Theo tin từ Bộ Y tế, đến ngày 15-9 là 13 ngày liên tiếp trên cả nước không xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Ở các tâm điểm dịch phức tạp đợt 2 như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Hà Nội thông tin cũng ngày càng tích cực hơn. Các hoạt động kinh tế - xã hội đang từng bước được khôi phục trạng thái bình thường, triển khai các hoạt động theo các biện pháp thích ứng, phù hợp.
Tại tỉnh ta cho đến ngày 15-9 chỉ ghi nhận 8 trường hợp bệnh nhân COVID-19, trong đó chữa khỏi, đã ra viện 7 ca, 1 ca là trường hợp bệnh nhân đang mang thai nên được chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung và Khách sạn Hồi An một số lượng đối tượng không nhỏ bao gồm cả người đi đến từ vùng có dịch ở trong nước, người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch vào Việt Nam; người nhập cảnh theo đường biển tại các khu vực cảng biển; tư vấn quản lý thực hiện cách ly y tế tại nhà cho 10.615 trường hợp liên quan đến ổ dịch thành phố Đà Nẵng... song việc cách ly đều đảm bảo theo các quy định an toàn phòng dịch, chưa xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là một thành công đáng kể trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh; khẳng định hiệu quả, hiệu lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các giải pháp phòng chống dịch của các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh thời gian qua.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong làn sóng thứ 2 trên toàn cầu khá phức tạp. Ở nhiều quốc gia ngay sau khi nới lỏng các biện pháp chống dịch thì tình hình lây nhiễm dịch phức tạp trở lại, có quốc gia vừa thực hiện nới lỏng biện pháp phòng dịch đã phải siết chặt trở lại, phòng ngừa bùng phát dịch trên diện rộng. Một số quốc gia đã thông báo việc đưa vaccine phòng COVID-19 vào sử dụng nhưng chưa rõ về thời gian và số lượng.
Tại cuộc họp ngày 15-9 của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh, đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đã nhấn mạnh: Cần hết sức tránh tư tưởng chủ quan trong công tác phòng dịch. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo các ngành yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn theo quy định khi đến nơi đông người… song trên thực tế quan sát tại khu vực cổng vào một số bệnh viện, trường học và nhiều điểm công cộng… cho thấy việc chấp hành chưa thực sự nghiêm túc. Thực tế này cho thấy tâm lý chủ quan, lơ là trong thực hiện phòng chống dịch, không đảm bảo an toàn để thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo các ngành phải chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành ở cơ sở để chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lơ là, chủ quan. Ngành Y tế phải quán triệt chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm túc việc giảm tải số lượng người không cần thiết (chăm sóc, thăm hỏi) đến bệnh viện, thực hiện nghiêm các quy tắc phòng dịch. Kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế nhanh, sát khuẩn ngay từ cổng bệnh viện, đeo khẩu trang, đảm bảo an toàn mới cho vào bên trong. Nếu không làm tốt việc ngăn chặn sàng lọc ngay từ cổng, để lọt người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vào bệnh viện dẫn đến phải phong tỏa cơ sở khám chữa bệnh thì sẽ tác động lớn đến cả cộng đồng.
Vừa qua ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tổ chức tốt Lễ khai giảng năm học mới đảm bảo các quy định phòng dịch. Song khi vào năm học, các trường học nếu không tiếp tục duy trì làm tốt việc đo thân nhiệt, kiểm tra các biểu hiện bệnh như ho, sốt, khó thở của học sinh ngay từ cổng trường thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ khó lường về lây nhiễm dịch bệnh bởi việc ngăn chặn các cháu vui chơi, tiếp xúc hoặc đeo khẩu trang trong suốt thời gian sinh hoạt ở trường là điều không khả thi.
Đối với 104 công dân của tỉnh vừa được đón về từ Đà Nẵng đã làm tốt công tác quản lý phòng bệnh trong quá trình đón, di chuyển đưa về địa phương; cần tiếp tục quản lý chặt chẽ việc cách ly tại nhà và theo dõi tình hình sức khỏe để cập nhật thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo. Ban quản lý các KCN phải thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình thực hiện các biện pháp phòng dịch ở các đơn vị, doanh nghiệp trong các KCN.
Dịch bệnh COVID-19 gây nên những hệ lụy to lớn cho kinh tế - xã hội toàn cầu, không chỉ trước mắt mà những thiệt hại được dự báo là còn lâu dài và khó lường. Do vậy muốn đảm bảo thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế, giảm thiệt hại theo chỉ đạo của Chính phủ thì việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện “5 K” (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách an toàn, không tụ tập và khai báo y tế) ở nơi công cộng là một yêu cầu bức thiết. Yêu cầu này đòi hỏi sự tham gia thực hiện nghiêm túc, tự giác của các cấp, các ngành và cả cộng đồng, trong đó các ngành chức năng với chức trách nhiệm vụ được giao phải đặc biệt nghiêm túc, gương mẫu chỉ đạo và tự giác thực hiện, tạo hiệu ứng lan tỏa lôi kéo cộng đồng làm theo mới đảm bảo hiệu quả./.
Vân Thi