Để đảm bảo hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2020-2021, Sở GD và ĐT đã sớm giao chỉ tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục về các huyện, thành phố, các trường THPT; hướng dẫn công tác tuyển sinh với phương thức ổn định, đảm bảo các điều kiện về trường, lớp, đội ngũ giáo viên… nhằm tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới.
Học sinh Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên) thường xuyên đọc sách tại thư viện trường. |
Năm học 2020-2021 Sở GD và ĐT giao chỉ tiêu phát triển giáo dục khối mầm non, tiểu học, THCS các huyện, thành phố; trong đó, bậc học mầm non công lập có hơn 3.600 lớp, với trên 112 nghìn trẻ; bậc tiểu học có hơn 4.800 lớp, với trên 158 nghìn học sinh; bậc THCS có 2.900 lớp, với gần 104 nghìn học sinh. Với chỉ tiêu đó, năm học 2020-2021, toàn tỉnh tuyển sinh khoảng trên 34 nghìn học sinh lớp 1, hơn 25 nghìn học sinh khối 6. Đối với cấp THPT, tuyển sinh 17.885 học sinh, không quá 70% trong tổng số học sinh tốt nghiệp THCS; 30% còn lại sẽ theo học tại các trung tâm GDTX, các trường nghề. Về phương thức tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 là xét tuyển. Riêng các trường THCS chất lượng cao sẽ kết hợp giữa xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Phương thức tuyển sinh vào THPT là thi tuyển. Học sinh đều phải tham dự thi tại một Hội đồng thi do trường THPT tổ chức để lấy kết quả thi xét tuyển sinh vào lớp 10. Về môn thi, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay học sinh chỉ phải làm 2 bài thi, gồm Toán, Ngữ văn; riêng thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong phải làm 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và thêm bài thi môn chuyên. Ngoài ra, những trường hợp học sinh trong diện ưu tiên được tuyển thẳng và xét tuyển vào THPT theo quy định.
Hiện tại các cấp học trên toàn tỉnh đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp; trong đó, toàn tỉnh tuyển được hơn 34.600 học sinh lớp 1, trên 25 nghìn học sinh khối lớp 6. Đối với cấp THPT, tuyển được 17.900 học sinh. Việc tổ chức tuyển sinh đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh. Ở các đơn vị giáo dục từ mầm non đến tiểu học, THCS, để thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo rộng rãi, công khai kế hoạch tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các phòng GD và ĐT đã gửi văn bản đến các xã, phường, thị trấn để người dân nắm được chủ trương, kế hoạch, những thay đổi trong công tác tuyển sinh để thực hiện, kiểm tra, giám sát. Các phòng GD và ĐT cũng có văn bản hướng dẫn các nhà trường thực hiện tuyển sinh đầu cấp về hình thức tuyển sinh, thời gian, đối tượng, điều kiện xét tuyển, cách thức tổ chức tuyển sinh, việc chia lớp, xếp lớp và phân công giáo viên; tiến hành điều tra chính xác số trẻ ở từng độ tuổi trên địa bàn, phân tuyến và giao chỉ tiêu hợp lý, đảm bảo đủ điều kiện cho học sinh học tập với phương châm phân tuyến hợp lý, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, tránh tình trạng quá tải, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trên một lớp, bảo đảm chính xác, khách quan, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng công tác phổ cập giáo dục. Ở các cơ sở giáo dục mầm non, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, nhằm huy động 100% trẻ 5 tuổi diện phổ cập giáo dục trên địa bàn đến trường, các cơ sở giáo dục mầm non đã huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường, lớp ở các loại hình công lập, tư thục. Các trường tiểu học huy động 100% trẻ 6 tuổi diện phổ cập giáo dục, trong đó chú trọng huy động trẻ khuyết tật diện hòa nhập (chưa học lớp 1) trên địa bàn xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ phổ cập vào lớp 1. Các trường THCS đã hoàn thành việc huy động 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học, trong độ tuổi quy định, có hồ sơ hợp lệ trên địa bàn xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ phổ cập giáo dục vào lớp 6; tạo điều kiện cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học, không để học sinh bỏ học vì kinh tế gia đình khó khăn. Ở khối THPT, 44 trường THPT khối công lập tuyển được hơn 17 nghìn học sinh vào lớp 10; trong đó, riêng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tuyển 570 học sinh chia làm 16 lớp (gồm 14 lớp chuyên, 2 lớp không chuyên).
