Hưởng ứng cuộc thi “101 cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ Nam Định tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, giai đoạn 2017-2020 do Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh tổ chức, thời gian qua, Hội LHPN xã Quang Trung (Vụ Bản) đã triển khai mô hình “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề”, mang lại môi trường sống an toàn cho cộng đồng dân cư.
Hội viên phụ nữ xã Quang Trung (Vụ Bản) tham gia cắt tỉa cây hoa trên các tuyến đường gắn biển Hội Phụ nữ tự quản. |
Xã Quang Trung nổi tiếng với nghề rèn truyền thống có từ lâu đời, các sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước. Hiện nay, xã có trên 300 hộ gia đình tham gia sản xuất nghề cơ khí, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương và các xã lân cận. Sự phát triển của ngành nghề truyền thống đã giúp cho người dân trong xã phát triển kinh tế hộ gia đình; góp phần khởi sắc bộ mặt NTM. Tuy nhiên, nghề rèn truyền thống cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của người dân nơi đây. Hàng ngày, làng rèn thải ra môi trường xung quanh các loại hóa chất độc hại như axit sunfuric đậm đặc cùng nhiều chất thải rắn chưa được thu gom và xử lý, gây ô nhiễm môi trường về nguồn nước, rác thải, bụi… Do đó, nhiều người dân bị mắc các bệnh về hô hấp, đau mắt hột và các bệnh về thính giác do tiếng ồn… Nguyên nhân là do nhiều hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề chưa nhận thức rõ tác hại của việc ô nhiễm môi trường hoặc đã có nhận thức nhưng còn chưa sử dụng các biện pháp BVMT vì sợ đầu tư tốn kém, mất thời gian xử lý… Để cải thiện môi trường cho nhân dân đồng thời chung tay cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng NTM, năm 2015, Hội Phụ nữ xã đã phát động phong trào “Phụ nữ Quang Trung chung sức xây dựng NTM” gắn với triển khai thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Hội Phụ nữ xã chủ động phối hợp với các đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trao đổi trực tiếp với hội viên, phụ nữ về vấn đề ô nhiễm môi trường, tác hại của việc ô nhiễm môi trường để chị em có ý thức hơn trong sinh hoạt, lao động hàng ngày; thành lập mô hình “Phụ nữ chung tay BVMT làng nghề”. Được sự nhất trí của Đảng ủy, UBND xã, tháng 8-2015, Hội LHPN xã Quang Trung đã tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ chung tay BVMT làng nghề”; thành lập “Đội tuyên truyền viên bảo vệ môi trường làng nghề” gồm 15 người là cán bộ, hội viên phụ nữ ở các chi hội thôn xóm. Để hỗ trợ cho hoạt động của “Đội tuyên truyền viên BVMT làng nghề” của Hội LHPN xã Quang Trung, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ phương tiện loa truyền thanh, quần áo bảo hộ lao động, triển khai gắn biển “Tuyến đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp” tại 14/14 thôn xóm. “Đội tuyên truyền viên BVMT làng nghề” đã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của đội, báo cáo kết quả hoạt động của đội sau mỗi quý và tuyên truyền rộng rãi các nội dung hoạt động của đội theo chương trình kế hoạch đề ra. Cụ thể, đội đã hướng dẫn các hộ gia đình thu gom, phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng tối đa và chuyển chất thải rắn đến đúng nơi quy định. Thu gom, phân loại các chất thải nguy hại như các sản phẩm thải loại từ thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học, dầu mỡ máy…; tuyên truyền, vận động nhân dân không vứt rác thải, chất thải xuống ao hồ, sông ngòi, đường làng ngõ xóm gây ô nhiễm môi trường. Không sử dụng phân tươi để bón cho cây trồng hoặc cho cá ăn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm của Nhà nước, không sử dụng chất nổ, kích điện để đánh bắt thủy hải sản, không đốt rơm rạ và các phụ phẩm khác từ quá trình sản xuất nông nghiệp nhất là sau mỗi vụ thu hoạch lúa; cần tận dụng rơm rạ làm thức ăn cho trâu bò, làm chất độn chuồng và làm phân bón ruộng. Bên cạnh đó, đội còn xuống từng hộ gia đình sản xuất nghề cơ khí để tuyên truyền, vận động không được xả nước thải, phát tán khí thải, tiếng ồn và độ rung vượt quá quy định cho phép… Để hỗ trợ mô hình, Hội Phụ nữ xã còn tham mưu với Đảng ủy, UBND xã thành lập “HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Quang Trung” và “Tổ phụ nữ thu gom rác thải” tại 14/14 xóm. Theo đó, tổ dịch vụ đã đi vào hoạt động từ tháng 2-2016, thành viên trong tổ thu gom rác phần lớn là thành viên của “Đội tuyên truyền viên BVMT làng nghề”. HTX căn cứ vào thực tế số khẩu có mặt tại địa phương để thu phí dịch vụ thu gom rác với số tiền là 4.500 đồng/khẩu/tháng và trả công cho người trực tiếp thu gom rác theo số khẩu là 3.200 đồng/khẩu/tháng. Đến nay, đã có 90,5% khẩu có mặt tại địa phương tham gia và đóng phí dịch vụ thu gom rác, trong đó tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ thu gom rác cao như: Xóm Tiên, xóm Hội 2, xóm Quang Minh...
Chung tay BVMT làng nghề, Hội LHPN xã Quang Trung còn phát động phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, thường xuyên huy động đội tuyên truyền viên, đoàn viên, hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, sông ngòi, trồng và bảo vệ cây xanh, làm cỏ, trồng thêm hoa tại các tuyến đường gắn biển Hội Phụ nữ tự quản, Đoàn Thanh niên tự quản. Tích cực nhận ủy thác nguồn vốn vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ các hộ gia đình vay vốn xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch hợp vệ sinh. Tổng số vốn vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường của Hội LHPN xã tại Ngân hàng CSXH huyện là trên 1,6 tỷ đồng cho 154 hộ vay để xây dựng và sửa chữa công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Đến nay, toàn xã có 1.925/2.120 hộ gia đình đã có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Với nhiều biện pháp đồng bộ, đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Quang Trung, đặc biệt là miền Giáp Nhất, nơi tập trung các hộ gia đình làm nghề rèn đã giảm thiểu đáng kể, nhiều cơ sở sản xuất trong khu dân cư đã di chuyển ra sản xuất tại cụm công nghiệp tập trung của xã. Các hộ dân thực hiện tốt quy định về BVMT trong sản xuất, đặc biệt đối với các hộ sản xuất nghề rèn đã tự giác đầu tư hệ thống xử lý chất thải trước khi xả thải ra môi trường. Nhờ đó ô nhiễm về nước thải, không khí, tiếng ồn và các chất thải rắn đều giảm bớt, góp phần giữ gìn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương. Quá trình triển khai mô hình còn tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức tự giác chấp hành BVMT của hội viên phụ nữ và người dân địa phương; tạo mối đoàn kết, từ đó tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tích cực tham gia tổ chức Hội, khẳng định sự đóng góp của tổ chức Hội Phụ nữ trong phong trào xây dựng NTM của xã./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên