Hiện nay, môi trường mạng internet thu hút rất nhiều trẻ em tham gia. Tuy nhiên, vì chưa đủ kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để sàng lọc, phân biệt và xử lý các thông tin tốt - xấu, đúng - sai từ internet... nên các em là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng khi tiếp cận thông tin trên môi trường mạng.
Trung tâm Văn hóa thể thao thanh, thiếu niên tỉnh tổ chức các hoạt động thực tế thu hút trẻ giúp các em hạn chế tiếp xúc internet. |
Dù mới 10 tuổi nhưng em Hồng Nga ở đường Trường Chinh (thành phố Nam Định) rất thành thạo khi sử dụng internet. Từ khi học lớp 3, bố mẹ em đã hướng dẫn con vào mạng để tự học Toán và tiếng Anh. Với sự hướng dẫn của bố mẹ, em thường xuyên tham gia các lớp học online, giải Toán nhanh, giải Toán bằng tiếng Anh, từ đó “sức học” của em được nâng lên rõ rệt. Năm học lớp 4 em đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi giải Toán bằng tiếng Anh cấp thành phố. Ngoài việc học, ở một khoảng thời gian nhất định trong ngày, Nga cũng được mẹ cho xem những bộ phim hoạt hình phù hợp với lứa tuổi, được hướng dẫn để con không “lạc” vào những bộ phim có nội dung không lành mạnh. Đối với chị Lan thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy), việc con có tài khoản Facebook từ khi học lớp 7 đã khiến chị không khỏi ngạc nhiên. Cô bé nói tạo tài khoản là để xem thông tin về trường lớp và chat với bạn bè. Khi vào tìm hiểu, chị giật mình và lo lắng khi thấy con có khá nhiều bạn, trong đó có cả những thanh niên, người nước ngoài. Khi mẹ hỏi thì cô bé bảo cứ hễ ai gửi lời mời kết bạn là đồng ý. “Tôi thật sự lo lắng vì bọn trẻ dùng mạng xã hội quá sớm và không thể quản lý được hết những gì con sử dụng. Trẻ hay tò mò nên cứ bạn này có thì bạn khác cũng có, nhiều bạn không có điện thoại thì la cà ở các quán internet và đôi khi đọc những chia sẻ, bình luận của các con, tôi không thể yên tâm được. Tôi thường trao đổi với con nên like (thích) hoặc chia sẻ nội dung nào, đưa ảnh gì lên kết bạn với những ai. Bây giờ thông tin trên mạng xã hội quá nhiều, có cả những thông tin tiêu cực. Bởi vậy, nếu không theo kịp để hướng dẫn thì các con rất dễ phát triển lệch lạc”, chị Lan chia sẻ.
Việc trẻ em ham thích khám phá, trải nghiệm trên môi trường mạng là điều rất bình thường, bởi internet chứa đựng kho thông tin khổng lồ với rất nhiều kiến thức bổ ích, nhiều tiện ích hay, đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em. Tuy nhiên, internet cũng chứa đựng những mặt hạn chế, nếu thiếu đi sự giám sát của người lớn thì rất dễ khiến trẻ em bị “lạc hướng”. Điều đáng nói là rất nhiều gia đình chưa biết kỹ năng hoặc xem nhẹ việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng do đó dễ dẫn đến việc các em có nguy cơ bị xâm hại từ môi trường này. Thời gian qua, câu chuyện trẻ nhỏ tự ý tham gia trò chơi có tên “thử thách cá voi xanh” và kết cục “tự vẫn” của một số trẻ em ở một số nước là minh chứng cho thấy, khi trẻ theo dõi, làm theo những hướng dẫn nguy hại trên mạng sẽ mang đến nhiều hậu quả khôn lường. Trong quá trình học trực tuyến do dịch COVID-19 vừa qua, nhiều cha mẹ cho biết, con họ đã bị những đối tượng xấu gạ gẫm tham gia vào các cuộc thi sắc đẹp. Thể lệ tham dự là trẻ cần gửi những tấm ảnh chụp các bộ phận theo yêu cầu của ban tổ chức để kiểm tra xem trên người có vết sẹo không. Nhiều em đã làm theo yêu cầu, chụp và gửi ảnh trong khi không hề biết những tấm ảnh đó được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì. Đặc biệt, trẻ em chơi những trò chơi trực tuyến, có kết nối, chia sẻ với nhau nên từ một hành động nhỏ, có thể nhanh chóng trở thành