Toàn tỉnh hiện có 90.321 nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), chiếm 67% tổng số CNVCLĐ trong tỉnh. Xác định vai trò quan trọng của nữ CNVCLĐ, những năm qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo Ban Nữ công công đoàn các cấp phát động các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong nữ CNVCLĐ, trong đó nổi bật là phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Bác sĩ Đỗ Thái Hiền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn sáng tạo trong công việc. |
Để đưa phong trào đi vào thực chất, hiệu quả, ngay đầu năm, Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức cho toàn thể chị em đăng ký tham gia đồng thời lồng ghép với các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Qua đó, giúp chị em nâng cao ý thức học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, phát huy tinh thần sáng tạo trong lao động, sản xuất. Tiêu biểu như bác sĩ Đỗ Thái Hiền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học, đưa ra những kiến nghị cho khoa, phòng và bệnh viện nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc người bệnh ung thư trên địa bàn tỉnh như đề tài “Nhận xét hiệu quả điều trị khó thở bằng Morphine liều thấp ở người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định” và đề tài “Đánh giá nhu cầu và mức sẵn lòng trả cho dịch vụ chăm sóc tại nhà của người bệnh ung thư giai đoạn cuối điều trị tại khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định”. Qua nghiên cứu, chị Hiền đã đánh giá được nhu cầu chăm sóc tại nhà người bệnh ung thư giai đoạn cuối là cao, tạm thời khảo sát được mức sẵn lòng trả cho dịch vụ này. Từ đó kiến nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh mở dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe cho người bệnh ung thư, đồng thời tăng thu nhập cho nhân viên y tế. Các đề tài khoa học của bác sĩ Hiền đều được hội đồng khoa học Bệnh viện nghiệm thu và đánh giá cao. Với những đóng góp trong lĩnh vực y tế, bác sĩ Hiền được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen vì có những thành tích trong phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2010-2020.
Để khơi dậy sức sáng tạo trong nữ CNVCLĐ, nhất là nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, Ban Nữ công Công đoàn các cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chuyên môn lồng ghép các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, các hoạt động về giới trong hoạt động công đoàn. 10 năm qua (2010-2020), đã tổ chức gần 200 buổi nói chuyện về bình đẳng giới cho trên 16 nghìn lượt CNVCLĐ; 1.950 hội nghị tuyên truyền trực tiếp cho lao động nữ về sức khỏe sinh sản, nuôi con bằng sữa mẹ, phối hợp với Công ty Dược phẩm Traphaco và các hãng dược phẩm khác tổ chức 250 hội nghị về phòng ngừa các bệnh ung thư cho nữ, cách sử dụng thuốc; phối hợp với Công ty Sữa Yakult phát sữa miễn phí cho gần 10 nghìn người lao động nữ; tổ chức 280 buổi nói chuyện cho gần 20 nghìn người nghe về đề án “Nâng cao phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, các chuyên đề về xây dựng hạnh phúc gia đình, tuyên truyền về phong trào “5 không, 3 sạch”… Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn đã phối hợp với lãnh đạo chuyên môn của cơ quan, đơn vị, khuyến khích và tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ được học tập, đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về chính trị, văn hoá, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, chú trọng việc đào tạo nghề cho lao động nữ đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và phát huy được thế mạnh của phụ nữ. Theo số liệu thống kê, trong 10 năm qua đã có 7.538 chị tham gia học văn hóa; 4.536 chị nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; 2.103 chị tham gia lớp lý luận chính trị; 2.285 chị tham gia đào tạo về ngoại ngữ, vi tính... Trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai phong trào gắn với việc thực hiện “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”... Đồng thời, hướng dẫn các cấp Công đoàn cụ thể hóa tên phong trào, tiêu chuẩn thi đua sao cho phù hợp với từng ngành nghề, đơn vị. Hàng năm, Ban Nữ công Công đoàn các cấp tổ chức cho nữ CNVCLĐ đăng ký thi đua, tiến hành sơ kết, tổng kết và bình xét danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đồng thời động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào. Tiêu biểu như: chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; chị Đinh Thị Kim Yến, Công ty cổ phần May Nam Hà; chị Đỗ Thị Len, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH Longyu; chị Đỗ Thái Hiền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh... Trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đã có 5.500 đề tài và sáng kiến do các chị làm chủ, trong đó có hơn 30 đề tài, 1.450 sáng kiến được đưa vào áp dụng thực tế đời sống làm lợi cho đơn vị, địa phương hàng tỷ đồng. Có 2 chị được tôn vinh là nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu cấp Tổng LĐLĐ; 30 chị được tôn vinh tại hội nghị phụ nữ điển hình của tỉnh; 73 chị nhận giải thưởng Nguyễn Đức Thuận; 96 chị đã tham gia và đạt giải hội thi sáng tạo cấp tỉnh; 73 chị được tôn vinh là trưởng ban nữ công tiêu biểu; nhiều chị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, các bộ, ngành khen thưởng; 18 chị được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 8 chị được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, 1 chị là nghệ sĩ tài năng trẻ, 23 chị được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo...
Việc phát huy vai trò của nữ CNVCLĐ đã góp phần phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong lao động, sản xuất của nữ CNVCLĐ; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh