Ở xóm 19, xã Xuân Vinh (Xuân Trường), ông Trần Thanh Năm được nhiều người biết đến với trang trại nuôi cá trắm đen rộng 6ha mang lại hiệu quả thu nhập cao. Để có được thành công này, ông Năm cũng đã trải qua nhiều thất bại từ nuôi tôm, cá vược. Không nản chí, ông Năm đã dành thời gian đi tham quan, tìm hiểu kỹ thuật, kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả và mạnh dạn chuyển sang nuôi cá trắm đen kết hợp thả thêm trắm cỏ, cá chép. Ông đã áp dụng phương pháp trộn thêm thảo dược vào thức ăn cho cá, trong đó có tỏi khô xay nhỏ trộn với đường, dấm gạo nếp ủ lên men, giúp cá hạn chế các bệnh về tiêu hóa, phát triển nhanh, thịt chắc và thơm ngon. Hàng năm, trang trại của gia đình ông xuất bán trên 100 tấn cá, trong đó 70 tấn là cá trắm đen trọng lượng trên dưới 10kg/con, sau khi trừ chi phí thu về gần 1 tỷ đồng. Còn tại xóm 16, từ năm 2017, ông Nguyễn Văn Đôn đã phát huy hiệu quả diện tích ruộng trũng chân đê sông Sò trồng gần 3ha sen. Nhờ làm tốt khâu chuẩn bị đất, thường xuyên vệ sinh ruộng, đầm, kiểm tra, phát hiện sâu ăn lá để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường thêm phân chuồng ủ và phân hữu cơ nên cây sen bền, gương sen to, hạt sen chắc mẩy, cho năng suất cao. Trung bình mỗi vụ, gia đình ông thu hoạch hơn 4 tấn hạt sen, hàng nghìn bông hoa sen, đồng thời khai thác thêm được nguồn lợi thủy sản sạch sống trong đầm như tôm, cua, cá, ốc. Từ việc mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, gia đình ông Đôn không những thoát nghèo mà còn vươn lên là hộ làm kinh tế giỏi ở địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Mô hình trồng sen của gia đình ông Nguyễn Văn Đôn, xóm 16, xã Xuân Vinh tạo việc làm cho nhiều lao động. |
Những năm qua, Hội Nông dân (HND) xã Xuân Vinh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập trên diện tích canh tác, nâng cao đời sống nông dân. HND xã đã chủ động xây dựng, cụ thể hóa các nghị quyết, đề án của Hội cấp trên thành các chương trình hành động và triển khai thực hiện sát với tình hình của địa phương, nhất là những chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, HND xã còn vận động hội viên tích tụ ruộng đất, quy hoạch xây dựng cánh đồng lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ngành nghề; hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của xã đạt gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, HND xã còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN và PTNT, Quỹ Tín dụng nhân dân nhận ủy thác, tín chấp cho hội viên vay hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nâng cao thu nhập. Với đặc điểm xã nông nghiệp, cốt đất trũng và hệ thống sông ngòi đặc biệt thích hợp cho nuôi trồng thủy sản, xã đã quy hoạch được vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 39ha. Bên cạnh đó HND xã đã thành lập 1 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, 1 công ty chế biến thủy sản, 2 mô hình sản xuất thâm canh 2 lúa diện tích 35ha. Trong đó, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản thành lập tháng 5-2019 có 10 hộ hội viên tham gia, hoạt động nền nếp, hiệu quả. Tổ hợp tác duy trì sinh hoạt mỗi tháng một lần, phổ biến đến các thành viên những thông tin về diễn biến thị trường, trao đổi kinh nghiệm nuôi cá… tạo điều kiện giúp các hộ nông dân có thêm nguồn kinh phí mở rộng mô hình sản xuất, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trong chăn nuôi. Từ mô hình tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, hiện nay, xã tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản chuyển dần từ hình thức nuôi quảng canh sang thâm canh, hình thành 2 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở khu vực ven sông Sò với tổng diện tích 52ha, trong khu dân cư 18,2ha. Ngoài các loại cá truyền thống như trắm đen, trôi, mè, hội viên nông dân trong xã còn nuôi cá vược, diêu hồng, cá lăng nha, cá lăng chấm, tôm thẻ chân trắng, tăng thu nhập bình quân cho mỗi hộ từ 50-80 triệu đồng trở lên. Với các hoạt động hỗ trợ thiết thực của HND các cấp, nông dân xã Xuân Vinh đã tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Đến nay, toàn xã có 445 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó cấp trung ương 14 hộ, cấp tỉnh 101 hộ, cấp huyện 121 hộ.
Thời gian tới, HND xã Xuân Vinh tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, vận động hội viên tích cực tham gia các tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp để thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất chuyên canh, “cánh đồng lớn”, cánh đồng liên kết, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống cho hội viên./.
Bài và ảnh: Lam Hồng