Từ thực tế công tác tuyển sinh đầu cấp cho thấy: Ở khối tiểu học và THCS, một số trường khó khăn trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là một số trường ở khu vực thành phố như: các trường Tiểu học Lộc An, Nam Phong, Lộc Vượng, Trần Tế Xương, Nguyễn Văn Cừ, Lộc Hoà, Trần Phú; các trường Trung học cơ sở: Tô Hiệu, Lộc Hạ, Lộc Hoà, Lộc An, Quang Trung, Lộc Vượng. Các trường THCS: Nam Phong, Mỹ Xá; các trường Tiểu học: Lộc An, Lộc Vượng, Nam Phong, Trần Văn Lan… đã có cải thiện sau thời gian thành phố đã chú ý nâng cao độ đồng đều về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục, điều chuyển cán bộ quản lý và giáo viên giữa các trường trên địa bàn; tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, đầu tư kinh phí cho các trường khó khăn, do vậy chất lượng giáo dục được nâng lên, có trường đã có giáo viên đạt loại giỏi trong Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố. Ở khối THPT, kết quả tuyển sinh các trường THPT công lập đã khẳng định tương đối chính xác năng lực của học sinh và “đầu ra” của các trường THCS, cũng như việc “cạnh tranh” về chất lượng giáo dục của các trường THPT công lập trong tỉnh đã thu hút và phân loại năng lực của học sinh. Nhìn vào điểm chuẩn của các trường THPT cho thấy, năm nay, điểm chuẩn các trường tốp trên tương đối đồng đều, trong khi điểm chuẩn vào một số trường tốp dưới lại thấp… Đơn cử, Trường THPT Xuân Trường B và THPT A Hải Hậu có số điểm chuẩn cao nhất là 15 điểm. Các trường THPT tốp đầu có điểm chuẩn cao năm nay gồm có: Xuân Trường B (15 điểm), A Hải Hậu (15 điểm), Nguyễn Khuyến (14,75 điểm), Giao Thuỷ (14,50 điểm), Nam Trực (14,50 điểm). Một số trường THPT có điểm đầu vào thấp như An Phúc, Nguyễn Trãi, Thịnh Long, Trần Nhân Tông, Lý Nhân Tông (10-10,25 điểm)… Mặt khác, vẫn còn nhiều tình trạng xin chuyển trường, chuyển lớp ở các bậc học, cấp học, đặc biệt là vào học tại các trường THCS chất lượng cao, có cơ sở vật chất tốt, nhiều giáo viên giỏi. Điều đó dẫn đến sĩ số học sinh mỗi lớp ở các trường tốp trên tăng vọt, có lớp lên tới hơn 50 học sinh, vượt quy định. Công tác tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn thành phố Nam Định chưa có quy định cụ thể việc tuyển sinh vào các trường như: Tiểu học Trần Quốc Toản, Phạm Hồng Thái, THCS Phùng Chí Kiên… Chất lượng giáo dục chưa đồng đều ở các nhà trường là một trong những nguyên nhân gây nên áp lực tuyển sinh đầu cấp. Để khắc phục tình trạng trên, các địa phương cần tiếp tục nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường học, bậc học cả về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ.
Sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp, hiện tại các nhà trường đang nỗ lực chuẩn bị đảm bảo đủ cơ sở trường, lớp, giáo viên, thiết bị học tập... sẵn sàng đón học sinh đến trường./.
Bài và ảnh: Minh Thuận