trào lưu, xu hướng khiến trẻ tham gia trong khi trẻ chưa phân định được các mặt lợi, hại của những trào lưu đó. Cuối cùng, trẻ em là đối tượng rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, uy hiếp, thậm chí bị quấy rối và xâm hại tình dục qua mạng. Hiện tượng trẻ em trở thành mục tiêu “tấn công” của tội phạm mạng đã từng được cảnh báo, tuy nhiên thời gian gần đây, loại tội phạm này có biểu hiệu gia tăng bất thường, trong khi các biện pháp xử lý, ngăn chặn còn thiếu hiệu quả gây lo ngại không chỉ cho các bậc phụ huynh mà còn khiến xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng. Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Trực, tính đến tháng 6-2020 toàn huyện có gần 30 nghìn thuê bao internet, gần 6.000 thuê bao điện thoại cố định, hơn 70 nghìn thuê bao điện thoại di động. Tỷ lệ phủ sóng di động 3G, 4G trên toàn huyện đạt 100%. Trong đó, số người dùng internet trong độ tuổi thanh, thiếu niên, học sinh chiếm khoảng 60%. Lợi dụng những thành tựu khoa học công nghệ, sự phát triển của internet và mạng xã hội, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Thống kê từ năm 2017 đến nay, Công an huyện Nam Trực đã tiếp nhận, giải quyết 9 tin báo, vụ việc. Trong đó, đã khởi tố 3 vụ với 10 bị can sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi, vi phạm pháp luật. Để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, góp phần thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng, Trường THCS Nam Cường là đơn vị đầu tiên của huyện Nam Trực tổ chức triển khai và ký kết thực hiện Kế hoạch liên tịch về phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc; phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng... Thông qua các tham luận, ý kiến bàn luận của đại biểu, các em học sinh của nhà trường đã có ý thức tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Thời gian qua, nhằm nâng hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, nhiều trường học đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho các em về tác hại của mạng xã hội. Tỉnh Đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho trẻ em kiến thức về sử dụng internet, mạng xã hội hiệu quả và lồng ghép trong các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Bên cạnh đó, cập nhật thông tin cho đội ngũ tuyên truyền viên của đoàn, cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội về những kỹ năng cần thiết trong công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em. Đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động lành mạnh trên mạng xã hội cho học sinh tham gia nhằm tạo sân chơi bổ ích, giúp các em có môi trường vui chơi, giải trí, học tập trên mạng. Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các buổi tập huấn nhằm giúp các em nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội; hướng dẫn trẻ cách tham gia môi trường mạng tốt nhất, giúp trẻ nhận biết được những rủi ro, cạm bẫy trên môi trường mạng; tăng cường giáo dục, hỗ trợ để các em có đủ thông tin, kỹ năng tự bảo vệ mình trong thế giới công nghệ số… Tuy nhiên, ngay tại gia đình các em cũng cần được giáo dục về biện pháp để tự bảo vệ bản thân khi tham gia môi trường mạng. Cha mẹ cần có biện pháp giám sát hiệu quả đối với việc sử dụng mạng của con em mình, thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm của con, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường để có những biện pháp xử lý phù hợp. Với sự vào cuộc tích cực của gia đình và toàn xã hội sẽ hình thành mạng lưới vững chắc, an toàn giúp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng một cách hiệu quả./.
Bài và ảnh: Hồng Minh