Trong quá trình hợp tác kinh doanh, việc xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp thương mại là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong điều kiện nước ta mới hội nhập quốc tế. Hoạt động thương mại với bản chất là một quan hệ pháp luật dân sự, đề cao tính tự nguyện, sự tự thỏa thuận giữa các bên. Khi xảy ra tranh chấp, các bên cũng được tự thỏa thuận, thương lượng giải quyết với nhau. Tuy nhiên khi không thể tự giải quyết, một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp. Với sự công tâm, khách quan, nhiều vụ án kinh doanh thương mại đã được giải quyết nhanh chóng theo đúng luật định, góp phần ổn định tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ TAND tỉnh tổ chức tiếp công dân. |
Theo kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, Nam Định xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố; trong đó, chỉ số “thiết chế pháp lý” của Nam Định có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Tòa án. Cụ thể là việc giải quyết án kinh doanh thương mại đạt kết quả 6,71 điểm, so với năm 2018 cao hơn 0,07 điểm và cao thứ 2 từ trước đến nay (năm 2017 đạt 6,73 điểm). Qua khảo sát, có 87,04% doanh nghiệp cho rằng chi phí chính thức và không chính thức là chấp nhận được khi giải quyết các tranh chấp qua tòa án, tăng 6,27% so với năm 2018 (tăng 10 bậc, xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố); 67,21% vụ án kinh tế đã được giải quyết trong năm, tăng 10,69% so với năm 2018 (tăng 15 bậc, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố). Số lượng vụ tranh chấp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh do Tòa án kinh tế cấp tỉnh thụ lý/100 doanh nghiệp là 99 vụ, tăng 29 vụ việc so với năm 2018. Quá trình đưa vụ án ra xét xử, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng TAND các cấp trong tỉnh đánh giá phán quyết của Tòa án được thi hành nhanh chóng, tăng 4,99% so với năm 2018; 88,33% doanh nghiệp đánh giá phán quyết của Tòa án là công bằng, đúng pháp luật… Để có được sự đánh giá công tâm của doanh nghiệp, người dân đối với Tòa án, thời gian qua, TAND hai cấp trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công tác xét xử các vụ án. Hàng năm, TAND tỉnh triển khai kế hoạch, chương trình công tác gắn với các phong trào thi đua của ngành TAND và của tỉnh để tập trung thực hiện. Đồng thời tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán, hội thẩm nhân dân như: thường xuyên quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân học tập, nghiên cứu, cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của TAND cấp trên và các văn bản pháp luật mới được ban hành để vận dụng trong công tác xét xử. Bên cạnh đó, TAND hai cấp tích cực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, niêm yết các biểu mẫu liên quan đến việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trên cổng thông tin điện tử của ngành; tổ chức việc tiếp nhận, phân loại các loại đơn khởi kiện, kháng cáo, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm rút ngắn trình tự, thời gian giải quyết vụ án bảo đảm khách quan, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp không để án đã thụ lý tồn đọng. Tại các phiên tòa, việc xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được đổi mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, tinh thần thượng tôn pháp luật. Các phán quyết của chủ tọa luôn vận dụng các quy định của pháp luật một cách sắc bén, đồng thời căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, nguyên đơn, bị đơn và những người tham gia tố tụng khác… bảo đảm xét xử đúng người, đúng việc, đúng pháp luật. Từ đầu năm đến hết tháng 7-2020, TAND hai cấp trong tỉnh đã thụ lý 4.422 vụ việc; giải quyết, xét xử 3.704 vụ việc, đạt tỷ lệ 83,8%; trong đó đã tiếp nhận và xử 48/64 vụ việc liên quan đến án kinh doanh thương mại, qua đó góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự khi tham gia tố tụng.
Đồng chí Trần Văn Kiểm, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh cho biết: “Nhằm tiếp tục tăng cường giải quyết án kinh doanh thương mại, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, TAND tỉnh đã chỉ đạo TAND các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án kinh doanh thương mại hàng tuần, hàng tháng giao ban kiểm tra, thúc đẩy tiến độ giải quyết và báo cáo tiến độ giải quyết theo Luật định (thời gian là 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, trừ các trường hợp vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài). Đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại thì có thể quyết định gia hạn thời hạn giải quyết vụ án nhưng cũng không quá 1 tháng; tổng thời gian giải quyết không quá 3 tháng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp”. Đặc biệt, TAND hai cấp tích cực áp dụng các biện pháp hòa giải để cho các đương sự, người tham gia tố tụng tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết các vấn đề có tranh chấp trong vụ án được tập trung, chú trọng làm giảm căng thẳng giữa các bên tranh chấp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án đạt hiệu quả.
Kết quả của việc giải quyết tranh chấp án kinh doanh thương mại góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại phát triển, lợi ích của xã hội, của Nhà nước được đảm bảo; quyền và các lợi ích hợp pháp của các bên được bảo vệ./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn