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

07:09, 25/09/2020

Xác định vai trò quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ, những năm qua, tỉnh ta đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).

Nhà máy Bảo Linh 5 (Công ty cổ phần Bảo Linh) xã Minh Tân (Vụ Bản) tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.  Bài và ảnh: Viết Dư
Nhà máy Bảo Linh 5 (Công ty cổ phần Bảo Linh) xã Minh Tân (Vụ Bản) tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Triển khai đồng bộ

Tỉnh ta có hơn 1,8 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 58,5% dân số. Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động, UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB và XH thường xuyên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, Trung tâm VH, TT và TT các huyện… tuyên truyền nội dung của Đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho trên 1.500 nghìn người là chi hội trưởng chi Hội Nông dân, chi Hội Phụ nữ thôn, xóm ở các huyện. Sở LĐ-TB và XH phát hành 4.800 cuốn Bản tin Việc làm - Dạy nghề, trên 120 nghìn tờ rơi, hơn 2.000 cuốn sách “Hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định” tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về lĩnh vực dạy nghề và việc làm. 

Hệ thống cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ngày càng phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sở GDNN, gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 12 cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Trong đó có 2 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp công lập thuộc tỉnh quản lý. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề ở tỉnh ta luôn được quan tâm bổ sung cả số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 2.175 giáo viên, cán bộ quản lý công tác dạy nghề; trong đó trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 27,35%, trình độ đại học chiếm 39,72%; 100% nhà giáo có nghiệp vụ sư phạm; 35,3% có trình độ kỹ năng nghề; trên 80% đảm bảo trình độ ngoại ngữ, tin học. Các cơ sở hiện đào tạo trên 110 ngành nghề với quy mô đào tạo bình quân 34 nghìn người/năm; trong đó các ngành, lĩnh vực: nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 36,54%; Công nghiệp chiếm 39,82%; Thương mại - Du lịch chiếm 23,64%. Những năm gần đây, công tác xã hội hóa GDNN có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đào tạo nghề cho lao động địa phương với nhiều ngành nghề, nhiều phương thức phù hợp với nhu cầu của người lao động trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 9 cơ sở dạy nghề ngoài công lập (tăng 6 cơ sở so với năm 2011), trong đó 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 3 trung tâm, 3 doanh nghiệp với quy mô đào tạo hơn 4.000 người/năm. Bên cạnh đó, bình quân mỗi năm có khoảng trên 60 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên phối hợp với các cơ sở GDNN đào tạo nghề cho LĐNT và cam kết nhận học viên sau tốt nghiệp vào làm tại doanh nghiệp. Như: Công ty TNHH May mặc Smartshirts, Công ty TNHH May Phúc Hằng..., bình quân hàng năm tham gia đào tạo 4.000-5.000 lao động. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, năm 2019, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đào tạo 34.284 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã tuyển sinh 16.544 người, đạt 47% kế hoạch. Dự kiến năm 2020, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tuyển mới 35.200 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 46%; tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm ổn định đạt trên 85%, với mức thu nhập trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Trong công tác giải quyết việc làm, theo thống kê hàng năm, học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Hiệu quả liên kết “3 nhà” trong dạy nghề cho LĐNT

Thời gian qua, mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông, nhà trường, doanh nghiệp) ở tỉnh ta phát huy hiệu quả và khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh, qua đó từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề. Huyện Hải Hậu được đánh giá là một trong những đơn vị triển khai thành công đề án dạy nghề của tỉnh. Qua khảo sát nhu cầu học nghề thực tế cho thấy người lao động ở các xã ven biển muốn học nghề dệt lưới; người dân ở các xã vùng nội đồng muốn học dệt cói xuất khẩu, móc sợi, trồng nấm, nghề mộc... Riêng nghề may, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có người có nhu cầu học. Với đặc thù lao động ở khu vực nông thôn đa dạng từ đối tượng, độ tuổi tới khả năng tiếp thu, điều kiện học tập nên việc tổ chức dạy nghề theo hình thức tập trung hiệu quả không cao. Để khắc phục những vấn đề phát sinh, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó hàn điện, máy công nghiệp, đan, thêu, móc là các nghề thị trường lao động có nhu cầu cao; tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn khu dân cư, dạy nghề gắn với sản xuất, vừa học vừa làm; do đó, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên có năng lực quản lý sau khi học nghề mạnh dạn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động khác. Xã Hải Đường có trên 13 nghìn dân, trong đó có 6.000 người trong độ tuổi lao động nên việc chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân là điều cấp thiết. Để đạt mục tiêu này, chính quyền xã tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu để dạy nghề cho người lao động. Sau khi được đào tạo, một số gia đình trong xã đã đầu tư máy móc, mở xưởng may gia công, thêu ren thu hút gần 150 lao động. Nằm trên địa bàn xã Trực Tuấn (Trực Ninh), doanh nghiệp tư nhân Cao Cường từ lâu đã làm tốt công tác phối hợp dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT. Doanh nghiệp đã phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định cùng chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan, bẹ chuối, may công nghiệp; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp dạy nghề cho lao động của các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy. Với phương châm đào tạo nghề có định hướng theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, học viên sau đào tạo có tay nghề vững, nhanh chóng tiếp cận bắt nhịp với công việc. Trong khi nhiều doanh nghiệp khác “lao đao” thiếu đơn hàng thì doanh nghiệp Cao Cường vẫn đảm bảo sản xuất và có thêm nhiều hợp đồng dài hạn nhờ nguồn lao động chất lượng cao. Cùng với việc dạy nghề, những năm qua doanh nghiệp đã huy động vốn đầu tư mở rộng nhà xưởng, tổ chức sản xuất thêm các sản phẩm may mặc, tạo thêm việc làm cho lao động nông nhàn. Hoạt động thu mua bẹ chuối, bèo tây của doanh nghiệp cũng gián tiếp tạo việc làm cho nhiều LĐNT khác trên địa bàn. 

Thực tế cho thấy, sau khi học nghề, người lao động đã trang bị thêm kiến thức giúp tăng hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Gia đình anh Trần Văn Hùng, ở thôn Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận (Vụ Bản) trước đây thuộc hộ cận nghèo. Sau khi tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, anh Hùng đã phát triển mô hình trồng quất cảnh cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Sơn ở huyện Giao Thuỷ trước khi học nghề chỉ làm ruộng, thu nhập không đủ chi tiêu, đời sống gia đình khó khăn. Sau khi được tư vấn đăng ký học nghề cơ khí hàn điện tại Trung tâm dạy nghề Hồng Hà (Giao Thủy), đời sống của gia đình ông đã dần ổn định với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 3,8 triệu đồng/tháng. Anh Phạm Như Đăng (41 tuổi) là người khuyết tật, sau khi học nghề mộc dân dụng tại Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định) đã có việc làm ổn định tại cơ sở mộc với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT, thời gian tới cùng với việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về việc học nghề là điều kiện để có việc làm, giảm nghèo bền vững, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tích cực tư vấn, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo cơ hội có việc làm, tăng thu nhập của LĐNT. Tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu tổ chức đào tạo nghề đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người lao động. Phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và thiết bị theo ngành, nghề đào tạo… Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 1956 gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Viết Dư



Tin đăng tuyen dung an giang tại Vieclam24hDanh sách việc làm hà nội uy tín

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com