Việc phân luồng học sinh sau THPT đang được ngành GD và ĐT và các nhà trường đặc biệt quan tâm. Bởi đây được coi là giải pháp căn bản giúp mỗi gia đình, học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng “nghề”, hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội, nhằm khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Nam Định tìm hiểu về nghề nghiệp và nghe tư vấn hướng nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. |
Tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực), hàng năm, thành lập Ban hướng nghiệp dạy nghề, xây dựng kế hoạch hướng nghiệp - dạy nghề căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tiễn của đơn vị và triển khai ngay từ đầu năm. Trường tập trung tuyên truyền về vai trò hướng nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp tương lai cho học sinh, đặc biệt, với học sinh khối 12 khi các em đăng ký hồ sơ thi đại học, cao đẳng hoặc lựa chọn nghề nghiệp theo học. Hoạt động dạy nghề được đăng ký theo lớp với 2 nghề: Ðiện dân dụng và nuôi cá; học lý thuyết trong lớp kết hợp hoạt động trải nghiệm sáng tạo ngoài không gian lớp học. Ngoài ra, trường phối hợp Ðoàn Thanh niên, Ban Ðức dục, phụ huynh học sinh, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức tư vấn du học... để tổ chức lồng ghép hoạt động giáo dục hướng nghiệp và kỹ năng nghề trong các giờ: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, chào mừng các ngày kỷ niệm 20-10; 20-11; 22-12; 8-3; 26-3... Về dạy nghề, mỗi năm học, trường đảm bảo thực hiện quy định hơn 100 tiết với gần 400 học sinh học nghề triển khai 4 lớp nghề điện, 6 lớp nghề nuôi cá.
Với tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh, nhiều năm qua, ngành GD và ÐT tỉnh đã tích cực thực hiện công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh THPT. Ðặc biệt, thực hiện Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo Sở GD và ÐT ban hành các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học, trong đó có việc chỉ đạo tăng cường các hoạt động hướng nghiệp; chỉ đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm khoa học cho học sinh nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phối hợp với các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức Ngày hội STEM và Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học (năm học 2018-2019; năm học 2019-2020); xây dựng hướng dẫn giảng dạy hoạt động giáo dục hướng nghiệp cấp THPT hàng năm kèm theo công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học. Ðặc biệt, trong hướng dẫn giảng dạy năm học 2019-2020, Sở chỉ đạo các trường THPT tiếp tục thực hiện nội dung hoạt động giáo dục hướng nghiệp với thời lượng 9 tiết/năm học (tổ chức vào tháng 2, 3, 4), sau khi tích hợp các nội dung môn Công nghệ lớp 10 phần “Tạo lập doanh nghiệp” và tích hợp vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp do giáo viên môn Công nghệ, giáo viên phụ trách hoạt động giáo dục hướng nghiệp thực hiện ở 3 chủ đề: “Thanh niên với học tập, rèn luyện vì sự nghiệp CNH-HÐH đất nước” (chủ đề tháng 9); “Thanh niên với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (chủ đề tháng 12); “Thanh niên với vấn đề lập nghiệp” (chủ đề tháng 3). Mỗi khối lớp giảng dạy 3 chủ đề trên trong chương trình THPT của Bộ GD và ÐT. Ngoài ra, các trường thực hiện tốt việc đưa học sinh đi thực tế tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh… Trong đó, lớp 10 tìm hiểu một số nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; tìm hiểu thực tế một cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc nông nghiệp; tìm hiểu một số nghề thuộc ngành xây dựng. Lớp 11 tìm hiểu một số nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ; giao lưu với gương vượt khó, điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi; tìm hiểu thực tế một trường đại học, cao đẳng hoặc một trường trung cấp chuyên nghiệp tại địa phương. Lớp 12 tìm hiểu hệ thống đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề của Trung ương và địa phương; tìm hiểu hệ thống đào tạo đại học và cao đẳng; tư vấn chọn nghề. Sở cũng giao các trường THPT xây dựng kế hoạch, hướng dẫn giáo viên xây dựng nội dung tích hợp sát với thực tiễn địa phương và điều kiện của trường; làm tốt việc hướng nghiệp học sinh lựa chọn con đường phát triển bản thân sau THPT (đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi làm). Việc tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp, các trường có thể tổ chức học riêng theo lớp, theo khối; có thể giao cho giáo viên hoặc mời chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp giảng dạy… Một số trường có sáng tạo trong giáo dục hướng nghiệp cho học sinh như: Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc), Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực); Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Ðịnh)… Với những nỗ lực của ngành GD và ÐT và các ngành liên quan, trong những năm học gần đây, trung bình hàng năm tỷ lệ học sinh của tỉnh tốt nghiệp THPT không tiếp tục đi học đại học, cao đẳng là 20% số lượng có bằng nghề chiếm 14,4% trong số đó 100% học sinh lớp 11 được học nghề theo quy định.
Tuy nhiên, so sánh với mục tiêu của Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”: Ðến năm 2025, phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%..., thì tỉnh ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu trên, trong khi vấn đề “hậu phân luồng” vẫn còn nhiều trở ngại. Nguyên nhân chính dẫn tới việc phân luồng khó khăn là cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là máy móc thiết bị cho dạy và học nghề chưa đáp ứng yêu cầu, kết quả “đầu ra” của học nghề có nhiều hạn chế. Do kỹ năng thực hành nghề chưa tốt, cơ hội xin việc làm, tự tạo việc làm của học sinh sau khi ra trường còn nhiều khó khăn. Công tác hướng nghiệp trong một số trường chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường, nhiều giáo viên bỏ ngỏ công tác này, nhất là việc giáo dục hướng nghiệp qua môn học và tư vấn hướng nghiệp. Phần lớn phụ huynh vẫn còn tư tưởng khá nặng nề về bằng cấp. Nhiều phụ huynh chỉ muốn con em tiếp tục học lên đại học, cao đẳng chứ không muốn vào học nghề…
Thực hiện Ðề án, UBND tỉnh đã xây dựng Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2018-2025” và Kế hoạch thực hiện Ðề án với mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; Phấn đấu 100% trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.
Ðể đạt được các mục tiêu trong đề án trên, Sở GD và ÐT đang chỉ đạo các trường THPT; các trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX cấp tỉnh tập trung nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; Ðổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học, các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; Ðề xuất bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; Huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông; Tăng cường quản lý, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THPT vào học các trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế./.
Bài và ảnh: Minh Thuận